Hành động đánh đập con thể hiện sự bất lực, thiếu kiến thức nuôi dạy trẻ của các bậc cha mẹ. Ảnh: I.T
|
Quát mắng, đánh đập con giữa chốn đông người là kiểu hành xử của không ít phụ huynh (PH) hiện nay. Họ có thể nguôi giận vì nghĩ mình đã áp dụng biện pháp giáo dục cần thiết đối với con, song ngược lại những đứa trẻ bị đối xử kiểu này có thể cảm thấy xấu hổ, mặc cảm; thậm chí hình thành những tính cách không hay…
“Hạ hỏa” xuống đầu con
Giờ tan trường, đông đảo học sinh (HS) Trường TH X. (Q.4) đều háo hức đợi ba mẹ đến đón về, PH cũng tranh thủ đón con một cách nhanh nhất. Bỗng nhiều ánh mắt hiếu kỳ của HS và PH đổ dồn về phía góc sân trường, gần căng tin. Ở đó, một HS nữ thay vì lên xe để mẹ chở về, em phải đứng lại lắng nghe mẹ giáo huấn. Chẳng biết cô bé có tội lỗi gì mà người mẹ một tay cầm chổi, tay kia chỉ thẳng mặt con, thỉnh thoảng lại gí sát cán chổi vào mặt con, kèm theo đó là những lời lẽ nghe thật khó lọt tai: “Lì hả, sao tao nói hoài mà mày không nghe. Bộ thích ăn đòn hả! Đừng giỡn mặt tao nghe, tao khùng lên là mày chết với tao…”. Còn cô bé tay bưng mặt khóc, dạ dạ, vâng vâng, thỉnh thoảng liếc những người xung quanh đang nhìn mình.
Cách cư xử của PH với con cái như thế này, theo thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4), không phải là chuyện lạ. Thầy cho biết: “Ngay trường tôi, cũng trong giờ tan trường, PH B. vừa thấy con liền nắm tóc, lôi đầu con, trách mắng. Cậu học trò mặt mày tái xanh không nói nên lời, xung quanh bạn bè dồn lại xem. Nếu tôi không khuyên ngăn kịp chắc em ấy bị PH đánh ngay cổng trường. Thực ra PH B. vừa nghe giáo viên thông báo về việc học tập của con không được tốt liền nổi giận ngay”.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Trường TH C. (Q.Bình Thạnh), HS nọ bị ba bắt quỳ gối ngay sân trường khi nghe tin con mắc lỗi. Vị hiệu trưởng trường này cho biết: “Tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe PH đó quát: “Quỳ xuống”, lập tức em HS này liền quỳ gối ngay không nói một lời. Không biết ở nhà PH đó giáo dục con như thế nào nhưng cậu bé rất nghe lời. Thế nhưng hành động bắt con phải quỳ, đặc biệt là ở nơi đông người thì không nên. Con trẻ không nói hết được cảm xúc nhưng cũng biết tủi thân, xấu hổ với bạn bè lắm chứ”.
Khi thấy con trẻ phạm lỗi, thay vì về nhà hỏi han, nhắc nhở hay giải thích cho con hiểu để thấy lỗi và sửa sai thì không ít PH quá nóng giận, thiếu bình tĩnh mà trút giận lên đầu con bằng việc chửi mắng, thóa mạ, thậm chí là đánh đập. Chưa kể nhiều PH còn chửi mắng con bằng nhiều lời lẽ thô tục, thiếu tế nhị. “Đây là cách làm phi giáo dục mà nhiều PH không nhận ra”, thầy Đặng Văn An cho biết.
Không nên giáo dục trẻ lúc nóng giận
Có nhiều ông bố bà mẹ muốn con ngoan, con giỏi nhưng “lười”, không nghĩ cách giáo dục con mà thường cấm đoán, ra lệnh, hăm dọa, thậm chí đánh đập. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Đây là kiểu ứng xử “ngón trỏ”. Tức bố mẹ khắt khe, trấn áp đứa trẻ, thậm chí có hành vi bạo lực đối với con cái”. Theo ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, kiểu ứng xử này của PH sẽ có thể khiến trẻ chịu hậu quả. Cái tôi của bố mẹ đã “đè bẹp” cái tôi của con cái. Đứa trẻ sẽ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin với bạn bè và người lớn. Các em không dám giao tiếp, thường hay thu mình và thiếu các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng ra quyết định. Đặc biệt, sự sợ hãi “ê mặt” trước bạn bè, những trận đòn roi hay những lời thóa mạ của bố mẹ về kết quả học tập không như ý sẽ ám ảnh tâm trí đứa trẻ, làm chúng cảm thấy việc học là một gánh nặng, là cực hình. Sự sợ hãi ấy sẽ triệt tiêu niềm vui học tập, triệt tiêu sự sáng tạo và càng làm thui chột ý chí tự thân của các em.
Mặt khác, một số trẻ bị bố mẹ trấn áp sẽ có hướng phản ứng thứ hai: Xung đột, thù ghét bố mẹ. Khi bị tấn công, đứa trẻ sẽ hình thành tâm lý ức chế, từ đó rất dễ bùng nổ. Sự bùng nổ ấy không chỉ phản ứng mạnh trước hai đấng sinh thành đầy quyền lực mà thái độ thù ghét cũng sẽ được “áp dụng” đối với các đối tượng khác, chẳng hạn như đánh đập em nhỏ trong nhà, bạo lực học đường với bạn bè, hành hạ súc vật… Tất cả những hành vi đó đều từ sự phẫn uất bên trong bùng nổ mà thành. Đó là chưa kể đến trường hợp các em có thể tự tử vì bất mãn với cách cư xử của cha mẹ, tự tử để cha mẹ phải hối hận.
Một người sẽ cảm thấy xấu hổ khi bị phê bình trước đông người, huống hồ một đứa trẻ tâm hồn còn non nớt, rất sĩ diện với mọi người. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên: “PH không nên “làm nhục” con trẻ trước mặt người khác, cũng không nên lạm dụng đòn roi, và tuyệt đối không xúc phạm đứa trẻ. Nên phê phán hành vi xấu chứ không phê phán cả con người trẻ. Thay vì chỉ ngăn cấm hay hăm dọa thì hãy hướng dẫn hành vi tốt, giải thích rõ ràng các vấn đề cho trẻ hiểu; không nên giáo dục trẻ trong lúc nóng giận. Hãy kiềm chế cảm xúc để dạy con khi tâm trạng đã bình ổn. Nếu không, cha mẹ trút được cơn giận tức thời nhưng lại cướp đi sự tự tin của trẻ. Đừng bắt con cái phải trả giá vì sự nóng giận của mình”.
Ngọc Trinh
“Sau những trận đòi roi, những lời thóa mạ của người lớn, trẻ sẽ phòng vệ và ngày càng xa cách với người lớn. Lúc đó người lớn càng ngày càng khó tác động giáo dục đến trẻ, rồi người lớn lại tiếp tục siết chặt kỷ luật, nhưng càng siết chặt thì tâm hồn trẻ càng xa cách”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết. |
Bình luận (0)