Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Một cọng rơm +” mang hoài niệm đời người

Tạp Chí Giáo Dục

“Đó là những sản phẩm chiết tinh từ đồng đất quê hương như một trải nghiệm văn hóa ẩm thực, trải nghiệm du lịch ăn uống của đất nước Việt Nam mình. Sản phẩm ấy dành cho chính những ai đủ sâu sắc để cảm nhận được cả một câu chuyện đầy tự hào và ý nghĩa đằng sau nó”. Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Hoan (Hoan Value) trải lòng về sản phẩm ăn vặt mang thương hiệu “Một cọng rơm +” vừa hình thành ở Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Hoan với sản phẩm ăn vặt “Một cọng rơm +”

1.Tôi từng biết đến Hoan cách đây 3 năm. Ngày đó, chàng sinh viên mới ra trường này đã được biết đến bởi dự án sách miễn phí và lớp học kỹ năng sống 1 USD. Nhiều bạn sinh viên vừa ra trường, thậm chí còn ngồi trên ghế giảng đường tìm đến chàng trai trẻ này như một nguồn cảm hứng để tiếp tục mục tiêu khởi nghiệp. Không ai tính được trong số những người gặp gỡ ấy có bao nhiêu phần trăm thành công, nhưng hẳn Hoan đã truyền cho họ một nguồn năng lượng, nhiệt huyết của tuổi trẻ bồi bổ cho hành trang lập nghiệp của đời mình.

Nguyễn Văn Hoan của 3 năm sau vẫn mang một nhiệt huyết và rất có lửa trong các “dự án” dài hơi miễn phí của sách và kỹ năng sống cho các bạn trẻ. Nhưng hơn thế, Hoan đã trở thành một ông chủ nhỏ với thương hiệu sản phẩm đầy hoài niệm làng quê: “Một cọng rơm +”! Hoan bảo rằng, lý thuyết luôn phải song hành với thực tế. Đó cũng là lý do, song hành với các dự án phi lợi nhuận, Hoan luôn mạnh dạn trong các dự án khởi nghiệp kinh doanh của mình. 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, có lẽ ai đó đang loay hoay đi tìm việc làm, còn Hoan đã kịp xây dựng cho mình một hành trình khá dày dặn, bắt đầu từ số vốn âm 10 triệu đồng, vay mượn mỗi nơi một ít. Bắt đầu bằng sản phẩm bánh mỳ Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với các cộng sự, Hoan đã đồng sáng lập ra chuỗi 3 cửa hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thành công ngoài mong đợi, đến nay Hoan đã kinh doanh nhượng quyền với các mặt hàng kinh doanh như trà sữa, mỳ cay với chuỗi vài chục địa điểm từ Bắc vào Nam.

2.Lắng lại sau những thành tựu của chuỗi kinh doanh thu hút rất đông khách hàng là giới trẻ, Hoan chọn cho mình một dự án khác bằng hình thức sản xuất, phân phối. Hoan kể: “Ý tưởng làm một điều gì đó về các đặc sản quê hương giới thiệu đến du khách và các thế hệ trẻ, nhất là các bạn trẻ thành phố cũng như mang về một chút hoài niệm cho những người con xa xứ, thậm chí ngay cả với người lớn trong vòng xoay cuộc sống có nhiều đổi thay là từ một chuyến về thăm quê. Em cũng là một người xa quê, dù chọn Đà Nẵng làm nơi gắn bó, lập nghiệp nhưng kí ức tuổi thơ êm đềm của em là ở miền quê nghèo khó Quảng Bình. Và không chỉ riêng em, sẽ có nhiều người như vậy…”. Trăn trở và ấp ủ mất một thời gian dài, Hoan liên tưởng đến những miền quê thuần nông với nhiều hoài niệm đẹp và quyết định bắt tay vào sản xuất những sản phẩm từ tinh hoa của ngành nông nghiệp để giới thiệu đến người dùng. “Một cọng rơm +” đã hoàn tất khâu chuẩn bị và ra đời với 4 món trong nhiều món đặc sản quê hương gồm bắp bung Đắk Lắk, bánh tráng ruốc Huế, cơm cháy Ninh Bình và bánh ép Thuận An (Huế) được đóng gói giới thiệu ra thị trường. Hơn 10 ngàn túi kí kết bán tại Hà Nội, gần 1 ngàn túi đưa đến tận tay người dùng tại hội chợ cuối năm tại Công viên 29-3 Đà Nẵng sau một tháng sản phẩm này có mặt trên thị trường đã phần nào khẳng định sự hoài niệm là hành trang không thể thiếu trong hành trình lớn khôn của đời người. Một túi quà vặt đặc sản chỉ có giá từ 25 đến 35 ngàn đồng nhưng đem đến cho người mua một hương vị khác: Hương vị quê nhà, hương vị ấu thơ!

Cùng với việc kinh doanh, Hoan vẫn miệt mài viết bài chia sẻ suy nghĩ tích cực, những góc nhìn hay trên facebook cá nhân, tư vấn tâm lý, kỹ năng sống. Đối tượng mà Hoan ưu tiên là người trẻ muốn khởi nghiệp hoặc người chưa tìm thấy hướng đi cho mình sau khi ra trường. 

3.Hỏi Hoan về hành trình tạo sản phẩm, Hoan bảo đó là cả một công đoạn không hề dễ dàng. Có dự án rồi phải đi khảo sát tình hình, xác định nhu cầu thị trường, tìm nguồn nguyên liệu, thiết kế bao bì… Đó là chưa kể, sản phẩm còn phải qua các khâu kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoan nói: “Em “định vị” cho sản phẩm là đặc sản ăn vặt cao cấp đúng với slogan “Cách tân hoài niệm”. Những món ăn đó hẳn tuổi thơ của ai cũng từng một lần nếm trải. Kí ức tuổi thơ bao giờ cũng đẹp, đối với người xa xứ thì đó là cả một niềm nhớ. Còn với du khách nước ngoài, khi đến đất nước mình, ăn một món đặc sản mang hương vị đặc trưng sẽ khiến họ nhớ mãi”. Một điểm đặc biệt khác, trên bao bì sản phẩm, Hoan còn cẩn thận tỉ mỉ thiết kế; in lời giới thiệu về đặc sản của địa phương đó bằng cả hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh. “Trong tương lai em sẽ dần dần hoàn hành chuỗi sản phẩm đặc sản ăn vặt này; đồng thời cũng hướng đến tiêu chuẩn bài bản để đưa ra thị trường quốc tế”, Hoan nói.

Cùng với việc kinh doanh, Hoan vẫn miệt mài viết bài chia sẻ suy nghĩ tích cực, những góc nhìn hay trên facebook cá nhân, tư vấn tâm lý, kỹ năng sống. Đối tượng mà Hoan ưu tiên là người trẻ muốn khởi nghiệp hoặc người chưa tìm thấy hướng đi cho mình sau khi ra trường.

Bước qua tuổi 26, có 8 năm gắn bó với Đà Nẵng, hỏi Hoan về dự định cho tương lai? Hoan cười hiền: “Lập nghiệp ở Đà Nẵng – nơi có môi trường tốt và vấn đề khởi nghiệp được ưu tiên, quan tâm!”. Một lí do khác thôi thúc Hoan gắn bó với mảnh đất này là tấm lòng của những con người Đà Nẵng. Một trong số đó là cô Nhung – chủ nhà của Hoan ở Hòa Cường Bắc – người đã từng cho Hoan ở trọ miễn phí, coi Hoan như con. Nghe Hoan nói, tôi nghiệm ra rằng, không ai khác Nguyễn Văn Hoan chính là một cọng rơm – một người trẻ đang góp phần nhỏ của mình cho Đà Nẵng trở thành miền đất giàu khát vọng vươn xa hơn!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)