Hiện nay vì bệnh thành tích mà từ nhà trường, gia đình và xã hội đang rộ lên chuyện “nói dối” trong học hành. Chuyện nói dối bắt đầu từ điểm số rồi được thể hiện ở lời nói, hành động trong cuộc sống. Có thể nói sự giả dối lên ngôi sẽ để lại cho thế hệ sau nhiều hệ lụy.
Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được “rèn” cho việc nói dối qua điểm số và thành tích ảo. Một lớp học có 40 học sinh, 35 em đạt kết quả loại giỏi, 5 em đạt kết quả loại khá thì kết quả đó có đáng tin? Nếu 5 em đạt loại giỏi và 35 em đạt kết quả tiên tiến thì có thể tạm chấp nhận. Trong quá trình học, các em đã được rèn viết dối bởi những bài văn mẫu từ sách và cả từ thầy cô giáo. Khi chấm điểm, bài làm văn nào cũng giống nhau, thậm chí có bài giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Bệnh thành tích này chuyển từ lớp học trước qua lớp học sau, bậc học này lên bậc học khác. Các em cứ chúi mũi vào việc học để kiếm những con điểm cao mà không biết làm những việc nhỏ nhặt đời thường. Khi học sinh đạt được kết quả cao, gia đình và nhà trường khen ngợi, dành những phần thưởng xứng đáng. Còn với giáo viên, khi học sinh lớp mình dạy đạt điểm cao cũng dễ dàng nhận được các phần thưởng, lời khen ngợi.
Sức mạnh của con điểm lớn lắm. Lớn đến nỗi chấp nhận làm bài văn ảo để đạt điểm cao. Một giáo viên trường bạn kể rằng, trong các đợt thi định kỳ hay thi học kỳ, đề thi ra vấn đề A. thì bạn hướng dẫn vấn đề B. Làm vậy để học sinh có kỹ năng làm bài, biết vận dụng một cách linh hoạt chứ không viết bài văn mẫu cho các em. Giáo viên này cho biết rằng, khi làm bài văn mẫu thì lớp có nhiều điểm cao, nhưng cái điểm ấy thật đáng buồn vì “chữ thầy đem trả cho thầy”. Chúng ta thử nghĩ thế nào khi học sinh làm văn rất hay trong khi viết một lá đơn lại không biết viết.
Bao giờ bệnh thành tích chấm dứt? Một câu hỏi lớn rất cần những người lớn phải trả lời (từ gia đình, nhà trường và xã hội). Bộ GD-ĐT đã có chủ trương không đánh giá bằng điểm số đối với học sinh tiểu học mà chỉ có những nhận xét cụ thể. Đây cũng là một cách để hạn chế những điểm số cao trong các kỳ thi, hưởng ứng phong trào “nói không với bệnh thành tích” mà chúng ta đang cố gắng thực hiện. Không biết đến bao giờ và làm cách nào để bậc THCS và THPT chống được căn bệnh thành tích như bậc tiểu học đang hướng tới.
Hoàng Thái Hùng
(Trường THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)