Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một điểm trường bị… bỏ quên!

Tạp Chí Giáo Dục

Dịp 20-11 vừa qua, trong khi thầy trò các trường học trên cả nước tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì 24 học sinh (HS) ở Phân hiệu Nao Quang, thuộc Trường THCS Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) ngỡ ngàng bước vào năm học mới. Câu chuyện thật mà cứ như… đùa!

Khai giảng muộn vì không có… thầy !
Tìm hiểu về nguyên nhân vì sao phân hiệu này lại khai giảng năm học 2009-2010 muộn hơn các trường khác những… 2 tháng? Câu chuyện khiến những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đều phải chạnh lòng. Nguyên nhân của những nguyên nhân là do cái… nghèo! Thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm được thành lập năm 2006, hiện nay toàn xã có 76 hộ gần 300 nhân khẩu (chiếm hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số). Năm học 2007-2008, Phân hiệu Nao Quang (thuộc Trường THCS Lộc Phú) ra đời. Nằm cách trung tâm huyện Bảo Lâm chừng hơn 20km đường rừng, nhưng thôn đồng bào dân tộc này đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nói là thành lập phân hiệu (mục đích giúp HS không phải đi học xa trường), nhưng phòng học và cơ sở vật chất chỉ là con số… 0! Hai năm học trước, Ban giám hiệu Trường THCS Lộc Phú mượn tạm căn nhà ván của ông phó thôn (người đồng bào dân tộc trong thôn) để mở lớp. Căn nhà chừng 24m2 được ngăn đôi (phía trước chủ nhân ở, gian sau HS học). Tạm bợ được 2 năm học qua, năm học 2009-2010 nhà trường lại mượn tạm nhà Đại đoàn kết của hộ ông K’Kem cũng chừng 20m2 làm phòng học cho 24 em HS trong thôn.
Nói về những khó khăn của phân hiệu này, cô Phạm Thị Lan – Phó hiệu trưởng Trường THCS Lộc Phú cho biết, bên cạnh việc vận động HS đến lớp, chống thất học ở một thôn dân tộc; việc tìm kiếm giáo viên (GV) đứng lớp cũng là vấn đề… nan giải. Không có trường, việc dạy học rất bấp bênh, GV phải thuê nhà dân để ở, cuộc sống sinh hoạt quá thiếu thốn… không mấy thầy giáo “trụ” lâu với Nao Quang. Từ đầu năm học 2009-2010 đến nay đã có 4 thầy giáo được giới thiệu đến Phân hiệu Nao Quang nhận công tác nhưng họ đều từ chối. Mãi đến tháng 11-2009, Trường THCS Lộc Phú mới hợp đồng được một thầy giáo trẻ đứng lớp nên lớp học này khai giảng muộn là vậy… Bà Hiệu phó kết thúc câu chuyện bằng cái lắc đầu khiến chúng tôi chợt thấy… nao lòng!
Nhọc nhằn con chữ Nao Quang!
Thầy giáo Quýnh tâm sự, đa số HS là người đồng bào dân tộc nên khả năng tiếp thu bài rất chậm, do khai giảng muộn nên phải “chạy” cho kịp chương trình, thầy Quýnh phải dạy suốt ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Thôn chưa có điện, những ngày trời mưa phòng học tối thui, thầy trò rất khốn khổ…
Nhìn cảnh bố trí lớp học kiểu như ở Nao Quang (hình) không biết còn nơi nào ở Việt Nam sử dụng không? Lớp học được chia làm đôi, một bên là dãy bàn của HS lớp 3, một bên là dãy bàn của HS lớp 4 (với 24 HS là lớp phổ cập tiểu học). Ở hai đầu phòng học được treo hai tấm bảng (tấm lớn dành cho lớp 4, tấm bảng nhỏ dành cho lớp 3). Và các em HS ngồi quay lưng lại với nhau. Trực tiếp dạy cả hai lớp học (chung) này là thầy giáo trẻ Luyện Văn Quýnh – một SV mới ra trường đã tình nguyện gắn bó với Nao Quang bằng tấm lòng và tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ. HS thì nhiều độ tuổi chênh lệnh khác nhau, trình độ tiếp thu bài vở rất hạn chế; còn thầy giáo thì tất bật với 2 giáo án, chạy ngược chạy xuôi giữa 2 tấm bảng cũng đuối cả… người! Lúc thì chạy sang bên tấm bảng lớn giảng bài cho HS lớp 4; khi chạy sang tấm bảng nhỏ giảng bài cho HS lớp 3. Rồi ngày nào cũng vậy thành… quen!
Dù còn chất chồng những khó khăn, thiếu thốn nhưng dường như con chữ là niềm khát khao của HS và phụ huynh thôn nghèo này. Lớp học của thầy giáo Quýnh được phụ huynh rất quan tâm động viên con em theo học nghiêm túc. HS của lớp học rất chịu khó, chăm chỉ học tập và rất ngoan hiền. Đây là niềm động viên rất lớn đối với thầy giáo trẻ tình nguyện này. Song, trong suy nghĩ giản dị của nhân dân nơi đây, bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn về trường lớp, cơ sở vật chất, đời sống GV… liệu giữ chân thầy giáo trẻ này được bao lâu?
Trưởng thôn Nao Quang cho biết, đây là thôn đặc biệt khó khăn nên đến nay trong thôn có gần 50 cháu đủ tuổi (lẽ ra được học các lớp từ mẫu giáo đến lớp 2), nhưng do thiếu trường, thiếu thầy giáo nên đành thất học. Nhiều phụ huynh trong thôn tâm sự: rất mong muốn thôn có trường lớp, có GV để con em mình học, biết cái chữ sau này lập nghiệp, nhưng vì đường sá đi lại quá khó khăn (nhất là vào mùa mưa), bao nhiêu thầy giáo vào đây rồi tháo lui… sự học của con em bà con nơi đây tháng ngày cứ bấp bênh như chính cuộc sống của họ vậy. Cô Lan cho biết thêm, 3 năm qua Ban giám hiệu đã đề nghị với chính quyền và ngành giáo dục địa phương hỗ trợ việc đầu tư xây dựng trường, phòng ở cho GV, các cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cho Phân hiệu Nao Quang nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, dường như phân hiệu này đang bị bỏ… quên!
Xem ra, sự học của trẻ em thôn Nao Quang nhỏ bé, hẻo lánh này sẽ còn phải nhọc nhằn, không biết bao giờ nhận được sự quan tâm thiết thực…
Bài & ảnh: THANH HỒNG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)