Chiều 9-9, Bộ Y tế đã chính thức xác nhận đến nay cả nước có 5 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Trong đó 3 ca ở TP.HCM, 1 ca ở Khánh Hòa và 1 ca ở Đồng Nai.
Ông Cao Trọng Ngưỡng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết:-ca tử vong đầu tiên do nhiễm cúm A/H1N1 ở tỉnh này là bệnh nhi người dân tộc thiểu số tên T.L. (nam), 9 tuổi, trú tại ấp Đồi Rìu, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhi T.L. theo cha mẹ làm rẫy tại ấp Gia Huynh, Tánh Linh và bị bệnh từ ngày 29-8. Ngày 2-9 gia đình đưa T.L. đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.
Ngày 3-9, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sức khỏe yếu, viêm phổi nặng, bệnh diễn tiến nhanh, tổn thương đa chức năng. Bệnh nhi được bác sĩ điều trị theo phác đồ đối với bệnh nhân cúm A/H1N1. Ngày 5-9, mẫu bệnh phẩm của cháu bé được xác định dương tính với virus cúm A/H1N1.
Bệnh nhân cúm A/H1N1 được chăm sóc tại khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi – Ảnh: Trà Minh
Do bệnh nhi được phát hiện, điều trị quá trễ dẫn đến suy hô hấp nặng, suy tim; lại trong tình trạng suy dinh dưỡng nên dù các bác sĩ đã rất cố gắng điều trị nhưng bệnh nhi đã qua đời vào sáng 6-9.
Theo ông Ngưỡng, đến nay Đồng Nai đã có 125 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 8 trường học có học sinh nhiễm và 4 công ty có công nhân nhiễm.
* Chiều 9-9, Sở Y tế Quảng Ngãi tiếp tục công bố hai trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 là bệnh nhân L.T.T và V.M.H – đều là học sinh lớp 11A4 Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, hiện cư trú tại khối 4 thị trấn La Hà, Tư Nghĩa. Đây là hai trong số 10 trường hợp nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi tại khoa bệnh nhiệt đới (BVĐK tỉnh).
Như vậy tính đến nay Quảng Ngãi đã xác định bốn ca dương tính với cúm A/H1N1. Hiện BVĐK huyện Tư Nghĩa và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang tiến hành xây dựng phòng khám dã chiến tại Trường THPT số 1 Tư Nghĩa nhằm giám sát, theo dõi kịp thời ngăn chặn dịch bùng phát.
Cũng trong chiều 9-9, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa cho biết tại trường THPT số 1 Tư Nghĩa cũng phát hiện thêm sáu trường hợp có các triệu chứng của cúm A/H1N1, trong đó một trường hợp thường trú tại huyện Nghĩa Hành. Các trường hợp này đang được cách ly và theo dõi tại địa phương.
* Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng – phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận – cho biết ngày 9-9, Trường tiểu học châu Á -Thái Bình Dương (Phan Thiết) buộc phải đóng cửa vì có 2 học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1 và ít nhất 6 trường hợp khác đang được cách ly, theo dõi vì có biểu hiện nhiễm bệnh.
Hiện 2 học sinh dương tính với cúm A/H1N1 đã được gia đình đưa vào TP.HCM điều trị. Bà Hồng cũng cho biết hiện trường này chưa ấn định được thời gian hoạt động trở lại.
* Sau khi xem xét các trường hợp tử vong thời gian qua, Tiểu ban điều trị của Bộ y tế cho biết: Những ca tử vong do cúm A/H1N1 ở Việt Nam đều có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như: tâm thần, suy thận, đái tháo đường, cao huyết áp. Bên cạnh đó, đa phần người bệnh khi mới phát bệnh đều điều trị tại nhà chỉ sau khi bệnh diễn biến nặng mới nhập viện nên hiệu quả điều trị không cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu Tiểu ban giám sát và Tiểu ban điều trị tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá toàn diện 5 trường hợp tử vong để giúp các bác sĩ rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị cúm A (H1N1).
Trước diễn biến phức tạp của dịch, nội dung các Khuyến cáo phòng chống cúm A (H1N1) cần được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với diễn tiến thực tế; phổ biến rộng rãi Khuyến cáo đến mỗi người dân giúp mọi người nâng cao ý thức phòng bệnh. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ mọi người cần đến cơ sở y tế gần nhất để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và không nên tự ý điều trị tại nhà để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Về lo lắng của dư luận về việc thiếu sinh phẩm xét nghiệm trong khi dịch diễn biến ngày càng phức tạp, số người nhiễm mới liên tục tăng cao, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính – Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: Viện vẫn có đầy đủ sinh phẩm xét nghiệm. Nếu trong trường hợp dịch lây lan rộng, thiếu sinh phẩm xét nghiệm, Viện vẫn có cách phát hiện và điều trị hiệu quả cúm A/H1N1.
Được biết sinh phẩm xét nghiệm tại Việt Nam đang sử dụng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Trong tình hình dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới, khả năng thiếu sinh phẩm là có thể xảy ra nhưng theo WHO không quá lo ngại, vì nhiều nước khác đã ở giai đoạn bệnh phát triển mạnh, số ca nhiễm cao nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, dịch tễ để phát hiện và điều trị vẫn đạt hiệu quả.
Hiện thời tiết tại Việt Nam đang chuyển sang mùa đông, là điều kiện thuận lợi để virus phát triển mạnh, các Viện đang tiếp tục nghiên cứu phương pháp test nhanh cho hiệu quả cao hơn, giảm giá thành và giúp người dân xét nghiệm ngay khi nghi ngờ. Giá xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh cúm A/H1N1 cho mỗi ca chỉ bằng 1/6 phương pháp xét nghiệm bằng PCR hiện nay.
*Ngày 9-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 110 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, khu vực phía Nam 91 ca, miền Bắc 16 ca, miền Trung 3 ca. Như vậy, tính đến 18 giờ cùng ngày cả nước đã có 4060 người nhiễm cúm A (H1N1), 5 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 3296 người, các trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định
Ngày 9-9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Á sẵn sàng đối phó với đợt bùng phát của virus cúm A/H1N1 khi khu vực Bắc bán cầu này bước vào mùa đông.
Tới thời điểm này, nhiều khu vực châu Á chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cúm A/H1N1, song WHO khuyến cáo các bệnh viện trong khu vực nên được chuẩn bị "cho một đợt bùng phát số ca (nhiễm bệnh) mà phải cần tới sự điều trị hiệu quả".
WHO cho biết cơ quan này đã hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho ba nhà sản xuất văcxin lớn trong khu vực, song các lô văcxin mới chưa thể có được trước khi mùa đông tới. Thay vào đó, WHO kêu gọi đẩy mạnh việc cung cấp thông tin tới người dân nhằm giảm tốc độ lây lan của bệnh dịch.
|
TTXVN
Bình luận (0)