Họa sĩ Tạ Diệu Tâm (người thứ 2 từ phải sang) tại Đại hội Mỹ thuật toàn quốc năm 2005
|
Đó là gia đình họa sĩ Tạ Thúc Bình (1919-1998). 23 thành viên trong gia đình 3 thế hệ là họa sĩ, trong đó có 15 người công tác trong ngành giáo dục.
Bác sĩ Tạ Diệu Yên, con gái của họa sĩ Tạ Thúc Bình cho biết: “Trong số 7 người con, có 3 người chị gái và em trai vẽ đẹp, được bố tôi dạy và hướng dẫn cho đi theo nghề hội họa. Tôi mang gen mẹ, vẽ không đẹp, được ông khuyên nên chọn nghề bác sĩ cho phù hợp với khả năng của mình”.
Từ cái duyên của tranh dân gian Đông Hồ
Xuất thân trong một gia đình đông con, bố là nhà Nho nhưng chỉ có Tạ Thúc Bình theo ngành mỹ thuật. Những năm gia đình chuyển từ Bắc Giang về Hà Nội, họa sĩ Tạ Thúc Bình là một trong số ít họa sĩ tham gia vẽ áp phích, tranh cổ động cho phong trào Việt Minh cứu quốc, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Con gái, họa sĩ Tạ Diệu Tâm kể: Những năm ấy, bố làm ở Ty Thông tin tuyên truyền khu XII. Nhận thấy cái đẹp, cái duyên trong tranh dân gian Đông Hồ, ông đã lặn lội về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần đi tham gia kháng chiến. Ông thành lập phòng hội họa, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp các nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó – một sản phẩm dễ làm, có thể tự túc nguyên liệu – rất thích hợp với hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên và bất ngờ lý thú giữa hai dòng nghệ thuật: Dân tộc truyền thống và Âu châu tân cổ điển, giữa những họa sĩ mới và những nghệ nhân cổ truyền.
Ký họa màu nước
|
Họa sĩ Tạ Thúc Bình là một trong những người tham gia thành lập lại Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cùng với các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Trần Đình Cẩn, Nguyễn Đức Nùng… Ở đó, ông dành thời gian soạn chương trình mỹ thuật dân gian để giảng dạy cho đến nay bên cạnh các khoa truyền thống.
Bác sĩ Tạ Diệu Yên cho biết thêm, được Nhà nước cấp cho một căn nhà khá rộng ở phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội nhưng “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, nhường cơm sẻ áo cho cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình chuyển về ở tại một căn phòng rộng chừng 30m2 trong khu tập thể của Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam. Nhờ tháng ngày sống trong môi trường hội họa ở khu tập thể, cộng với năng khiếu sẵn có mà các con của họa sĩ sớm thành danh của làng hội họa Việt Nam.
Phong cảnh (lụa)
|
Họa sĩ Tạ Diệu Tâm chia sẻ, bố luôn dạy các con cũng như học sinh của mình: “Để trở thành người họa sĩ giỏi thì phải vẽ ký họa càng nhiều càng tốt. Mới đầu vẽ chậm nhưng vẽ nhiều thì sẽ nhanh để bắt kịp những hình ảnh sống động nhất đang diễn ra hằng ngày quanh ta”.
Đến “ông trùm” vẽ tranh minh họa
Phong cảnh bột màu
|
Tranh họa sĩ Tạ Thúc Bình nhiều nhất vẫn là tranh phong cảnh làng quê Việt trên chất liệu lụa mỏng (tranh lụa). Rõ nét nhất là trong truyện tranh Bánh chưng bánh dầy, tranh nào cũng có nền là mái tranh, ruộng rau, đàn gà, giếng nước, bờ ao, hàng tre… Những bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình như Góp thóc vào kho, mô tả cảnh góp thuế nông nghiệp cho Chính phủ ở một vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Một bức khác do nhà sưu tập tranh ở Hà Nội lưu giữ là tranh sơn dầu Mùa lúa chín. Bức này ông vẽ năm 1952 khi trên đường từ chiến khu về thăm quê mẹ, trước cảnh đẹp của cánh đồng lúa chín và bức họa ra đời.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình còn được biết đến là họa sĩ vẽ minh họa nhiều tác phẩm lịch sử, truyện tranh thiếu nhi cho NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (1957). Những năm tháng chiến tranh chống phá hoại ở miền Bắc, ngoài giờ lên lớp, đêm chong đèn ông vẽ cho các truyện như Tấm Cám (1958); Bánh chưng bánh dầy (1960); Con cóc là cậu ông Trời (1968); Sự tích trầu cau (1978). Được biết, biểu tượng búp măng non với ngôi sao đỏ và hai chữ KĐ-logo của NXB Kim Đồng là do họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ. Ông Lê Nguyên Đại, người có hàng chục năm trong làng xuất bản sách Việt Nam, nói: Hầu hết truyện, sách của các tác giả như Tô Hoài, Thy Thy, Phạm Hổ… đều được họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ minh họa.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhưng thầy giáo, họa sĩ Tạ Thúc Bình vẫn thường xuyên đưa học sinh vào chiến trường khu IV để vẽ. Những bức chân dung, khoảnh khắc xông pha trận mạc được ông và học trò ghi lại bằng nét cọ. “Bố tôi thương yêu học sinh như con trong nhà, đặc biệt là học sinh miền Nam và người dân tộc. Tết nào nhà tôi cũng rộn ràng khi bố đưa các anh chị học sinh về ăn uống, đón giao thừa. Sau này, có hai học sinh trong số ấy là thành viên của gia đình”.
Hà Tuệ Hương (cháu ngoại) trước một bài vẽ sáng tác tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM
|
Các con của họa sĩ Tạ Thúc Bình ngoài việc thừa hưởng gen của bố, họ còn học được ở ông tính khiêm nhường, cần cù lao động, sáng tạo nghệ thuật và hết lòng vì thế hệ trẻ yêu hội họa. Hơn 20 năm trước, tại Sài Gòn, con gái Tạ Diệu Tâm là họa sĩ đầu tiên vẽ hình trên cà vạt ăn nên làm ra với thương hiệu: Cà vạt Tâm Hương. Tuy nhiên theo họa sĩ Diệu Tâm, cửa hàng phải đóng cửa vì bị làm nhái, sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến hình ảnh của gia đình, đặc biệt là hình ảnh bố.
Trần Trọng Tri
Đóng góp cho ngành mỹ thuật và giáo dục
Hàng chục năm qua, 3 thế hệ đã và đang miệt mài đóng góp cho ngành mỹ thuật và giáo dục nước nhà. Thế hệ thứ 2, các người con của họa sĩ Tạ Thúc Bình: Tạ Diệu Tâm, nguyên Trưởng khoa Mỹ thuật – ĐH Kiến trúc TP.HCM; Tạ Diệu Hương, nguyên giảng viên Khoa Mỹ thuật – ĐH Kiến trúc TP.HCM; Tạ Phương Thảo, nguyên giảng viên Trường Sư phạm Nhạc họa TƯ; Tạ Trọng Trí, họa sĩ NXB Giáo dục Việt Nam.
Thế hệ thứ 3: Phạm Huyền Trang, cháu ngoại, thiết kế trang phục, đạo cụ phục vụ cho các hãng phim; Hà Tuệ Hương, cháu ngoại, họa sĩ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Hà Phương Minh, cháu ngoại, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM; Nguyễn Long, cháu ngoại, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM; Nguyễn Đức Thịnh, cháu ngoại, họa sĩ tự do; Phạm Viết Minh Tri, cháu ngoại, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội; Phạm Viết Phương Hảo, cháu ngoại, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Ý; Tạ Quang Đức, cháu nội, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, họa sĩ thiết kế Công ty Language Link; Tạ Quang Linh, cháu nội, đang học Khoa Mỹ thuật, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội…
|
Bình luận (0)