Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Một cách ăn nhiều người Việt khen ngon nức nở nhưng có thể khiến cơ thể phải gánh “họa”

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ ăn sống, tái là món “khoái khẩu” của nhiều người. Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia, cách ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Theo GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, thói quen ăn uống không kiểm soát sẽ dẫn tới hệ quả cho sức khoẻ. Đặc biệt, việc ăn các đồ ăn tái, sống sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn mắc các bệnh liên quan đến ký sinh trùng.
Nguy cơ bệnh tật từ đồ ăn tái, sống được cảnh báo rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, GS Đề còn gặp những bệnh nhân khi đã nhiễm ký sinh trùng vẫn không tin là do ăn đồ ăn sống, tái trước đó.
Cũng theo GS Đề, một số món ăn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao mà người Việt vẫn hay sử dụng như các loại rau sống. Đây là thói quen rất khó bỏ của người Việt Nam. Rau dù được trồng sạch vẫn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Thậm chí, rửa hoặc ngâm kỹ đến đâu cũng chỉ hạn chế được phần nào, không tiêu diệt được hoàn toàn ký sinh trùng.

Cần phải cẩn thận khi ăn rau sống vì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao.
Theo GS Đề, các loại rau sống trên cạn như rau húng, rau diếp, xà lách… dễ nhiễm các loại giun đũa chó mèo, sán lợn hoặc sán bò, giun lươn. Đối với các loại rau thủy sinh như rau cần, rau muống, rau ngổ thì nguy cơ nhiễm sán lá gan.
Trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, việc ăn uống tập trung đông người, đi du lịch, ăn quán xá nhiều, ngoài món rau sống thì các món ăn sống chế biến từ thịt, cá cũng được chuyên gia khuyến cáo không nên ăn. Ví như, thói quen ăn gỏi cá, cá nhảy, chạo, tiết canh… đều là những đồ ăn sống có nguy cơ nhiễm sán lá gan, sán lá phổi rất cao.
Món ăn khoái khẩu cần cảnh giác
GS Đề cho biết ngoài những món ăn trên thì cũng cần phải lưu ý tới những món ăn 'khoái khẩu như bò/bê tái chanh, tiết canh, mật lợn, thịt chua, nem thính… Những món này đều có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Nếu ăn những món ăn tái sống từ lợn hoặc bò có ấu trùng sán lợn, sán dây bò, chúng sẽ vào cơ thể và 'chu du' khắp nơi, gây hiểm họa cho cơ thể.
"Tôi đã gặp những bệnh nhân bị sán lợn lên não do ăn tiết canh, thịt tái. Hoặc có người bị hàng trăm ấu trùng sán lợn ở các cơ, nhìn trắng xóa khắp cơ thể", GS Đề cảnh báo.
Nhiễm ký sinh trùng không phải là bệnh gây chết người ngay. Tuy nhiên, nếu không phát hiện hoặc chẩn đoán đúng sẽ để lại hậu quả nặng nề.
Để phòng bệnh do ký sinh trùng gây ra, cách tốt nhất là không ăn đồ tái sống, kể cả rau sống. Ngoài ra, nên chọn những thực phẩm an toàn, không bị bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh.
Phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng
Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo, bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể phòng chống hiệu quả.
Để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, nhất là qua đường ăn uống, mọi người cần làm những việc như sau:
– Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải;
– Vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm;
– Vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay;
– Không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông;
– Diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.
Đồng thời, mọi người cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng khi chế biến thực phẩm an toàn, gồm:
– Chọn thực phẩm an toàn;
– Nấu kỹ thức ăn;
– Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín;
– Bảo quản thực phẩm cẩn thận khi đã nấu chín;
– Đun kỹ thực phẩm trước khi ăn;
– Không để lẫn thực phẩm sống và chín;
– Luôn giữ tay sạch khi chế biến thực phẩm;
– Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ;
– Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác;
– Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)