Bác sĩ Phan Hồng Hải tại phòng làm việc |
Bệnh viện phong Bến Sắn nằm trên địa bàn xã Bình Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cách TP.HCM cả trăm cây số. Thế nhưng trong thời gian gần đây những bệnh nhân trong Khu điều trị Bến Sắn thường bắt gặp một bác sĩ tóc đã điểm bạc hàng tuần chạy xe từ TP lên thăm và làm việc tại đây. Đó là bác sĩ Phan Hồng Hải – Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Tuy nhiên đối với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại bệnh viện phong thì hình ảnh bác sĩ Hải đã trở nên quen thuộc. Bất kể thời tiết nắng mưa, giao thông trắc trở, ông luôn có mặt trong khu điều trị từ 10 năm qua để theo dõi và chăm sóc các bệnh nhân ở đây.
“Một chốn đôi quê”
Khi thì ông cùng đoàn xe mang thuốc lên cho bệnh viện, lúc ông “cắt phép” ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM để lên đây dự hội thảo khoa học và tổng kết cuối năm. Sự xuất hiện thường xuyên của ông trong bệnh viện khiến nhiều người nghĩ ông đã “cắm chốt” cho quá trình công tác và cống hiến của mình tại Bệnh viện phong Bến Sắn. Thực ra đây chỉ là công tác kiêm nhiệm mà ông phải đảm trách từ năm 2006 đến nay để trở thành người làm công tác quản lý “một chốn đôi quê”.
Kể về chuyện này, bác sĩ Hải tâm sự: “Âu cũng là duyên nợ của tôi đối với bệnh viện và đặc biệt là các bệnh nhân nơi đây. Vì đã gắn bó quá nhiều với mảnh đất này nên tôi không thể từ chối và rời xa được”. Cũng theo bác sĩ Hải, duyên nợ này có từ những năm ông mới ra trường khi về công tác tại hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang. Đó là vào năm 1979, khi được sự phân công của tổ chức ông làm thêm nhiệm vụ thăm khám cho người bị bệnh phong. Thời kỳ này trong con mắt của nhiều người, phong vẫn là căn bệnh nan y dễ bị lây nhiễm và người mắc bệnh này luôn bị phân biệt đối xử. Họ gọi bệnh phong bằng cái tên miệt thị như cùi, hủi rất đáng ghê tởm. Cũng do hoàn cảnh khó khăn của đất nước khi mới giải phóng, lúc bấy giờ các địa phương vẫn chưa quản lý được những bệnh nhân phong mà chế độ cũ để lại. Không thể để họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, ngành y tế đã chủ động trong việc quản lý và chăm sóc bệnh nhân phong theo hướng cộng đồng. Khó khăn rồi cũng qua dần. Trong những thành tích và cố gắng đó luôn có sự đóng góp của đội ngũ bác sĩ trẻ yêu nghề, tận tụy và giàu tâm huyết như bác sĩ Phan Hồng Hải. Cũng như các thầy thuốc khác đã nhiều năm gần gũi với con bệnh, bác sĩ Hải càng thương yêu và đồng cảm với họ hơn. Theo ông, lúc bấy giờ bệnh nhân phong là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Không những đau đớn về thể xác mà còn khổ sở về tinh thần, nhất là khi bị người thân bỏ rơi, gia đình ruồng bỏ. Chính vì thế nỗi mặc cảm luôn đè nặng và theo suốt cuộc đời bất hạnh của họ. Trong ký ức của bác sĩ Hải có không ít bệnh nhân suy sụp hẳn về tinh thần nên tự xa lánh mọi người, lúc nào cũng bi quan yếm thế. Nhiều người sống trong vô vọng muốn tìm đến cái chết để kết liễu đời mình. Thế nhưng chính nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là sự thăm hỏi, động viên trực tiếp của đội ngũ thầy thuốc trong khu điều trị mà họ đã từ từ đứng dậy bắt đầu làm lại cuộc đời của mình bằng tình thương yêu của những vòng tay nhân ái. Bác sĩ Hải nhớ lại: “Không ít người tìm cách trốn trại bỏ đi hoặc sống cô đơn lặng lẽ trong bệnh viện. Chính những lúc đó chúng tôi đã đến động viên an ủi kịp thời. Dù chỉ là một động tác bắt tay hay là cái vỗ vai, một lời thủ thỉ nhẹ nhàng của người khác họ cũng cảm thấy ấm lòng”.
Cũng theo bác sĩ Hải, tại Khu điều trị Bến Sắn, 135 bệnh nhân phong đã được điều trị dứt bệnh hẳn từ nhiều năm qua. Tuy nhiên những di chứng của bệnh tật thì chưa thể mất hết nên họ vẫn là những người chịu tàn tật trên cơ thể mình. Đó cũng là trách nhiệm của các bác sĩ nơi đây. Tuy không còn phải “đối phó” với vi rút Hansen (một loại vi rút gây ra bệnh phong), nhưng phải quan tâm chăm sóc về mặt sức khỏe và đặc biệt là sự động viên rất lớn về tinh thần. Ấy vậy mà không ít người thân của họ vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm, tìm cách né tránh, xa lánh họ, không một lần tới thăm nom chia sẻ.
Nhà ngoại giao y tế
Đối với các bệnh nhân, Bệnh viện Bến Sắn đã trở thành mái ấm suốt cuộc đời và xã Bình Khánh được coi như quê hương thứ hai của họ. Với họ, cán bộ, y bác sĩ nơi đây như là người mẹ, người chị tận tình, luôn cưu mang và quan tâm từng miếng ăn giấc ngủ. Những công dân của khu điều trị vẫn lưu giữ hình ảnh các bác sĩ trẻ tình nguyện về đây công tác, ai cũng có tấm lòng thương yêu rộng mở coi họ như người thân trong gia đình. Gắn bó với vùng đất Bến Sắn cả chục năm trời nhưng những người thầy thuốc – trong đó có bác sĩ Hải – không tiếc tuổi thanh xuân của mình, chỉ trăn trở mình sẽ làm được gì cho các bệnh nhân có số phận thiệt thòi. Có người dù đã chuyển công tác đi nơi khác nhưng nay vẫn hướng về bệnh viện, tìm mọi cách giúp đỡ bằng tấm lòng từ thiện. Đó còn là hình ảnh của các ma-sơ, linh mục đã đặt viên gạch đầu tiên cho bệnh viện vào năm 1959 và trong một thời gian dài cứu chữa được hàng nghìn người vượt qua bệnh tật, mặc cảm.
Năm 2006 sau khi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Giám đốc, bác sĩ Phan Hồng Hải lại dồn sức cống hiến nhiều hơn cho Bệnh viện phong Bến Sắn bằng những chương trình của Nhà nước và các hợp tác quốc tế. Nhờ làm tốt công tác đối ngoại mà hiện bệnh viện có hai đối tác giúp đỡ thường xuyên từ nhiều năm nay, đó là tổ chức OMF (Cộng hòa Pháp) và NLR (Hà Lan). Ngoài việc đóng góp về phương tiện, dụng cụ, phòng mổ, các tổ chức y tế thế giới còn hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Với cương vị là Giám đốc của Bệnh viện phong Bến Sắn, thạc sĩ Phan Hồng Hải còn được mời tham dự các hội nghị lớn ở Trung Quốc, Philippines, Hội nghị liên minh Na Uy… để có thêm cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè các nước.
Con cái của các bệnh nhân phong tuy đã được hòa nhập nhưng ranh giới phân biệt vẫn chưa bị xóa nhòa. Đó là những băn khoăn của các thầy thuốc nơi đây trong đó có lương y Phan Hồng Hải. Hiện nay, với cương vị là Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bác sĩ Hải vẫn ấp ủ nhiều dự định và luôn trăn trở với thực tế khó khăn hiện nay của cơ sở như: Bệnh nhân quá tải, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh của người dân. Một số máy móc hiện đại vẫn còn thiếu, nhất là Khoa Thẩm mỹ da, nếu có trang thiết bị hiện đại thì vẫn chưa có kỹ thuật viên điều hành nên hiệu suất sử dụng chưa cao, khách hàng cũng chưa nhiều.
Là thạc sĩ chuyên trách về y tế cộng đồng có nhiệm vụ quản lý các dự án quốc tế nên đồng nghiệp coi ông như một nhà ngoại giao trong lĩnh vực y tế. Năm 2009, bác sĩ Phan Hồng Hải đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc ưu tú” sau 30 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế của TP.HCM.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)