Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Anh |
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép tất cả các tỉnh, thành phố đều có cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể tổ chức cụm thi địa phương cho những thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp.
Hai cụm thi
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Thi và Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Chiều 29-2, sở đã ban hành văn bản yêu cầu các trường THPT, trung tâm GDTX thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 của học sinh. Theo đó, sẽ tổ chức thăm dò hai nội dung: Học sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ hay chỉ để xét tốt nghiệp THPT và các môn đăng ký dự thi. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường THPT và các trung tâm GDTX gửi kết quả thăm dò về sở chậm nhất ngày 2-3.
Cũng theo ông Chất, từ kết quả các trường gửi về, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ quyết định một hay hai cụm thi
Trong khi đó, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định khẳng định: Nam Định sẽ có hai cụm thi, một cụm do các trường ĐH chủ trì và một cụm do địa phương chủ trì.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết: Năm nay, tỉnh này cũng sẽ có hai cụm thi. Trong đó, với cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ đặt tại thành phố Hòa Bình. Thí sinh vừa xét tuyển ĐH, CĐ, vừa xét tốt nghiệp sẽ di chuyển về thành phố để thi. Còn cụm thi do Sở GD-ĐT Hòa Bình chủ trì sẽ tổ chức cho các thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT. Với cụm thi địa phương, sở sẽ tổ chức mỗi huyện một điểm thi.
Tại sao phải chọn hai?
Lý giải về nguyên nhân phải có hai cụm thi, đại diện Phòng Khảo thí – Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi, việc di chuyển của thí sinh rất khó khăn. Có nhiều nơi cách trung tâm thành phố cả trăm kilômét. Trong khi đó, nhu cầu của thí sinh chỉ cần xét tốt nghiệp để đi học nghề. Nếu lựa chọn một cụm thi ĐH thì sẽ rất vất vả cho phần lớn thí sinh của Hòa Bình.
Không chỉ Hòa Bình, nhiều tỉnh miền núi khu vực phía Bắc đều có quan điểm tương tự. Nguyên nhân là do đặc thù địa hình miền núi, việc đưa thí sinh về khu vực thuận lợi để thi là rất khó. Hơn nữa, phần lớn thí sinh tại các tỉnh này thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lại cho rằng: Nếu cách làm như nhau, đề thi, chấm điểm giống nhau, cùng có sự phối hợp giữa địa phương và các trường ĐH thì tại sao lại phải chia làm hai cụm thi. Điều này khiến thí sinh vô tình bị phân biệt thành hai loại với chất lượng thi khác nhau. “Tôi cho rằng không nên có sự phân biệt thí sinh. Các em cần được đánh giá công bằng khi đã làm cùng một bài thi. Việc Bộ GD-ĐT khẳng định, cả hai cụm thi cùng công bằng, khách quan nhưng lại chỉ cho phép các trường xét tuyển các thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH chủ trì là mâu thuẫn”, ông Lâm khẳng định.
Mặt khác, ông Lâm cũng cho rằng: Nếu dư luận chưa thực sự an tâm về công tác tổ chức thi tại các cụm địa phương thì mỗi tỉnh chỉ cần một cụm thi do các trường ĐH chủ trì là tốt nhất.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)