Sở hữu hàng trăm vật dụng có giá trị do chính mình tái chế từ rác nhưng ông Tống Văn Thơm (Chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập Q.5) có thể làm giàu nhưng chỉ để dành tặng sinh viên, người lao động nghèo.
Với chiếc ti vi trắng đen, ông Thơm đã chuyển thành ti vi màu |
Hơn 40 năm gắn đời mình với rác, tính từ ngày ông Thơm rời nhà máy Z756 và hết nửa quãng thời gian ấy ông “nghiện” tái chế vật dụng hữu ích từ chất thải nguy hại. Niềm vui của ông là được thấy sức sống của các món đồ tái chế và truyền lửa đam mê cho giới trẻ.
Rác hồi sinh
Ông Thơm nhớ lại ngày đầu đến với nghề: “Những năm 80, sau mỗi đêm, rác chất như núi ở vỉa hè, lòng đường Sài Gòn. Mình cần công việc mưu sinh. Người dân có nhu cầu dọn dẹp rác nên mỗi hộ góp trả thù lao 50 xu/ tháng. Từ đó, tôi bắt đầu công việc và hình thành một trong những tổ rác dân lập đầu tiên ở thành phố này.”
Ông bắt đầu câu chuyện sau vài phút giới thiệu các sản phẩm do mình làm ra. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn sống với đêm, với mùi rác đã quyện vào người mà như ông bảo là mùi thương, mùi nhớ, mùi của day dứt, hạnh phúc khiến mình khó mà thoát ra.
Lúc bấy giờ, nghề rác không thể nuôi sống nổi bản thân chứ đừng nói đến chuyện nuôi ai. Thương cảm “ông Thơm rác” mà sau này trên những chuyến xe rác đêm, quãng đường đi về nắng mưa có người bạn đời đồng hành chia sẻ vui buồn cùng nhau.
Cái ăn, con chữ của con nhờ rác. Thế nhưng, chuyện học hành của hai cô con gái chưa đâu vào đâu thì vợ ông chính thức buông xe rác vì mất sức lao động, mọi thứ một mình ông cáng đáng. Xe rác đã nặng lại càng nặng hơn. Ông nói, mắt nhìn xa xăm: “Từ Bến Tre lên Sài Gòn, làm lụng tích cóp cũng kiếm được căn nhà nhỏ. Lần gia đình có biến cố là lần chuyển đến chỗ mới xa trung tâm hơn. Và căn phòng trọ ủ dột ở Q.12 là nơi ông và vợ con lui về sau một ngày tất bật mưu sinh”.
Sau hơn 40 năm theo nghề, ông luôn khá nhanh nhạy so với tuổi 67: “Cái được là góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không có khoản thu nào khác ngoài 4 triệu đồng/ 2 người. Bà ấy (vợ – PV) nghỉ thì chỉ còn mình tôi với 2 triệu đồng, ngoài ra chẳng có một khoản hỗ trợ nào, ngay cả phương tiện thu gom cũng tự mình trang bị. Làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được hưởng phụ cấp, chế độ BHYT, BHXH”.
“Vậy trang trải thế nào, có bao giờ ông có ý định chuyển công việc khác?” – tôi hỏi. “Ăn mắm muối rồi cũng qua ngày. Trước còn cải thiện thu nhập nhờ bán phế liệu nhưng nay giá rẻ quá nên thất thu. Nghề rác cũng ngộ, không phải ai cũng theo được. Trong nhà không ai nối nghiệp thì người ngoài chẳng mấy ai nhảy vào. Mình bỏ nghề thì ai thay?”, ông đáp.
Nghèo, song người hỏi mua những món đồ tái chế nhưng ông không bán mà chỉ dành tặng, nếu có cũng chỉ hình thức trao đổi nguyên vật liệu phục vụ cho lần sau. Cứ vài tuần, ông đèo mớ đồ lỉnh kỉnh đến gõ cửa các phòng trọ người lao động nghèo, sinh viên để tặng. Nào là đèn học, kệ sách, đồng hồ, mô hình, dụng cụ học tập ở các bậc học, ti vi, quạt… Ông sẵn sàng cho đi những món đồ mà người khác cần, dù đó là những món đồ đã thành tri kỷ với ông.
Rời chiếc xe rác là tay chân ông lại bận rộn với các món đồ. Đầu óc luôn suy nghĩ, định hình cho sản phẩm, tính toán món này gắn với món kia thế nào để sử dụng tốt hơn mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Nhìn những vật dụng ấy ít ai biết đó là những món đồ được tái chế từ rác thải, càng ngạc nhiên hơn khi biết tác giả của nó lại là người trình độ văn hóa lớp 3.
Tái chế vì môi trường
“Lượng rác thải ra mỗi ngày một tăng, trong khi đó công nghệ chôn lấp, đốt của Việt Nam còn lạc hậu. Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả nhất là tái sinh rác. Mọi thứ đều có sức sống và giá trị riêng của nó. Tôi mong rằng với hình ảnh người thật, sản phẩm thật của tôi, ít nhiều sẽ thay đổi tư duy và nhận thức của người dân trong ứng xử với môi trường, đặc biệt là các cháu còn ngồi trên ghế nhà trường”, ông Thơm hy vọng.
Ông Thơm lại trăn trở, sống với nghề hơn 40 năm nhưng tôi thấy ý thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn chưa chuyển biến là mấy, trong khi mỗi năm thành phố dành hàng chục tỷ đồng để tuyên truyền, vận động… cho hoạt động này. Tại các hộ dân thuộc P.1, Q.5 nơi tôi thu gom rác lâu nay, mặc dù tích cực vận động, hướng dẫn phân loại tại hộ gia đình nhưng cũng chỉ đạt ở một tỷ lệ khiêm tốn là xấp xỉ 30%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TP.HCM) thì đó là một con số ngoài mong đợi.
Ông Thơm với chiếc thuyền buồm được làm từ đũa và nan tre đã qua sử dụng |
20 năm nay, ông Thơm là gương mặt quen thuộc của các hoạt động xã hội vì môi trường. Cũng ngần ấy năm, ông đã hướng dẫn biết bao học sinh, sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học, môi trường tìm hiểu, nghiên cứu tái chế và phân loại rác. Ngoài ra, nhiều giáo viên, giảng viên cũng đã tìm đến ông học tập kinh nghiệm, khám phá vật liệu, tính năng của từng loại chất thải để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy…
Trong số đó có những bạn trẻ thành công trong kinh doanh các mặt hàng handmade từ các mẫu mã, sản phẩm tái chế do ông cung cấp. “Các cháu có đam mê thì mình sẵn sàng chia sẻ, góp một phần rất nhỏ trong khởi nghiệp. Tuy nhiên xã hội phát triển, có quá nhiều thứ hấp dẫn, mê hoặc hơn là mày mò sáng chế những vật dụng phế thải”, ông Thơm tiếc nuối.
Mỗi ngày từ Q.12, người đi đường luôn bắt gặp dáng người ông nhỏ thó trên chiếc xe máy có gắn bình cứu hỏa và thùng thuốc y tế với đầy đủ bông băng y tế, thuốc cầm máu… Ông giải thích: Một lần không may tôi bị xe ép rác ép dập nát ngón tay, một mình tự xoay xở băng bó vết thương, tôi nghĩ hàng ngày trên đường có biết bao người bị tai nạn cần được sơ cứu trước khi đến bệnh viện. Điều thú vị là thùng thuốc y tế và bình cứu hỏa này cũng là đồ tái chế.
Ông Thơm chia sẻ: Con lớn tôi đi làm công nhân. Đứa nhỏ đã tốt nghiệp ĐH và đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Ngước lên thì không bằng ai nhưng ngó xuống thì cũng tạm. Con cái bảo nghỉ ngơi nhưng thấy mình còn đủ sức cứ làm. Tôi bám nghề vì một lẽ nữa là góp công sức trong bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nguy hại, giảm gánh nặng xử lý rác thải. Hơn nữa, trách nhiệm với anh em nghiệp đoàn từng sống chết với mình, giờ dứt áo không đành. |
“Có ngày gặp 4-5 vụ tai nạn, tôi từng học qua khóa sơ cấp cứu nên làm cũng thành thục. Có những ca do chính tôi đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nếu không được sơ cứu thì khả năng sống rất thấp, bác sĩ bảo tôi như thế”, ông nói trong hạnh phúc.
Với những gì đã tình nguyện đóng góp cho xã hội, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức, đơn vị nhưng điều mong mỏi lớn nhất của ông là: “Thành phố quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội của đội ngũ rác dân lập và có giải pháp về đầu ra của sản phẩm tái chế. Tôi tin rằng nó có thể thương mại hóa một cách dễ dàng”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)