Đúng vào ngày tang lễ Bác, bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu được in trên trang nhất của hầu hết các báo ở thủ đô Hà Nội. Một ngày sau, nhiều tờ báo hoạt động bí mật ở Sài Gòn đã in lại nguyên văn bài thơ này. Đài Tiếng nói Matxcơva đã diễn đọc bài thơ Bác ơi! bằng tiếng Nga trên nền nhạc bi tráng suốt một tuần.
Trong hồi ký của mình, nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác mất là nỗi buồn đau thương lớn, cũng là nỗi buồn đau bi tráng trong đời nhà thơ, trong đời mỗi chúng ta. Cái bi tráng có ý nghĩa xã hội, có ý nghĩa nhân văn, có ý nghĩa lịch sử…”.
Nỗi đau trong nhà thơ dâng trào khi viết ra những câu thơ trong những ngày Bác mất “Trời tuôn nước mắt, đời tuôn mưa”. Đừng nhầm lẫn đây là câu thơ so sánh mà hãy đón nhận ở đó tâm trạng của một tâm hồn. Câu thơ của nỗi đau lớn trong lòng người, hồn người, trong đời người. Một nỗi đau lớn sánh với trời đất, sánh với cả đời người khi ta hòa trong thiên nhiên khóc Bác. Đó là khi ta không còn nghe tiếng chuông reo lên thang gác Bác, không còn thấy ánh sáng đèn trong phòng Bác, cả tiếng sỏi dưới những bước chân Bác đi. Vắng Bác ta như lẫn trong thế giới tê tái, cô đơn, vắng lặng của một đời người. Chữ chạy, chữ lần để về thăm Bác, theo lối sỏi Bác đi là chữ có thần của trạng thái đau đớn tột cùng của người già, người trẻ và của cả nhà thơ.
Bác là lẽ sống không mất đi trong trời đất này. Đó là lẽ sống lớn “Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ lụa tặng già”, “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Ngọn lúa, cành hoa của mầm non, trái chín vẫn ríu rít bên Bác, quây quần bên Bác. Điều này làm ta hiểu ra, Di chúc Bác để lại “muôn vàn tình thân yêu” trong chúng ta. Những câu thơ đã lay động đến trời đất, lay động hồn người để chúng ta nhận ra một nguồn sáng cao cả, cũng là để chúng ta khóc Bác không giấu trước bạn bè, nhưng ta cố nén đau thương, giữ khí phách, trọn đời đi theo Bác, trọn đời vững niềm tin, giữ trong sáng: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
Trúc Chi
Bình luận (0)