Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một cách học văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh giáo dục nói chung đứng trước nhiều câu hỏi của công luận, nỗ lực của khoa văn hóa học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một chừng mực nào đó đã làm cả người học và người dạy không phải vướng bận với mặc cảm…
GS.TS Trần Văn Đoàn, hiện là GS triết học ĐH Đài Loan (Department of Philosophy, National Taiwan University), được khoa văn hóa học mời thỉnh giảng chuyên đề “Thông diễn học và khoa học xã hội – nhân văn” và “Đa dạng văn hóa”. Sau 30 tiết dạy cho mỗi chuyên đề, ông không phải chờ các học viên cao học làm tiểu luận mang đến nộp. Khoa cũng không hề phải “đóng gói” tiểu luận của các môn học này gửi sang Đài Loan cho ông chấm. Các học viên được cho một “cái hẹn” và việc nhận tiểu luận cứ thế tính theo ngày giờ gửi email.
Từ sự thay đổi về hình thức…
Không chỉ với GS Đoàn mà từ hai năm nay, hầu như các giảng viên giảng dạy tại khoa văn hóa học đã tiến hành “điện tử hóa các bài giảng và bài tập của học trò”. Cải tiến này đã làm học viên cực kỳ thú vị bởi học viên có thể đi công tác nước ngoài mà vẫn hoàn thành bài tập đúng hạn. Không những tiết kiệm được đáng kể kinh phí in ấn, đóng tập tiểu luận, với hình thức nộp bài qua email, khoa văn hóa học đã buộc tất cả học viên phải nhuần nhuyễn tin học căn bản và kỹ năng sử dụng Internet. Đây là yêu cầu tối thiểu với những người tập làm khoa học. Và với dữ liệu văn bản trong tập tin, các giảng viên cũng dễ dàng phát hiện “công nghệ” copy – paste nếu nó được sử dụng trong bài tập của học viên – sinh viên.
TS Huỳnh Văn Tới (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai – giảng viên thỉnh giảng chuyên đề “Quản lý văn hóa”) còn “sung” hơn khi tổ chức những buổi thảo luận “thêm” với học trò qua phần mềm trò chuyện Skype với rất nhiều “đầu cầu”. Sau khi thảo luận, học viên cũng tổng hợp ý kiến và gửi file văn bản qua Skype cho ông. Toàn bộ buổi học thực hiện trên Internet. Học viên cực kỳ thuận lợi vì dù ở Nha Trang hay Quảng Nam, TP.HCM hay Cần Thơ thì cơ hội học là như nhau.
Nhiều học viên thạc sĩ ngành ngôn ngữ vẫn thầm “ghen tị” khi thấy học viên cao học ngành văn hóa học tranh luận sôi nổi trên diễn đàn dành cho những người yêu văn hóa. Thỉnh thoảng họ cũng “chen chân” vào sân chơi này. Thế giới hấp dẫn mang tên vanhoahoc.edu.vn đã thật sự làm nhiều người thích thú và thu hút khá đông dân “ngoại đạo”.
Đến việc hình thành văn hóa tranh luận
“Việc bộ môn văn hóa học của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM được “nâng cấp” thành khoa văn hóa học (lễ công bố được tổ chức trang trọng sáng 20-12-2008) đánh dấu một bước ngoặt trong việc nghiên cứu và đào tạo các nhà nghiên cứu văn hóa ở khu vực phía Nam. Đây cũng là động thái cho thấy rõ sự thay đổi trong nhìn nhận, đánh giá vai trò của văn hóa trong tiến trình hiện đại hóa, trong quá trình hội nhập toàn diện với thế giới”.
GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM (chủ nhiệm khoa văn hóa học và trang web vanhoahoc.edu.vn)
Đúng một năm trước đây, website vanhoahoc.edu.vn chính thức ra mắt trong lễ hội văn hóa học được tổ chức định kỳ hằng năm. Trước đó, website này đã chạy “rôđa” khá lâu và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, những người có “nghĩa vụ và quyền lợi” tham gia, còn rất nhiều người yêu văn hóa cũng tham gia thảo luận trên diễn đàn một cách hào hứng.
Tính đến thời điểm ra mắt, vanhoahoc.edu.vn không phải là diễn đàn duy nhất bàn về các vấn đề văn hóa. Nhưng vanhoahoc.edu.vn hấp dẫn vì được điều hành bởi một ban quản trị rất “pro” (chuyên nghiệp). Với trung tâm là những học giả, giảng viên uy tín và đội ngũ hàng trăm học viên cao học, nghiên cứu sinh, trang web này nhanh chóng tạo dựng được uy tín bởi một môi trường trong lành. Ở đó, các vấn đề văn hóa (từ hàn lâm đến thường thức) được bàn luận, tranh cãi một cách văn hóa.
Kể từ khi có web, điểm tổng kết các môn học của sinh viên, học viên thường có bốn cột điểm chứ không phải chỉ có ba như trước đây. Đó là điểm thảo luận trên lớp, thi, tiểu luận và một cột điểm cho hoạt động của học viên trên “diễn đàn”, trong khuôn khổ nội dung môn học đó.
Diễn đàn tạo một không gian rộng hơn để tất cả học viên, sinh viên của khoa trình bày ý tưởng, quan điểm, kiến thức của mình. Hình thức thảo luận này khắc phục được sự hạn hẹp về thời gian của các buổi thảo luận trên lớp. Sẽ không có thành viên nào không được, không dám hay trốn thoát được việc “thể hiện mình”.
Những va đập trong tranh luận là có. Những hiểu lầm ban đầu cũng không tránh khỏi. Không thiếu những tham luận chưa sâu, chưa có nét riêng. Nhưng với diễn đàn, một cách làm việc mới, một nét văn hóa mới đã được hình thành, đó là “văn hóa trao đổi – tranh luận”. Nó giúp các thành viên lớn lên rất nhanh và giúp quá trình đào tạo dần thực chất hơn.
CÙ THỊ THANH HUYỀN (TTO)

Bình luận (0)