Câu chuyện nhà ông Sáu Tòng 40 năm đời nối đời thờ cúng Bác Hồ như thờ cúng ông bà được bà con ấp 12, xã Vĩnh Viễn trân trọng. Năm nào đến ngày Bác mất, người dân lại tìm đến nhà ông thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ…
Người con trai út của ông Sáu Tòng bên bàn thờ Bác Hồ.
Ngày Bác mất, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang còn chìm trong khói lửa chiến tranh; đây là căn cứ kháng chiến thường xuyên bị giặc bắn phá, khủng bố. Giữa mưa bom bão đạn đó, nhiều gia đình vẫn lập bàn thờ Bác, trong đó có gia đình ông Sáu Tòng. Tủ thờ đặt ảnh Bác ngày đó còn găm lại nhiền mảnh bom của giặc.
Giỗ đầu của Bác vào ngày 3/9/1970, ông Phan Văn Tòng (Sáu Tòng) làm mâm cơm đạm bạc như chính cuộc sống đạm bạc thường ngày của Bác Hồ với đĩa trái cây, đòn bánh tét, đĩa bánh ít, những đặc sản mang hương vị của miền Nam dâng lên Bác.
Ngày Bác ra đi ông sáu Tòng mới ngoài 30 tuổi. Ông nói với bà con: “Thế là ước mong đón Bác vào miền Nam không còn nữa, thương Bác quá chừng, Bác chưa vô được miền Nam nhưng đồng bào miền Nam ai cũng như thấy có Bác Hồ bên cạnh”. Ông Sáu rước ảnh Bác về lập bàn thờ trong căn nhà lá bé nhỏ với tình cảm trân trọng để cảm nhận mình luôn luôn được ở gần Bác.
Gia đình ông là cơ sở nuôi chứa cán bộ hoạt động trong lòng địch. Nhà nghèo, đông con nhưng ông từng dành hàng trăm dạ lúa, cả con trâu hiến nuôi bộ đội giải phóng. Ông có 10 người con thì có tới 5 người (cả con đẻ và con rể) là thương binh, liệt sĩ.
Kể từ mùa thu năm 1969 khi Bác qua đời tới nay đã tròn 40 năm, trong nhà ông sáu Tòng không lúc nào ngơi hương khói thờ phụng Người. Năm 1998 ông Sáu Tòng qua đời. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, ông gọi con trai út là Phan Văn Nam đến cạnh căn dặn con cháu nhớ nối đời nhau thờ cúng Bác như thờ cúng ông bà, cha mẹ.
Làm theo di nguyện của cha, mấy năm qua, trong căn nhà tình nghĩa xã xây tặng ông Sáu Tòng, đêm đêm ngọn đèn thờ vẫn đỏ và nghi nghi ngút khói hương. Căn nhà giờ đây đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng nơi thờ phụng Bác đặt cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ vẫn trang nghiêm ấm cúng. Tủ thờ Bác năm xưa dính nhiều mảnh bom đã được viện bảo tàng Cần Thơ đưa về lưu giữ, thay vào đó là chiếc tủ thờ mới đẹp đẽ hơn.
Từ ngày quê hương được giải phóng, đời sống nhân dân xã Vĩnh Viễn ngày càng no ấm, gia đình ông Sáu Tòng cũng khá hơn. Sau ngày ông mất, con trai út làm được căn nhà khang trang. Căn nhà tình nghĩa năm xưa như là một kỉ niệm của gia đình làm nơi thờ cúng Bác Hồ, ông bà, cha mẹ.
Câu chuyện nhà ông Sáu Tòng 40 năm đời nối đời thờ cúng Bác Hồ như thờ cúng ông bà được bà con trong huyện, trong tỉnh và nhiều nơi coi là một việc làm có nhiều ý nghĩa sâu nặng về lòng kính yêu Bác. Nhiều người đã đến thăm, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại nhà ông Sáu. Năm 1990 UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) tặng ông Sáu Tòng một chiếc máy thu hình để mỗi lần dân làng hội tụ về đây cúng giỗ Bác Hồ cùng được xem thời sự, xem lại hình ảnh Bác.
Năm nay giỗ Bác lần thứ 40,anh Nam, con trai út của ông Sáu Tòng mong muốn tổ chức chu đáo, trạng trọng hơn để mời bà con, lối xóm tới thắp hương tưởng nhớ Bác. Anh cũng đang có ý định một, hai mùa lúa nữa tích góp được tiền sẽ sữa lại căn nhà tình nghĩa đang làm nơi thờ Bác đẹp hơn, khang trang hơn.
Phạm Tâm (dantri)
Bình luận (0)