Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một đời đào kép độc: Bài 1: “Ác” như Minh Châu!

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn viên Xuân Trang (phải) – con trai cố NSƯT Minh Châu trong một vở kịch  (ảnh gia đình nhân vật cung cấp)

Là người con của vùng đất Nam Định nhưng ông lại chọn bộ môn nghệ thuật cải lương để theo học và nổi tiếng với các vai phản diện trên sân khấu. Ông là cố NSƯT Minh Châu – sinh thời là diễn viên trụ cột của Nhà hát Trần Hữu Trang từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cùng thời với NSƯT Thanh Vy, NSƯT Minh Châu (tên thật là Vũ Minh Châu) là một trong số ít diễn viên của Đoàn cải lương Nam bộ được điều động vào Nam “tiếp sức” cho nền nghệ thuật cải lương cách mạng đang được hồi sinh sau khi cuộc chiến vừa kết thúc.

Khổ luyện ca giọng Nam bộ

Dù là một diễn viên còn “lạ nước lạ cái” trong môi trường mới nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông đã trở thành một kép độc đầy đủ bản lĩnh nghệ thuật để làm nên tên tuổi của mình trong các vai diễn. Dù đã đi xa hơn 10 năm nay nhưng rất nhiều khán giả vẫn không quên những “khuôn mặt” để đời của ông trên Sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang như Tư Thẹo (trong vở Đêm phán xét), Quỷ Riếp (Nàng Xê  Đa), Đỗ Dự (Kiều Nguyệt Nga), Phạm Hạp (Thái hậu Dương Vân Nga), Kít (Hòn đảo thần Vệ Nữ), Duy (Chim Việt cành Nam), Đại úy Sắc (Tình yêu và lời đáp)… Nhắc đến tên ông, khán giả ái mộ không thể nào quên những tiếng cười, ánh mắt và nét mặt nham hiểm của nghệ sĩ tài năng chuyên trị vai ác. 

Là người con duy nhất nối nghiệp bố mẹ mình, cho đến tận bây giờ, dù không còn cả hai trên cõi đời này nữa nhưng diễn viên – đạo diễn Vũ Xuân Trang (thuộc Sân khấu Kịch Phú Nhuận) vẫn nhớ mãi và thật sự tự hào với từng vai diễn mà người cha đã để lại cho hậu thế. Theo anh kể, sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên truyền thống gia đình bên bà nội đã có ảnh hưởng rất lớn đối với năng khiếu và lòng đam mê nghệ thuật cải lương của “ông già”  nên có thể nói cuộc đời của bố mẹ không thể sống thiếu nghệ thuật. 

Cố NSƯT Vũ Minh Châu trong một vai diễn

“Khi vào Sài Gòn lập nghiệp bố tôi đã phải rèn luyện để ca được giọng miền Nam. Đến nỗi một thời gian dài ông đã bị vài người bạn mắng là đồ mất gốc. Về sau, khi thấy bố tôi có những thành công nhất định thì họ mới hiểu và chấp nhận”. Đây cũng là thử thách đầu tiên của người nghệ sĩ vượt qua bằng chính ý chí và nghị lực bản thân mình.

Giai thoại trong giới nghệ sĩ còn để lại, chỉ vì một lời chê giọng ca “nửa Nam nửa Bắc” lơ lớ mà NSƯT Minh Châu tính giải nghệ nhưng được sự động viên của thế hệ đàn anh và đặc biệt là tinh thần học hỏi không ngừng mà ông đã gắn bó với nghề đến hơi thở cuối cùng. Khi được hỏi về những kỷ niệm đối với người đã khuất, diễn viên Xuân Trang thật sự xúc động: “Trong thời gian đi học trường sân khấu, có lần tôi tập một tiểu phẩm mà mình cần phải cười thành tiếng khi đóng vai phản diện, đạo diễn bảo vui với tôi là em phải cười ấn tượng như ông vua quỷ trong vở Nàng Xê Đa đó. Về nhà bố tôi dạy, khi con nắm vững tâm lý nhân vật thì tiếng cười tự động phát ra. Về sau, khi đã trải nghiệm nhiều trên sàn diễn tôi mới thực sự hiểu được cái sâu sắc về bài học mà ba đã dạy, và tôi luôn áp dụng nó trong mọi vai diễn. Không chỉ dành riêng để thể hiện cười hay khóc mà nó còn rất nhiều cái để tôi có thể khai thác”. Với anh, vở Nàng Xê Đa cũng để lại nhiều kỷ niệm khó phai mờ vì có mẹ và bố đều thủ vai xuất sắc nàng Rala và Quỷ Riếp.

Báu vật để lại cho đời

Đạo đức nghề nghiệp và lòng đam mê chính là những bài học quý báu mà những người cha, người ông để lại thắp sáng hơn lòng yêu nghệ thuật của anh: “Từ nhỏ tôi đã được đi theo ba mẹ và tiếp xúc với sân khấu. Khi lớn lên mỗi lần xem cải lương hay kịch tôi đều cảm thấy người nôn nao và muốn được làm diễn viên. Chính vì vậy tôi đã xin ba cho thi vào Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và ba đã đồng ý ngay. Bài học mà ba mẹ luôn dạy tôi và vợ tôi – diễn viên Hoàng Thy đó chính là đạo đức diễn viên dù trong hoàn cảnh nào cũng phải có được chữ tâm.

Khi được hỏi những kỷ vật nào của người cha mà đến nay gia đình vẫn còn lưu giữ được thì anh trả lời: “Kỷ vật mà ba mẹ để lại cho tôi nó không phải là chiếc gương, cây lược hay những cây chì, cây cọ, hộp phấn trong dụng cụ trang điểm mà đó chính là tấm gương phấn đấu trong suốt quãng đời làm nghệ thuật của ba mẹ”. Đối với diễn viên Xuân Trang, cái được cái mất trong cuộc đời nghệ sĩ mông lung lắm. Đôi khi người nghệ sĩ phải hy sinh rất nhiều, từ sàn diễn đến cuộc sống ngoài đời. Nhưng hy sinh để được sống với nghề, để mang đến cho khán giả những cái hay cái đẹp thì đó là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Là người con, anh cũng thấy gia đình và ba mẹ dù bận rộn nhưng luôn thật sự hạnh phúc và yêu thương nhau kể cả trong những lúc khó khăn nhất. Tuy đóng vai ác nhưng ngoài đời ông là con người hiền lành, điềm đạm được đồng nghiệp nể phục khác xa với diện mạo đáng ghét của các nhân vật trên sàn diễn. Có lẽ chính vì thế mà những người con của đôi vợ chồng NSƯT Minh Châu luôn tự hào vì được làm con của ba mẹ, được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật: “Tôi đã và đang làm tốt nghề nghiệp của mình nói riêng và của gia đình nói chung, tôi sẽ không ngừng phấn đấu để những gì của ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”.

Quang Phan

Với những vai kép độc xuất sắc trong các vở diễn nổi tiếng, cùng với sự đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương, cố NSƯT Minh Châu vinh dự được Bộ VHTT trao giải Diễn viên xuất sắc (năm 1990) và phong tặng danh hiệu NSƯT (1993). Vào những ngày cuối tháng 12-2004, giới nghệ sĩ thật sự bàng hoàng và thương tiếc khi nghe tin ông mất đột ngột ở tuổi 55 mà tài năng đang ở độ chín và nhiều dự định đành bỏ dở trong đó có chương trình Những cánh chim không mỏi (Minh Châu – Một kép độc tài hoa). Trong ánh hào quang của nghệ thuật cải lương ông vẫn còn sống mãi với đời qua từng vai diễn ấn tượng bằng niềm đam mê và sức sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa. 

 

Bình luận (0)