Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Một chương trình làm thay đổi hàng vạn cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây 10 năm, chương trình tín dụng sinh viên (SV) ra đời đã góp phần làm thay đổi hàng vạn cuộc đời của SV nghèo.

Mới đây, nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS-SV, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, chương trình đã hỗ trợ hàng triệu SV trong cả nước đến trường, lập nghiệp. Đến nay, tổng doanh số cho vay của chương trình đạt trên 56.000 tỉ đồng, tổng dư nợ khoảng 21.000 tỉ đồng với trên 3,3 triệu lượt SV được vay vốn học tập và lập nghiệp.

Nhớ lại từ cuối những năm 1980, hệ thống giáo dục (GD) đứng trước vô vàn khó khăn do thiếu ngân sách đầu tư. Để giải quyết vấn đề nan giải này, lần đầu tiên học phí được đề xuất thu ở các trường công lập. Học phí ban đầu chỉ thu tượng trưng, sau tăng dần qua từng năm, nhất là ở các trường ĐH, CĐ, THCN, trở thành gánh nặng của nhiều HS-SV.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, chính thức tham gia vào thị trường chung thế giới. GD ĐH với quan niệm là dịch vụ đặc biệt, không thể né tránh cạnh tranh với các nền GD khác. Từ đây đặt ra vấn đề cần phải gấp rút nâng cao chất lượng đào tạo GD ĐH trong nước. Một trong các giải pháp phải thực hiện ngay là tăng học phí.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình tăng học phí. Họ cho rằng cần phải nhìn vấn đề dưới góc độ xã hội. SV hiện nay đa số là con em nông dân và công chức. Thu nhập của người nông dân còn thấp, chế độ tiền lương của công chức vẫn chưa được cải thiện. Do đó tăng học phí sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội khác.

Trước sự tranh cãi bất phân thắng bại này, có nhiều ý kiến đề xuất các chương trình hỗ trợ cho SV nghèo như miễn, giảm học phí, trao học bổng… Đáng chú ý là ý kiến của GS. Phạm Phụ đưa ra đề xuất cho SV vay tiền đi học. Theo GS. Phạm Phụ, tăng học phí sẽ dẫn đến việc SV nghèo bỏ học, mất công bằng xã hội trong GD sẽ trở thành gay cấn hơn. Bởi vậy ông đề xuất chương trình cho SV vay vốn học tập. Theo ông, chương trình cho SV vay vốn không chỉ tạo cơ hội tiếp cận GD ĐH cho nguời nghèo mà còn nhằm giảm bớt áp lực lên ngân sách Nhà nước.

Lập tức chương trình này được Ngân hàng Công thương bắt tay thực hiện vào cuối thập niên 1990. Tính đến tháng 6-2001 đã có khoảng 29.000 SV của 108 trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề trong cả nước được vay vốn từ quỹ tín dụng đào tạo với doanh số cho vay lũy kế đạt 49 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chưa có chủ trương thống nhất nên ngân hàng đối mặt với khó khăn là vốn cho SV vay.

Đến năm 2007, tin vui đã đến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức ký ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với HS-SV. Có thể nói đây là một bước đi lịch sử, góp phần đảm bảo cơ hội học tập của người dân mà vẫn giúp phát triển GD ĐH.

Bước vào năm 2017, sau 10 năm thực hiện, chương trình cho thấy tính hiệu quả và nhân văn của nó. Hy vọng rằng, từ dấu mốc này, chương trình sẽ tiếp tục được đầu tư, phát triển để phục vụ ngày càng tốt hơn, nhiều hơn cho thế hệ trẻ.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)