Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã đưa Tài liệu dạy học vật lý do Sở GD-ĐT TP.HCM vào giảng dạy |
Những năm gần đây nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM đã đưa cuốn Tài liệu dạy học vật lý vào giảng dạy và được HS yêu thích. Báo Giáo dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP) để ông chia sẻ thêm về quá trình thực hiện tài liệu này cũng như một số ý kiến của ông về đề án đổi mới chương trình và SGK của Bộ GD-ĐT.
PV: Thưa ông, Tài liệu dạy học vật lý bậc THCS do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn đã được nhiều trường THCS tại TP.HCM đưa vào giảng dạy từ 4 năm nay. Đây là thời kỳ ông đang giữ cương vị Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Vậy ông có thể cho biết lý do tại sao Sở GD-ĐT lại quyết định thực hiện bộ tài liệu này?
TS. Huỳnh Công Minh: SGK hiện hành đang được triển khai có tính pháp lệnh. Nhưng sau nhiều năm dạy học, một số giáo viên uy tín và kinh nghiệm thấy cần có cách biên soạn mới để HS dễ học, tiếp cận tốt hơn về nội dung kiến thức và kỹ năng của môn học theo yêu cầu từ SGK. Từ ý tưởng ấy mà Sở GD-ĐT đã tổ chức biên soạn tài liệu dạy học ở một số môn có nhu cầu.
Sở GD-ĐT đã lựa chọn đội ngũ biên soạn là ai?
Đối với Sở GD-ĐT TP.HCM thì việc biên soạn tài liệu dạy học này tương đối dễ dàng vì lực lượng vốn có từ Hội đồng chuyên môn của ngành. Phòng chuyên môn giúp Giám đốc sở quản lý hành chính nhà trường, Hội đồng chuyên môn của ngành giúp Giám đốc sở quản lý về mặt khoa học. Thành viên Hội đồng chuyên môn ngành là những nhà giáo tâm huyết có uy tín và có năng lực chuyên môn được giáo viên bộ môn bầu ra trong lần họp chuyên môn đầu năm.
Tùy theo quy mô từng môn và từng cấp học, thành viên Hội đồng chuyên môn được cấu tạo từ 5 đến 10 nhân sự. Số lượng thành viên Hội đồng chuyên môn của ngành TP có năm lên đến 200 thầy cô giáo. Hội đồng chuyên môn ngành do Giám đốc Sở GD-ĐT làm Chủ tịch hội đồng.
Để phát hành bộ tài liệu, Sở GD-ĐT TP đã mất mấy năm để chuẩn bị và thực hiện. Trong quá trình biên soạn, xuất bản, đưa vào sử dụng ở các trường có gặp khó khăn gì không thưa ông? Sở GD-ĐT đã thực hiện những giải pháp nào để vượt qua khó khăn đó?
Nếu tính thời gian bắt tay thực hiện là 2 năm, nhưng nếu kể đến thời gian tích lũy và sự trăn trở của các nhà giáo tác giả qua quá trình giảng dạy thì từ khi bắt đầu sử dụng SGK hiện hành, gần 10 năm trước đó.
Đổi mới thì bao giờ cũng gặp khó khăn. Khó khăn khi mở đầu là chuyện tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan mà, nhưng khó khăn nhất là hệ thống pháp lý chưa sẵn sàng cho công việc mình làm. Vì vậy, tài liệu chỉ được phát hành bên cạnh SGK.
Thời gian làm việc của các tác giả cũng là một khó khăn vì anh chị em đều là những cán bộ, giáo viên nòng cốt ở cơ sở. Công tác soạn sách lúc bấy giờ chỉ là kiêm nhiệm.
Khi sử dụng ở các trường, một số giáo viên nhận định bộ tài liệu hay, thiết thực nhưng giá thành khá cao (hơn 50 ngàn đồng). Vậy ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Các bạn biết đó, giá sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu được phát hành rộng rãi, giá thành sẽ thấp hơn so với sự phát hành giới hạn hiện nay.
Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ có một chương trình giáo dục phổ thông nhưng nhiều bộ SGK để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng, phù hợp với vùng miền địa phương. Trong đó, bộ vẫn biên soạn một bộ SGK và các tổ chức khác có quyền biên soạn những bộ SGK riêng. Vậy với đặc thù của TP.HCM, theo ông nếu biên soạn một bộ SGK riêng thì sẽ biên soạn như thế nào?
Tôi rất vui mừng khi có chủ trương một chương trình với nhiều bộ SGK, vì như vậy HS chúng ta sẽ có cơ hội để chọn SGK tốt cho mình, giáo viên có nhiều tư liệu để nghiên cứu dạy học và đặc biệt tính pháp lệnh của chương trình, chuẩn kiến thức và kỹ năng sẽ được thể hiện, SGK không phải là pháp lệnh như thời gian vừa qua.
Về phần mình, với lực lượng và tâm huyết vốn có, anh chị em sẽ có điều kiện làm việc một cách quy củ hơn cho bộ SGK theo Luật Giáo dục mới mà Bộ GD-ĐT cho phép, bộ sách không phải là của cục bộ TP.HCM vì đó không phải là chủ trương đổi mới SGK của Đảng và Nhà nước mình.
Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)