UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện tập trung nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục trong năm học này là “đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: N.Trinh |
Theo đó, Sở GD-ĐT có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh tự học, nghiên cứu, làm việc nhóm thay vì nhồi nhét kiến thức; đồng thời phải giảm tải chương trình, khắc phục tình trạng nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được yêu cầu hướng tới tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học. Việc đánh giá nội dung học tập là trọng tâm theo truyền thống sẽ được chuyển sang đánh giá phẩm chất và năng lực… Đây thực sự là một định hướng tích cực và tiến bộ trong năm học mới trong bối cảnh thành phố vừa có chủ trương sẽ miễn học phí cho bậc THCS từ đầu năm 2019. Dĩ nhiên, một chủ trương tiến bộ khó có chuyển biến rõ nét ngay trong một thời gian ngắn, nhưng nếu được thực hiện tốt, đây có thể là một định hướng đúng đắn để tạo ra những thay đổi căn bản về việc dạy và học. Định hướng này có thể bao gồm những vấn đề lớn sau:
Tăng cường tính tự học, tự nghiên cứu của người học
Hiện nay, nhiều học sinh vẫn còn thụ động với bài học, như ít chuẩn bị bài trước, ít tham gia ý kiến trong quá trình học, ít đọc tài liệu nếu không được yêu cầu… Đó là một hạn chế lớn, có nguyên nhân từ việc “làm thay” hoặc gò ép quá kỹ của giáo viên cũng như do chương trình quá nặng nề. Do đó, cần thiết phải tạo ra ý thức tự giác, tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, thông qua cách tổ chức hợp lý của giáo viên. Chẳng hạn, thay vì đọc nguyên văn để học sinh chép thì có thể chỉ gợi ý, định hướng để học sinh tự rút ra bài học cho bản thân; khi kiểm tra thì không cần thiết phải viết đúng nguyên văn mà chỉ cần những nội dung quan trọng… Thực hiện được điều này sẽ giảm được tính lệ thuộc, thụ động, tính “ỳ” của học sinh.
Hạn chế việc nhồi nhét kiến thức
Kiến thức có nhiều loại và có những loại có ích và thiết thực với người này nhưng không có ý nghĩa nhiều với người khác, nên việc nhồi nhét theo một công thức chung là không cần thiết và sẽ không hiệu quả. Giáo viên có thể cung cấp nhiều kiến thức nhưng khi kiểm tra đánh giá thì không nên đòi hỏi học sinh phải trả lời quá nhiều chi tiết và nên chấp nhận những kiến thức phù hợp chủ đề nhưng không thuộc những kiến thức mà giáo viên đã cung cấp, để khuyến khích học sinh tự tìm kiếm những thông tin, kiến thức từ những nguồn khác, bằng những cách thức khác. Quá trình cung cấp kiến thức cũng nên có sự gợi mở để học sinh tự mở rộng hiểu biết của mình, thay vì giáo viên cố cung cấp quá nhiều kiến thức mà trong số đó có những thứ học sinh không quan tâm, không có hứng thú để biết.
Xây dựng tinh thần làm việc nhóm tích cực và hiệu quả
Trong các bài học, giáo viên nên chú trọng việc xây dựng thành các nhóm nhỏ để học sinh chủ động làm việc với nhau để tìm kiếm thông tin, thực hiện các bài tập hoặc tự xử lý một tình huống nào đó. Các nhóm này nên thay đổi chứ không cố định số người cũng như thành phần, trong đó nên gợi ý trong nhóm có một nhóm trưởng để rèn thêm kỹ năng điều hành, lãnh đạo. Rèn kỹ năng làm việc nhóm để học sinh có tinh thần cộng đồng trách nhiệm, biết lắng nghe, chia sẻ, phản biện, tranh luận…, là những điều rất có ích cho việc phát triển tư duy và hình thành phương pháp làm việc khoa học của trẻ sau này.
Chú trọng thực hành
Bên cạnh cung cấp kiến thức, giáo viên cần quan tâm đến việc định hướng cho học sinh biết kiến thức đó để làm gì và làm như thế nào, tức là phải vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, từ quy mô hẹp như lớp học, nhà trường cho đến quy mô rộng hơn, như nơi học sinh sống, ở cộng đồng, địa phương của em… Tất cả các môn học đều có thể được thực hành trong thực tế, như môn văn có thể vận dụng vào việc giao tiếp, ứng xử, viết báo tường…; môn giáo dục công dân có thể vận dụng vào việc chấp hành nghĩa vụ của một học sinh, của một thành viên của cộng đồng, của một công dân…
Xây dựng tinh thần tự tin và phản biện cho người học
Tự tin là một đòi hỏi khá quan trọng để một người có thể thành công vào một việc nào đó, nên cần thiết được rèn luyện, giúp đỡ. Vì vậy, cần thiết cho học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động, nhất là việc bộc lộ bản thân, kể cả khi các em có thể có sai sót, nhầm lẫn. Chẳng hạn, tạo điều kiện cho học sinh thuyết trình, thể hiện năng khiếu… trong hoạt động chính khóa lẫn ngoại khóa. Khi các em có đủ tự tin thì sẽ mạnh dạn bộc lộ ý kiến, từ đó có thể phản biện với nhau (trong các sinh hoạt tập thể, trong tranh luận…) và phản biện một số ý kiến của giáo viên. Người thầy nên khuyến khích học sinh phản biện thay vì cho là các em “cãi”, bởi có phản biện thì chân lý mới được ghi nhận trong thực tiễn thay vì chỉ là sự chép lại, học lại.
Có cách đánh giá mang tính tổng hợp
Việc đánh giá không chỉ bằng con điểm ở các bài thi, bài kiểm tra mà nên tổng hòa nhiều hình thức, như điểm số, thái độ học tập, sự tham gia các hoạt động học tập… Việc đánh giá phải thực sự công khai, minh bạch, khách quan và cho phép học sinh có ý kiến về việc đánh giá mình để có thể từ đó các em rút ra được điểm cần phát huy, điểm cần khắc phục, sửa chữa…
Với những định hướng này, giáo viên thực sự là người dẫn dắt, gợi mở, truyền cảm hứng… chứ không chỉ đơn giản là người cung cấp kiến thức một chiều. Dĩ nhiên, trách nhiệm của giáo viên sẽ nặng nề hơn. Do đó, với những yêu cầu này cho giáo viên trong năm học mới thì thành phố cần xem xét đến những chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên. Nếu chỉ có kêu gọi suông thì các định hướng trên chỉ là hình thức mà khó chuyển biến cụ thể trên thực tế!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)