Có một chuyện ăn cắp được nhiều bạn bè của tôi nhớ đến, không phải vì thủ phạm đáng ghét hay vì cuốn sách quá đặc biệt mà chính là cách xử trí của những người trong cuộc.
Học sinh trải nghiệm đọc sách tại Đường sách TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Năm đó, chúng tôi đang học lớp 12 Trường THPT Tân Phú thuộc huyện Định Quán, ngôi trường nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai nhiều năm trước, cái tuổi có nhiều mộng mơ nhưng cũng đã đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống. Một người bạn học của chúng tôi đã có một thử thách có lẽ là rất đáng nhớ, đó là bị bắt quả tang khi ăn cắp một quyển sách trong thư viện trường. Người bạn ấy, tôi tạm gọi là anh X., nhà rất nghèo và rất siêng học. Anh tuy không thật sự nổi bật trong lớp về sức học, cũng không phải thuộc dạng cá biệt để người ta nhớ đến nhưng nhiều người vẫn hay nhắc đến anh bởi sự hòa đồng, gần gũi với mọi người. Hôm đó, anh vào thư viện đọc sách, nhân lúc không ai để ý thì lén giấu một cuốn đại số giải tích vào trong áo rồi lẳng lặng bước ra ngoài. Không may cho anh (mà cũng có thể là rất may cho anh) là cô quản thủ thư viện đã kịp nhìn thấy, thế là anh bị đưa lên gặp thầy Hiệu trưởng. Chuyện sau đó thì chúng tôi chỉ nghe thầy chủ nhiệm kể lại, rằng khi nghe rõ nguồn cơn câu chuyện, chính X. đã chân thành xin lỗi, thầy Hiệu trưởng chỉ dặn thầy chủ nhiệm tìm cách giáo dục X. đồng thời có cách quan tâm, giúp đỡ anh nhiều hơn. Khi sinh hoạt lớp, thầy chủ nhiệm nói: “Trong các loại ăn cắp thì ăn cắp sách là dễ tha thứ nhất, đáng thương nhất, nhưng dù vậy ăn cắp cũng là không tốt!”. Rồi thầy giao anh X. cho Chi đoàn lớp giáo dục; lúc đó, tôi là Bí thư Chi đoàn nhưng đâu có biết giáo dục một đoàn viên vi phạm là phải làm thế nào, nên chỉ động viên anh đừng có buồn, rằng các thầy cô đã không trách phạt, không nêu tên trước trường, không hạ bậc hạnh kiểm thì coi như may mắn rồi…
Thực ra chúng tôi vừa nghèo vừa quá vô tâm. Phần lớn học sinh trong lớp là con nhà nông, đi học toàn nhịn ăn sáng, nếu có chỉ có cơm nguội qua quýt, không có tiền uống nước, nhưng nếu chúng tôi có lòng với bạn hơn – như sau này tôi nghĩ lại – thì có lẽ nên vận động quyên góp để mua tặng anh X. một cuốn sách, dĩ nhiên không phải vì anh ấy là kẻ cắp mà vì anh ấy ham học mà lại không có sách… Nhưng tôi nghe đâu, hình như chính thầy chủ nhiệm lớp bỏ tiền túi hay thầy nào đó đã tặng X. một cuốn sách giải tích đúng như anh muốn có. Anh X. sau này tốt nghiệp một trường đại học lớn và là kỹ sư hóa học… Còn người thầy chủ nhiệm lớp của chúng tôi năm đó sau khi nghỉ hưu thì tham gia công tác khuyến học, đã giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo hiếu học không chỉ của trường Tân Phú mà còn nhiều nơi ở huyện Định Quán. Riêng thầy Hiệu trưởng, khi nghỉ hưu còn tiếp tục làm hiệu trưởng ở vài trường tư thục khác, mà nơi nào cũng được học sinh và giáo viên kính trọng, không chỉ vì tài năng, phương pháp quản lý mà còn cả về tư cách, đức độ…
Nhớ lại chuyện hơn hai mươi năm trước, tôi vẫn thấy có nhiều điều để nghĩ. Tôi từng đọc được đâu đó trên báo rằng, có những học sinh ăn cắp sách trong nhà sách bị bắt đeo biển “tôi ăn cắp sách”, bị lăng mạ, bị bêu xấu, có trường hợp đưa lên mạng xã hội nữa. Thì ra, với một số người, ăn cắp sách cũng như là ăn cắp những thứ khác, nếu không thể giao cho công an xử lý thì họ cũng “tự xử” bằng những cách thiếu nhân văn và không có tính giáo dục. Người ta đã đánh đồng sách với một thứ của cải, tài sản chứ không xem sách như là biểu hiện vật chất của tri thức mà “ăn cắp tri thức” (nếu có thể có khái niệm này!) thì hẳn cũng không đáng lên án. Với họ, ăn cắp sách không phải là sai lầm dễ tha thứ nhất, đáng thương nhất như thầy chủ nhiệm lớp chúng tôi đã nói. Trong khi đó, có không ít kẻ ăn cắp sách bằng cách tuồn sách do mình quản lý bán ra ngoài theo dạng bán sách cũ, bán ve chai với số lượng hàng trăm, hàng ngàn cuốn thì lại ít bị lên án. Lại có trường hợp người kê khống số sách phải mua cho thư viện, ăn chặn tiền giảm giá để bỏ túi riêng thì ít khi bị phát hiện và cũng không mấy ai phản ứng…
Một người biết trân quý sách (sách hiểu theo nghĩa là một công cụ tri thức chứ không phải là một loại tài sản) hẳn là người hiểu biết, có giáo dục, có văn hóa. Một người biết thông cảm và tha thứ với hành vi ăn cắp sách (trong trường hợp ăn cắp sách để có sách đọc chứ không phải ăn cắp để bán giấy vụn) hẳn là người nhân văn, độ lượng, biết quý trọng người hiếu học. |
Ứng xử với sách và ứng xử với việc ăn cắp sách dường như có thể giúp chúng ta nhìn ra được một con người thật. Một người biết trân quý sách (sách hiểu theo nghĩa là một công cụ tri thức chứ không phải là một loại tài sản) hẳn là người hiểu biết, có giáo dục, có văn hóa. Một người biết thông cảm và tha thứ với hành vi ăn cắp sách (trong trường hợp ăn cắp sách để có sách đọc chứ không phải ăn cắp để bán giấy vụn) hẳn là người nhân văn, độ lượng, biết quý trọng người hiếu học. Đó là những người đáng quý!
Tôi nhớ ai đó từng bày mẹo chống mất sách (nhất là thói quen “quên” trả sách sau khi năn nỉ mượn) là ghi ở trang đầu cuốn sách câu “Sách này ăn cắp của…” và trong dấu ba chấm đó là tên của chủ nhân quyển sách! Một mẹo cũng khá thú vị, bởi nếu ai đó tình cờ đến nhà bạn chơi, lần giở một cuốn sách mà thấy câu “chú” này thì người ta sẽ nghĩ sao về bạn? Nhưng nếu người ta đã rắp tâm chiếm hữu cho bằng được cuốn sách đó thì họ vẫn có nhiều cách, chẳng hạn dán giấy chồng lên câu đó hoặc thậm chí xé bỏ hẳn cái trang “ác nghiệt” đó! Bởi có ai đó từng nói rằng: “Cho mượn sách là kẻ ngu, người trả sách còn ngu hơn”, nên đã được cho mượn (dĩ nhiên với một cuốn sách mà người mượn thấy hay hoặc thích thú) thì ráng tìm cách chiếm giữ luôn!
Câu chuyện ăn cắp sách năm nào có thể là một câu chuyện giáo dục, một tình huống sư phạm đối với một nhà giáo, là một bài học sâu sắc đối với một người từng ăn cắp sách. Và với nhiều người khác, đó là một câu chuyện mang tính nhân bản của cuộc đời!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)