Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một cơ sở xả thải ngầm ra biển tại hải đăng Kê Gà

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 4.000 con cá bớp nuôi lồng bè tại bờ biển dưới chân hải đăng Kê Gà – xã Tân Thành, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chết từ ngày 21 đến 22-6 gây thiệt hại hàng tỉ đồng. 
Một cơ sở xả thải ngầm ra biển tại hải đăng Kê Gà
Cá bớp chết trong lồng bè của ông Nguyễn Văn Sáu (ảnh lớn) và ống xả thải trái phép ra biển của cơ sở cá hấp (ảnh nhỏ) – Ảnh: NGUYỄN NAM

Sự việc bắt đầu từ sáng 21-6, ông Nguyễn Văn Sáu (thôn Kê Gà) và nhân công kiểm tra lồng bè nuôi cá bớp tại khu vực biển dưới hải đăng Kê Gà thì thấy có nhiều cá chết.

Lồng bè nuôi cá bớp của ông Nguyễn Đức Lộc gần chỗ ông Sáu cũng xảy ra tình trạng này. Từ sáng 21 đến chiều 22-6, lồng bè của ông Lộc chết khoảng 700 con cá bớp lớn nhỏ.

“Bè của anh Lộc chết ít hơn, của tôi chết đến 3.000 con. Trước giờ tôi nuôi cá bớp ở đây có chết vài con chứ không chết nhiều như vậy” – ông Nguyễn Văn Sáu cho biết.

Qua tìm hiểu, PV Tuổi Trẻ phát hiện một đường ống dẫn nước thải từ một cơ sở sản xuất cá hấp của ông Thiện (cách bờ biển khoảng 500m) được lắp đặt ngầm ra đến bờ biển.

Ống nhựa này được chôn sâu, hướng đặt của đường ống chĩa thẳng đến vị trí mà các hộ nuôi cá lồng bè bị chết nằm dưới chân hải đăng Kê Gà.

Liên hệ với ông Thiện thì ông cho hay đường ống này mới được lắp đặt khoảng vài tháng nay. Theo ông Thiện, khoảng 10 ngày mới làm cá hấp một lần nên xả thải không thường xuyên.

“Cá chết vào sáng 21-6 nhưng hôm đó chúng tôi xả buổi chiều. Tôi cam đoan không dùng hóa chất gì khi hấp cá” – ông Thiện nói.

Trả lời câu hỏi tại sao chưa được cấp phép mà vẫn lắp đặt đường ống ngầm xả thải ra biển, ông Thiện trả lời: “Có làm hồ sơ xin cấp phép rồi nhưng không được duyệt”.

Nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở khu vực biển Kê Gà lo ngại chất thải từ các cơ sở cá hấp đưa ra biển theo đường ống ngầm sẽ tiếp tục gây nên tình trạng cá chết.

“Chúng tôi muốn cơ quan nhà nước kiểm tra xem có bao nhiêu chỗ đặt ống ngầm xả thải thẳng ra biển. Chất thải này tác động như thế nào đến nước biển? Đoàn đến kiểm tra rồi về, sau đó không giải quyết được chuyện gì hết” – một chủ lồng bè kêu cứu.

Thông tin về đường ống xả thải trái phép của cơ sở sản xuất cá hấp được PV Tuổi Trẻ chuyển đến cho ông Nguyễn Văn Hiến – phó chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam.

“Tôi giao cho Phòng tài nguyên – môi trường huyện và công an xã đến làm rõ vụ việc” – ông Hiến trả lời. Trong hôm qua, Công an huyện Hàm Thuận Nam và các cơ quan chức năng cũng đến hiện trường ghi nhận sự việc, điều tra nguyên nhân cá chết.

 

NGUYỄN NAM – LÊ KIÊN (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)