Phương Dung trong một vở kịch |
Xinh đẹp, thông minh, phúc hậu ở ngoài đời nhưng khi bước lên sân khấu hoặc trước máy quay phim, nghệ sĩ Phương Dung (tên thật là Lê Thị Phương Dung) lại hóa thân vào những “kiếp người” gian ác, độc địa không thể ngờ. Chính sở trường này đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm cho các vai diễn của người phụ nữ đã bước qua tuổi 50.
Làm như duyên số đã buộc chặt lấy cuộc đời chị, từ khi đầu quân vào Đoàn kịch nói Kim Cương, Phương Dung đã bị “bắt cóc” đóng vai ác và con đường đi theo các nhân vật phản diện bắt đầu từ đó cũng rộng mở.
Bén duyên vai “Tào Thị”
Thế nhưng, do vừa học vừa làm lại mỏng về kinh nghiệm nên “sức nóng” của các vai diễn thời thanh xuân vẫn chưa đủ lan tỏa ra khỏi không gian nhỏ hẹp của những sân khấu thời ăn đong. Tuy nhiên đến khi bộ phim video Phạm Công Cúc Hoa trở thành cơn sốt từ thành phố đến vùng nông thôn thì cô sinh viên Trường Nghệ thuật sân khấu 2 mới được mọi người ngó đến. Nhớ lại thời hoàng kim, Phương Dung tâm sự: “Nhờ bạn diễn Công Hậu giới thiệu với đạo diễn Bạch Đằng, lần đó Dung được “lấp chỗ trống” để vào vai Tào Thị. Thật bất ngờ, sau khi phim được phát hành, rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp khen ngợi và bắt đầu được nhiều khán giả biết đến”. Với chị đó cũng là một kỷ niệm đẹp vì không ngờ vai diễn lại ăn sâu vào lòng người xem đến như vậy. Nhưng kỷ niệm nhiều nhất vẫn là những ngày chị theo Đoàn kịch nói Kim Cương đi lưu diễn mà ấn tượng nhất là vai cô Ba Hội đồng trong kịch bản Lá sầu riêng. “Có lần diễn ở miền Trung cảnh Diệu do cô Kim Cương bưng ly nước ra mời khách đã khựng lại khi bắt gặp thầy giáo Hoàng vốn người yêu của Diệu, thế là hai người “chết đứng”. Lúc đó, trong vai cô Ba Hội đồng là em chồng của Diệu tôi đã nhìn thấy được nên chì chiết và cố tình hất tách nước trà nóng vào người của Diệu. Không chấp nhận được cái ác đó, nên một vài khán giả đã la ó phản đối và ném mấy cục đá lên sân khấu. Trước tình cảnh này đoàn đã phải kéo màn để trấn an mọi người. Rất may là sau đó khán giả ổn định lại, đoàn tiếp tục ra diễn”. Phương Dung tâm sự thêm, thật sự mà nói lúc đó diễn viên diễn mà mắt cứ đảo chung quanh để có gì né kịp những cục đá. Một lần khác vừa ghé vào quán hủ tiếu chay để ăn sáng trong chợ An Đông thì chị chủ quán phát hiện ra được “con mụ Tào Thị” nên đã hét toáng lên: “Bà ác quá ăn chay làm gì, tui không bán cho bà đâu. Hồi đó đi đến đâu mà bị con nít phát hiện được là chúng cầm cây rượt theo để “đánh chết con mẹ Tào Thị”. Cảm giác của chị lúc đó rất khó tả, vui buồn lẫn lộn có ai ở trong nghề mới thấu hiểu hết.
Thật ra, khi mới chân ướt chân ráo vào trường nghệ thuật, thầy cô đã phát hiện ra thế mạnh của chị khi đóng “vai ác” nên đạo diễn nào cũng an tâm không còn phải lăn tăn điều gì. Thế nhưng vai phản diện chỉ có một khuôn mẫu thì Phương Dung buồn lắm, nên chị phải đầu tư khi đọc kịch bản để tìm thêm những cái ác sáng tạo, những điều ác độc quyền cho mình. “Tâm địa độc ác không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua cử chỉ, điệu bộ ánh mắt và quan trọng hơn là các sắc thái ác đó phải phù hợp với từng nhân vật và từng cảnh diễn” – Phương Dung chia sẻ.
Nhiều số phận trong một cuộc đời
Phương Dung trong một vai diễn phim truyền hình (ảnh do nhân vật cũng cấp) |
Cũng không ít kẻ độc miệng cho rằng chị diễn ác quá nên ế chồng theo “luật nhân quả” nhưng chị chỉ cười vì giữa cuộc đời và nghệ thuật luôn có ranh giới rõ ràng chứ không thể là bản sao của nhau được. Và hiện nay chị cảm thấy mình rất hạnh phúc với một gia đình có đầy đủ nhiều thế hệ trong nhà luôn biết giữ lửa yêu thương.
Theo chị so với sân khấu, phim có lối đi riêng trong diễn xuất do sự tương tác khác nhau với khán giả nhưng dù ở thể loại nào cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống hết mình cho nghệ thuật. Ngoài địa hạt phim ảnh, Phương Dung còn có đam mê lớn với các tiểu phẩm hài mà đình đám nhất là diễn chung với nhóm hài Trung Dân và Hữu Phước. Cứ tưởng đây là “cục xương khó nuốt” thế nhưng vai nào Phương Dung cũng diễn ngọt lịm mà phần thưởng danh giá nhất là “Giải thưởng truyền hình diễn viên hài xuất sắc năm 2009”. Chính khi đứng trên đỉnh cao đó, mọi người mới thấy chị là người nghệ sĩ lao động cần mẫn, xông xáo và kiên trì.
Năm 2010, Phương Dung lại vinh dự vào top 3 giải thưởng diễn viên chính trong phim Ở rể vai bà Huệ – người mẹ vợ ghê gớm, tham lam. Có thể nói đây là một bộ phim thật sự thành công được khán giả trong Nam ngoài Bắc đều “say như điếu đổ”. Những ngày đó hạnh phúc tràn ngập trong chị. Kỷ niệm đáng nhớ hơn cả là có lần quay một cảnh ở chùa Hóc Môn, lúc mọi người trong đoàn ngưng ăn cơm trưa thì tự nhiên có một bác lớn tuổi chạy ào vào vỗ ngay lưng chị một cái thật mạnh và nói: “Bà làm má vợ ác quá nhe” rồi quay lưng đi một nước làm mọi người thật sự ngỡ ngàng và phá lên cười vui vẻ. Bao nhiêu mệt nhọc trong ngày tan biến hết.
|
Nói như vậy, không có nghĩa Phương Dung luôn đóng lệch vai chỉ có đào độc mà thôi. Nếu ai đã từng coi bộ phim Bao la tình mẹ mới thấy hết phẩm chất đáng quý của người mẹ đơn thân có nhiều số phận đau khổ mà chị đã rứt hết gan ruột để nhập vai. Điều đó cũng không có gì khó hiểu khi Phương Dung là một phụ nữ nên không thiếu sự cam chịu, đức hy sinh và cả lòng vị tha. Hỉ nộ ái ố đều được chị đưa lên sàn diễn với rất nhiều khuôn mặt.
Đã đi hơn nửa cuộc đời với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nghệ sĩ Phương Dung có thể tự bằng lòng với những gì mình đã làm được và niềm hạnh phúc lớn nhất là chị đã được các tầng lớp khán giả biết đến và yêu quý. Có thêm kinh nghiệm lại được nhiều đạo diễn để ý tới nên Phương Dung tham công tiếc việc nhận rất nhiều sô diễn. Đây là những tháng ngày thăng hoa và hết lòng vì nghệ thuật của “Tào Thị” Phương Dung.
Quang Phan
Theo nghệ sĩ Phương Dung, trong mỗi bộ phim hay vở kịch thì phải có hai phe thiện ác, chính tà để tạo hấp dẫn cho tình huống nên vai nào cũng bổ sung cho nhau. Mình đóng vai ác mà người ta ghét thì coi như đã thành công. Tuy nhiên, nếu khán giả chỉ biết tên nhân vật mà quên tên người diễn thì cũng không nên mà sự thành công của người nghệ sĩ là khán giả luôn nhớ đến mình dù vào bất kỳ loại vai nào. |
Bình luận (0)