Thúy Kiều giảng giải thiệt hơn và giãi bày lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, có lí, có tình. Đó là lời nói phải, Nguyễn Du đổi vị trí hai từ ấy thành: Phải lời (Phải lời ông cũng êm tai/ Nhìn nhau giọt ngắn, giọt dài ngổn ngang).
Ngán ngẩm cho cảnh đời ngang trái, Nguyễn Du viết liền tám câu thơ: Mé ngoài họ Mã vừa sang/ Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao/ Trăng già độc địa làm sao/ Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên/ Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì/ Họ Chung ra sức giúp vì / Lễ tâm đã đặt tụng kỳ cũng xong.
Có hai dòng thơ nằm giữa hai cảnh đời: Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì. Nghĩa hai câu này rõ ràng minh bạch. Nhưng vậy đồng tiền làm cho sự đời đổi trắng thay đen, đó là sự gì?
Chuyện thứ nhất: họ Mã đã sang và làm việc cưới xin nhanh lẹ, gấp gáp: Tờ hoa đã ký (tờ giấy hoa tiên để viết hôn thư. Ngày xưa lấy vợ có đưa tờ hôn thư cho nhà gái), cân vàng mới trao (tiền mua Kiều cũng giao xong). Câu thơ tám chữ, hai động tác, nhanh lẹ, dồn dập. Trước cảnh cưới xin chóng vánh ấy, cụ Nguyễn đã cùng Thúy Kiều mỉa mai trách ông trời độc địa. Chuyện cưới xin là hệ trọng, sao trăng già (nguyệt lão) lại chẳng đắn đo, cân nhắc, cứ tự nhiên mà buộc, mà trói vào cuộc đời cô gái hiền lương!
Có phải ý hai câu thơ trong tay đã sẵn đồng tiền tức nói Mã đã sẵn tiền, tức Mã sẽ đổi trắng thay đen, một ý tứ có tính dự báo cuộc đời Kiều sẽ không phải làm vợ lẽ mà là gái lầu xanh?
Nhưng đọc hai câu thơ cuối của đoạn thơ, một chuyện đời đáng buồn khác lại bày ra trước mắt người đọc. Ông lại già họ Chung hết lòng giúp đỡ cho gia đình Vương ông qua khỏi tai nạn bọn sai nha. Vậy ông Chung đã giúp gì? Một là lễ tâm đã đặt, tức là cái lễ đến với nhà quan với một tấm lòng thành, lòng biết ơn dâng hiến. Tản Đà bàn về hai chữ lễ tâm này: “dâng sự lên quan dâng lễ vật mà thường nói thành tâm hay vi thành. Những chữ đó coi như tầm thường mà là chỗ đáo để (L.X.L nhấn mạnh) của tác giả”. Tại sao nhà thơ Tản Đà cho rằng dùng hai chữ lễ tâm là sự đáo để của Nguyễn Du? Bởi thực chất, quan ăn đút lót mà Vương ông lại lòng thành cám ơn, dâng hiến! Thật là mỉa mai, thật đáo để cho cái tài dùng chữ của đại thi hào Nguyễn Du. Và, câu thơ 8 chữ này cũng giống câu 8 chữ nói chuyện Mã giám sinh ở trên: hai sự việc xảy ra nhanh chóng, gọn gàng. Lễ tâm vừa đặt, ngay tức khắc tụng kỳ cũng xong. Tụng kỳ là cái kỳ xét việc kiện cáo, cái việc lí ra phải đưa đến trước cửa công phán xử, ấy vậy mà chỉ cần có lễ dâng lên là chuyện kiện tụng được bỏ qua ngay tức khắc. Sao thi sĩ Tản Đà không nói thêm hai chữ cũng xong: thật là đáo để? Đồng tiền, lễ vật vừa dâng đến lập tức thế sự đổi thay ngay. Vậy có phải chuyện đổi trắng thay đen ứng vào ý này? Nguyễn Du thật tài tình, viết hai dòng thơ mà ta nghĩ đến cái kết của chuyện họ Mã vừa sang hay mở đầu cho sự đổi thay nhanh chóng ở cửa quan, đều được, đều đúng, đều mỉa mai chán ngán cho cuộc đời!
Trong KVKT, Thanh Tâm tài nhân chi li việc sử dụng 300 lạng: “Một trăm lễ quan tuần bộ, một trăm để mua chuộc lấy tên cướp để chúng đừng làm liên lụy đến nhà cô, còn một trăm thì cho anh em chúng tôi làm tiền thù lao”.
Nguyễn Du bỏ qua cái sự chi li buồn lòng ấy, nhà thơ chỉ viết lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong. Sẽ không có lời bàn nào hay hơn hai chữ đáo để của Tản Đà tiên sinh!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)