Mỏ sắt Phong Hanh (Phú Yên) đã đóng cửa hơn 3 tháng nhưng công ty khai thác mỏ là một doanh nghiệp Trung Quốc lại không hoàn thổ theo quy định, trong khi các hồ chứa bùn thải ở đây có nguy cơ vỡ, đe dọa tính mạng người dân
Ngày 29-11, HĐND tỉnh Phú Yên có kết luận giám sát việc khôi phục môi trường tại mỏ sắt Phong Hanh (xã An Định, huyện Tuy An).
Theo đề án đóng cửa mỏ, trong 10 tháng (từ 15-8-2012 đến 15-6-2013), đơn vị khai thác mỏ sắt Phong Hanh là Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang (100% vốn Trung Quốc) phải hoàn thổ toàn bộ 18 ha tại mỏ này, bao gồm các phần việc: bốc xúc các hố bùn thải, san lấp số hố đã khai thác và trồng cây xanh. Trong đó, 3 tháng đầu phải bốc xúc toàn bộ bùn, làm sạch các hồ chứa bùn và chống vỡ đập, bảo đảm an toàn tính mạng người dân ở đây. “Hiện nay, việc hoàn thổ ở mỏ sắt Phong Hanh gần như không được thực hiện. Công ty khai thác đã thu dọn thiết bị và máy móc, hiện chỉ còn vài chiếc xe” – ông Trần Văn Hạc, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, cho biết.
Mỏ sắt Phong Hanh vẫn còn ngổn ngang bùn thải
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh Phú Yên do Phó Giám đốc Mai Kim Lộc ký, việc chậm tiến độ hoàn thổ của Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang là do… trời mưa. Trong khi trên thực tế, nhiều tháng qua, tỉnh này phải gồng mình chống hạn.
Tại mỏ sắt, sau khi tinh luyện quặng, đơn vị khai thác đã xả bùn vào 3 hồ chứa lớn treo lưng chừng trên núi. Những “túi bùn” khổng lồ này có khả năng vỡ bất cứ lúc nào. Theo ông Phan Văn Ba, Chủ tịch UBND xã An Định, khi mưa, bùn từ các hồ chứa tràn xuống đập Tiên Tấn, bồi lấp hệ thống mương nước, ảnh hưởng đến 17 ha đất sản xuất của người dân địa phương. Trong khi đó, đê bao của hồ chứa bùn thải ở phía Tây chỉ làm tạm bợ. Nếu hồ chứa vỡ, lượng bùn lớn sẽ vùi lấp khu vực có cả trăm hộ dân của 2 thôn Phong Thăng và Phong Hanh.
Theo ông Trần Văn Hạc, hiện nhiều đoạn đê bao của các hồ chứa bùn thải đã bị vỡ cục bộ, bùn thải rỉ ra ngoài. Nếu có lũ hay mưa lớn, các hồ chứa bùn thải bị vỡ là điều khó tránh khỏi.
Theo Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, chi phí để hoàn thổ khoảng 18 tỉ đồng, trong khi Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang ký quỹ bảo vệ môi trường chỉ có 2,2 tỉ đồng.
Trước đó, khi hết hạn khai thác mỏ sắt này, Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang đã không xây dựng đề án đóng cửa mỏ nhưng lại được Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh Phú Yên cho tận thu quặng trong thời gian hoàn thổ. Tất nhiên, đề nghị này không được UBND tỉnh chấp thuận.
theo NLĐ
Bình luận (0)