Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một cách làm hay!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhà trường hiện nay, dù học sinh đã được mở rộng quyền dân chủ nhưng nhiều quy định về các mặt như đồng phục, đóng góp… vẫn còn tính chất áp đặt một chiều từ trên xuống; chưa có tiếng nói cũng như sự tham gia phản biện của học sinh.

Chương trình “Đối thoại học đường” của Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM (Giáo dục TP.HCM, ngày 24-2) đã mở ra một kênh thông tin trong nhà trường khi học sinh cùng tham gia đối thoại, nêu những thắc mắc, ý kiến của mình với thầy cô giáo. Việc đối thoại có định hướng, có giải thích thấu đáo cả về lý về tình sẽ làm cho học sinh hiểu thầy cô và ngược lại, thầy cô cũng hiểu về học sinh nhiều hơn. Từ đó, môi trường học đường sẽ có nhiều sự cải thiện, thân thiện với nhau. Mặt khác, học sinh sẽ phát biểu có trách nhiệm, có xây dựng; tránh phát biểu vô tổ chức. Nếu không có lối mở này thì những bức xúc của học sinh sẽ “trào” theo hướng khác; lên mạng xã hội chẳng hạn. Lúc đó, dù các em nếu có sai đã xin lỗi, đã gỡ bỏ bài nhưng sức lan tỏa của mạng rất nhanh, khó lòng dập tắt được. Vì vậy, “Đối thoại học đường” là một cách làm sáng tạo và đáp ứng được nhịp sống của học sinh thời nay.

Chương trình đối thoại này nên được nhân rộng ở các trường để học sinh có nơi thổ lộ, bày tỏ tâm tư, bức xúc của mình. Một khi bày tỏ xong ý kiến, được giải đáp thỏa đáng thì các em sẽ vui hơn, tích cực hơn trong học tập, rèn luyện. Theo tôi, chương trình nên tổ chức hàng tháng – có thể giờ sinh hoạt đầu tuần của tháng sẽ cho học sinh đối thoại với nhà trường. Có như vậy mới nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của học sinh.

Đây là một cách làm hay, và nếu được nhân rộng thì “Đối thoại học đường” sẽ phát huy hiệu quả trong việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà nhà trường đang hướng tới hiện nay.

Lê Lam Hồng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)

Tòa soạnThư đi – tin lại

Một cách làm hay

Tạp Chí Giáo Dục

Trong năm 2011 này, lượng điện ở nguồn cung vẫn không thể đủ cho nhu cầu, và việc dự báo cắt điện luân phiên đang làm đau đầu tất cả mọi người, mọi gia đình và mọi cơ sở sản xuất hay hành chính. Giá điện mới đã tăng hơn mức giá cũ, sự tăng tiền điện ấy cũng kèm theo một khuyến cáo cho tất cả những người dùng điện là cần có ý thức tiết kiệm điện cho túi tiền của chính mình, cho lợi ích cả cộng đồng. Trong thời điểm “nóng” này, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đang phối hợp với Hội Phụ nữ TP và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng mở đợt thi đua tiết kiệm điện có thưởng. Theo tôi, đây là một cách làm rất hay. Bởi, nếu hộ dân nào trong thành phố qua theo dõi 3 tháng 4, 5, 6 năm 2011 mà tiết kiệm được hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, thì sẽ được tặng giấy chứng nhận gia đình tiết kiệm điện và được thưởng 200.000đ. Với những trường hợp tiết kiệm điện tiêu biểu nhất, mức thưởng sẽ lên 500.000đ. EVN HCMC cũng cho rằng nếu vận động được những hộ dân dùng điện thắp sáng tiết kiệm hơn 10% điện dùng hằng tháng thì TP.HCM không phải cắt điện luân phiên do thiếu nguồn. Việc tiết kiệm điện trông có vẻ bình thường trong mỗi gia đình lại có thể mang lại một lợi ích lớn đến như thế cho cả cộng đồng, đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Nguyễn Văn Hùng (quận Bình Thạnh – TP.HCM)