Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Một cuộc cải tổ giáo dục phổ thông ở Pháp gây tranh cãi: Mỗi tuần chỉ học 4 ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bắt đầu từ ngày 2-9 năm học 2008, mỗi tuần học sinh từ 3 đến 10 tuổi ở Pháp chỉ đi học 4 ngày (thứ hai, ba, năm, sáu), thứ tư, bảy, chủ nhật nghỉ.

Quyết định này của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos gây tranh cãi sôi nổi từ đầu năm học đến nay chưa dứt…

Một ngày nghỉ học thêm để chơi, sống với cha mẹ, đi thăm ông bà, hoặc để ngủ thoải mái khỏi phải lo đồng hồ báo thức réo inh ỏi. Với thời khóa biểu này 6 triệu học sinh Pháp từ nay có điều kiện sống với gia đình nhiều hơn, tiếp xúc thiên nhiên nhiều hơn, quan sát cuộc sống xã hội nhiều hơn. Đó là ý đồ của ông Bộ trưởng khi thực hiện khẩu hiệu “học ít hơn nhưng biết nhiều hơn”; làm sao cho các em cảm thấy “đi học cũng vui, ở nhà cũng vui”, kiến thức khoa học và xã hội nhập vào các em một cách tự nhiên, thoải mái.

Như vậy mỗi tuần các em chỉ học có 24 giờ, thay vì 26 giờ.

Cần nhắc lại rằng theo thống kê, học sinh Pháp và Ý lâu nay vẫn được cho là “học nhiều nhất châu Âu”. Không biết nhận xét này có góp phần khiến ông Bộ trưởng đi đến quyết định giảm số ngày đi học hay không.

Cũng như bất cứ một chủ trương, chính sách mới nào có liên quan đến xã hội, quyết định giảm ngày học cũng dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi trong giáo giới và cha mẹ học sinh. Bà Anouk,một chủ tiệm ăn ở quận 11 Paris hỏi: “Tốt lắm, nhưng ai giữ con tôi ngày nghỉ? Tôi chỉ còn có cách thuê người giữ con!”. Ông Bộ trưởng đã đẩy khó khăn cho cha mẹ các em, mà không tham khảo ý kiến gì hết. Chắc ông cho rằng cộng đồng (khu phố, quận…) tổ chức vui chơi cho các em ngày nghỉ đó. Nhưng tiền đâu? Người đâu? Địa điểm đâu? Thật là luẩn quẩn!

Về lý thuyết ngày nghỉ thêm có vẻ có lợi: cha mẹ đỡ tốn tiền xăng đưa các em đi học một ngày, các em học kém môn nào đó có thể được bồi dưỡng thêm.

Tổng thống Nicolas Sarkozy rất ủng hộ chủ trương bớt ngày đi học. Ông ước mong trở lại cái thời “dưới mái trường xưa”, với bảng cửu chương, với bài thơ phải học thuộc lòng, với giờ văn phạm thú vị, nghĩa là một thời đi học trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên, không phải lo lắng, không phải “sợ đi học” như trẻ em hiện nay.

Nhà nghiên cứu sư phạm ở Đại học Tours, ông Francois Testu lại có ý kiến khác: Đừng đánh đồng thời gian sinh học với thời gian học tập. Thời gian ngủ, chơi, ăn uống… khác với thời gian ngồi học đánh vần, làm bài toán trừ, học thuộc lòng, tập đặt câu… Học hành thoải mái không phải là vừa học vừa chơi. Trẻ em ngay từ bé, phải tập “làm theo yêu cầu”, với những mức độ từ thấp đến cao, không thể “học là chơi, chơi là học”.

Ông còn nói: “Nên nhớ rằng sau khi nghỉ thoải mái hai ngày, do quán tính học sinh trở lại nếp học quy củ rất khó. Cái kiểu này chỉ làm cho học sinh mệt thêm, khả năng tập trung kém đi, tâm lý bị hụt hẫng… Quyết định này có màu sắc mị dân. Cho học sinh thêm tự do không có nghĩa là bắt chúng thực hiện những sáng kiến do mình nghĩ ra…”.

Cuộc cải cách về thời gian biểu học tập này có thể làm vui lòng nhiều giáo viên và cha mẹ các em, nhưng không phải cái gì tốt cho người lớn cũng tốt cho trẻ em.

Dầu sao chủ trương giảm ngày học này cũng mới áp dụng mấy tháng. Cái gì mới cũng gây nhiều phản ứng khác nhau, đủ màu sắc và cung bậc. Tác dụng thực tế sẽ nói tiếng nói quyết định cuối cùng. Hãy chờ xem.

Phan Thanh Quang

(Theo Courrier international số 4-9-2008

 

Bình luận (0)