Một bữa, con gái tôi đang học THCS mang về một bản cam kết “thực hiện nội quy nhà trường – an toàn giao thông”. Bản cam kết có 3 mục và 4 nội dung chính, trong đó có cam kết thực hiện các nội quy (6 điều), cam kết về việc thực hiện Luật Giao thông (6 điều) và điều khoản chế tài (2 điều). Bản cam kết cần 3 chữ ký của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm (ký tên xác nhận) và học sinh (ký tên cam kết).
Theo tác giả, sự cẩn thận, điềm đạm trong ứng xử của phụ huynh chính là tấm gương tuyệt vời cho con trong mọi khía cạnh (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Về hình thức, một bản cam kết vừa mang ý nghĩa động viên, nhắc nhở học sinh chấp hành nội quy nhà trường và luật đi đường vừa tuyên truyền cho phụ huynh để quan tâm, nhắc nhở con em mình thực hiện. Đó là điều cần thiết. Còn các điều khoản chế tài thực ra không có nhiều tác dụng, có chăng là đối với học sinh, còn phụ huynh gần như… vô can, trong khi đó, vi phạm Luật Giao thông thì ở phụ huynh lại rất nhiều!
Nếu chịu khó quan sát trên đường, không kể những người không chở theo trẻ nhỏ, nếu ta xác định được người nào đang là phụ huynh học sinh thực sự, thì các vi phạm về an toàn giao thông thực sự không ít và biểu hiện ở một số lỗi như: không đội mũ bảo hiểm (có khi cả người lớn và trẻ nhỏ đều để đầu trần, trong khi khẩu hiệu rất dễ thương được phổ biến lâu nay là “đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”); chạy bên trái đường (khá nhiều người vì cho rằng để tiện chút, để cho kịp giờ… mà sẵn sàng chạy ngược chiều, chạy bên trái, chạy trong làn của chiều ngược lại, rất nguy hiểm cho bản thân, cho con em mình và người khác); không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (hiện tượng người tham gia giao thông vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ, rẽ trái khi đang đèn đỏ… rất thường, trong khi chỉ cần sơ sẩy chút thì có thể va quẹt với người đi chiều còn lại); lấn làn (trừ những đường chỉ có 1 làn đường hoặc trên làn hỗn hợp, còn ở lại rất nhiều nơi, người đi xe máy cứ vô tư chạy vào làn ô tô, vốn có vận tốc cao và khả năng xử lý hạn chế do quán tính lớn của ô tô, rất nguy hiểm cho bản thân và trẻ); chạy trên vỉa hè (không ít phụ huynh chạy băng băng trên lề đường dù có rất nhiều chướng ngại vật và địa hình vốn không phải nơi nào cũng bằng phẳng); chở nhiều hơn số người quy định (có một số phụ huynh vì điều kiện riêng hoặc chỉ chú trọng sự tiện lợi mà chở đến 4 người trong khi theo luật chỉ chở tối đa 2 người lớn và 1 trẻ em dưới 14 tuổi, kể cả người cầm lái, đặc biệt là phụ nữ, khi có sự cố rất dễ gặp những rủi ro)… Đương nhiên, bên cạnh vi phạm các quy định còn có các biểu hiện chưa tích cực về văn hóa giao thông. Chẳng hạn, có khi phụ huynh chở con em nhưng lại chạy nhanh, lạng lách, vượt ẩu, tạt đầu xe khác, bấm còi inh ỏi, lớn tiếng và sẵn sàng “động thủ” khi lỡ có va quẹt, đều là những biểu hiện có thể là gương xấu cho chính con em mình. Điều đáng tiếc là dường như ý thức của một bộ phận phụ huynh về bảo vệ trẻ trên đường và làm gương cho con đối với các ứng xử không thực sự tốt. Nếu cha mẹ đã như vậy, các cam kết kia liệu có tác dụng gì không?
Chúng ta đều biết, để thay đổi nhận thức của một người phải tác động từ nhiều phía, thường là ở 3 môi trường chính: gia đình, nhà trường (hoặc nơi làm việc) và xã hội (trong đó có truyền thông). Đối với học sinh, 3 môi trường đó là gia đình (trong đó có cha mẹ, người thân), nhà trường (trong đó có thầy cô, nhân viên, học sinh khác) và xã hội (những người xung quanh, cộng đồng nơi sinh sống, mạng xã hội, truyền thông…). Ở mỗi người, sự tác động của môi trường có thể khác nhau nhưng với học sinh, sự ảnh hưởng từ gia đình, người thân là rất lớn. Nhận thức, hành vi, thái độ, tư cách, đạo đức, thậm chí cả xu hướng nghề nghiệp của trẻ có rất nhiều yếu tố chịu tác của người thân. Do đó, hình mẫu và sự nêu gương của người thân đối với trẻ là rất quan trọng.
Trong vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, yêu cầu lớn nhất và trên hết là bảo vệ sự an toàn cho bản thân, cho người thân và cho nhiều người khác khi tham gia giao thông. Nếu không đạt được yêu cầu đó thì những yêu cầu khác như tiện lợi, nhanh chóng, kịp thời… cũng chỉ là thứ yếu. Bởi khi vượt đèn vàng chỉ có thể nhanh hơn thêm vài giây nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn và nếu có điều không hay xảy ra thì có thể chậm lại nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời.
Mỗi người bên cạnh nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông, văn hóa giao thông còn phải thực sự quan tâm uốn nắn, dạy dỗ con em mình về vấn đề này, cũng như phải tích cực làm gương cho trẻ. Chính điều đó sẽ góp phần làm tình hình an toàn giao thông sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới, trong thế hệ mới! |
Vì vậy, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để chặng đường từ nhà đến trường và ngược lại thực sự an toàn cho trẻ, mỗi người làm cha mẹ cần có cách bảo vệ an toàn nhất cho con em của mình trên đường. Phụ huynh không thể vì dậy trễ mà phóng xe nhanh, không thể vì cần đến công ty gấp mà vượt đèn đỏ, không thể vì tiết kiệm vài trăm mét mà đi xe ngược chiều, không thể vì tranh hơn đúng mà sẵn sàng sừng sộ với người đi đường khác… Tất cả những điều đó có thể gây ra những rủi ro cho đứa con thân yêu, cho chính bản thân mình và cho những người khác. Nếu lỡ có xảy ra, sự ân hận của chúng ta thực sự trở nên quá muộn màng.
Không chỉ vậy, sự cẩn thận, tuân thủ quy định, điềm đạm trong ứng xử của chúng ta chính là tấm gương tuyệt vời cho con em mình, không chỉ trong tham gia giao thông mà còn ở nhiều điều khác. Thử nghĩ, liệu có phải khi con em chúng ta vội vàng mỗi khi lên xe thì có thể từ tốn trong hành vi, hành động không? Khi chúng hay bất cẩn, bất chấp thì liệu có thể giúp chúng ta yên tâm thực hiện những công việc đòi hỏi sự thận trọng, chắc chắn không? Khi chúng ta không giữ được bình tĩnh thì liệu chúng ta có phải sẽ luôn hồi hộp về sự an toàn của con em?… Rồi mai này con chúng ta có thể được giao trọng trách ở một đơn vị, một cơ quan, một địa phương, nếu những điều đó không được khắc phục thì liệu chúng có làm tròn chức trách của mình không? Bao nhiêu câu hỏi đó có thể được trả lời từ hôm nay, bằng chính hành động của chúng ta.
Nếu mỗi người chịu khó để ý, trong khoảng 30 năm qua, TP.HCM đã có những tiến bộ vượt bậc trên rất nhiều mặt; dẫu vậy, có 2 việc còn đáng tiếc là chưa được cải thiện một cách căn cơ, đó là vấn đề ý thức về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Tức là, bộ mặt giao thông thành phố tuy đã được đổi khác rất lớn về vật chất nhưng hiện trạng về ý thức của người đi đường vẫn là một điểm yếu.
Do đó, mỗi người bên cạnh nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông, văn hóa giao thông còn phải thực sự quan tâm uốn nắn, dạy dỗ con em mình về vấn đề này, cũng như phải tích cực làm gương cho trẻ. Chính điều đó sẽ góp phần làm tình hình an toàn giao thông sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới, trong thế hệ mới! Và, chính bản cam kết ở trên là một lời nhắc nhở cho chính chúng ta!
Trúc Giang
Bình luận (0)