Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Một cách nhìn về “đào tạo lại”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng năm có rất đông thí sinh thi vào ĐH, nhưng rất ít SV tốt nghiệp ra trường làm đúng ngành đã học. Ảnh: T.L

Dư luận xã hội thường “khó chịu” khi phần lớn các doanh nghiệp phản hồi là phải làm thay nhiệm vụ của ngành GD-ĐT với hình thức “đào tạo lại” đối với sinh viên (SV) mới ra trường. Vô hình trung, việc đào tạo của các cơ sở giáo dục ở Việt Nam là không đạt yêu cầu(?!)
Theo tôi, cần nên phân tích và đánh giá cho đúng quan niệm này bởi lẽ đã tốn rất nhiều giấy mực cho những bài ca muôn thuở vì SV tốt nghiệp ra trường chỉ một phần rất nhỏ làm đúng ngành, đúng việc và được việc. Tuy nhiên số nhiều trong đó cũng đã phải “đào tạo lại”.
Như thế thì nền giáo dục của Việt Nam nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đang lãng phí một lượng tiền của rất lớn từ nguồn đầu tư của Nhà nước, thuế của dân và mồ hôi, công sức của toàn xã hội khi dành ngân sách không hề nhỏ cho ít nhất 1/4 đời người theo nghiệp đèn sách. Trong khi về cơ bản thu nhập của đa số người thầy lại rất khiêm tốn.
Có được những “sản phẩm” và “hệ lụy” như vậy ta cần xem lại vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đến đâu? Họ có sứ mệnh như thế nào? Con đường họ sẽ đi ra sao? Họ có phải tự bước trên đôi chân của mình, tự mình phải chịu trách nhiệm cho tốc độ, chiều hướng đó hay có sự o bế, bao bọc, làm thay và phải loay hoay trong một mớ những chỉ dẫn, trách phạt? Nói như vậy không có nghĩa là họ sẽ tốt nếu như được “cởi trói”. Và quan điểm cơ chế thị trường cũng không có nghĩa sẽ được hiểu rạch ròi, sòng phẳng trong môi trường giáo dục, nhưng cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, chuẩn mực để vạch đường chỉ lối, định hướng đúng cho những mục tiêu nhưng phải chịu trách nhiệm cho cái quyền tự do đó.
Quyền tự do, tự chịu trách nhiệm đó không chỉ là tự chịu trách nhiệm về tài chính mà nói như GS.TS Nguyễn Thế Hùng, cần tự chủ trong cả quản lý quá trình đào tạo, tổ chức hoạt động và nghiên cứu khoa học.
Các cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào diễn biến ngành nghề trong xã hội, nghiên cứu xu hướng, nhu cầu việc làm, nhu cầu giải quyết các vấn đề trong xã hội mà định ra chỉ tiêu tuyển sinh, mở rộng hay thu hẹp ngành nghề tùy thuộc vào khả năng của mình. Tự tạo cho mình một thương hiệu. Khi đã có thương hiệu và sống trong môi trường cạnh tranh thì họ phải giữ gìn hình ảnh của mình bởi đó là sứ mệnh, là sự sống còn.
Vai trò của lãnh đạo ngành GD-ĐT là tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Họ như những người cha mẫu mực biết nhìn xa, trông rộng và khi có quyền lợi thì tạo điều kiện cho con mình “gầy dựng” sự nghiệp trên khả năng của nó. Không bao biện, làm thay mà chỉ định hướng, biết thẩm định khả năng để chỉnh đốn, tạo điều kiện để cho các con của mình được phát huy tối đa khả năng của mình. Dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hoạt động khi có được sự tư vấn, định hướng đúng đắn, có được tôn chỉ nghiêm minh, bình đẳng, khách quan…
Như vậy thì, đào tạo ĐH sẽ không còn là ông quan quan liêu xa rời quần chúng. Khi đáp ứng được nhu cầu xã hội tức là đầu ra tương thích với hiện thực của xã hội thì vấn đề “đào tạo lại” không còn làm cho dư luận phải tốn thời gian soi xét nữa. Vấn đề đào tạo của các nhà tuyển dụng chỉ là việc công bố cái “tập tục” của mỗi cơ sở, tổ chức bởi lẽ mỗi một tổ chức đều có cách quản lý, điều hành quá trình hoạt động khác nhau; việc nhận thức được quan điểm “nhập gia tùy tục” này còn tùy thuộc vào “kỹ năng mềm” của mỗi cá nhân chứ không hẳn có “bàn tay vàng” là đã tạo nên tất cả.
Tuy nhiên ở các bậc phổ thông cũng cần có sự định hướng theo sự phân công và nhu cầu của xã hội, để càng lên cao thì thực sự là tinh hoa. Thầy cho ra thầy, thợ cho ra thợ. Thầy phải làm chủ được quá trình trồng người và công nghệ; thợ phải làm chủ được công cụ, phương tiện sản xuất. Và quan trọng hơn là mỗi một sản phẩm của sự nghiệp trăm năm đều có thể làm chủ bản thân, có tinh thần cầu tiến, chuẩn mực, ở mỗi cấp độ trong quá trình trưởng thành của bản thân đều phù hợp với sự phát triển bền vững của xã hội.
Nguyễn Bá Khoa
(ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)