Lịch sử khoa học chưa thấy lặp lại hai lần: một chùm sao sáng qui tụ trong một gia đình. Đó là gia đình Pierre và Marie Curie lãnh bốn giải Nobel.
Mặc dù người ta đã nói nhiều về hai nhà bác học này, nhưng vì các nhà sử học khoa học vừa cung cấp những tài liệu mới và nhân mùa tựu trường ở thành phố có một trường THPT lớn mang tên Marie Curie, tôi muốn thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của cả một dòng họ oanh liệt có một không hai trong lịch sử khoa học nước Pháp và cả thế giới, hi vọng mang lại một niềm vui cho toàn thể học sinh, sinh viên bước chân vào năm học mới.
Pierre Curie sinh ngày 15-5-1859 ở Paris và mất cũng ở Paris ngày 19-4-1906. Thân phụ ông là một thầy thuốc, ông nội ông là một vật lý gia.
Ông đậu cử nhân vật lý năm 1877 ở Viện Đại học Paris và làm trợ giảng phòng thí nghiệm. Năm 1880, ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phát minh hiện tượng “áp điện” (piézoélectricité): khi một thiên thể thạch anh SiO2 bị nén thì nó phát ra điện; đảo lại, khi ta áp một hiệu số điện thế lên hai điểm của một tinh thể thạch anh thì nó dao động; đó chính là nguyên tắc các đồng hồ quang ngày nay.
Năm 1883, ông được cử làm trợ giảng trưởng ở Trường Cao đẳng Vật lý và Hóa học công nghiệp Paris. Năm 1895, ông bảo vệ luận án tiến sĩ về tính chất từ học của một số chất ở những nhiệt độ khác nhau, đồng thời được phong giáo sư điện học và từ học ở Trường Cao đẳng Vật lý và Hóa học công nghiệp Paris.
Maria Sklodowska sinh ở Varsovie (Ba Lan) ngày 7-11-1867 và mất ở Sancellemoz (Pháp), ngày 4-7-1934. Khi bà chào đời thì đất nước Ba Lan bị chia cắt giữa ba cường quốc hồi đó là Phổ (bây giờ thuộc Đức), Nga và Áo. Bà là một học sinh trung học rất xuất sắc, tốt nghiệp năm 1883 với phần thưởng huy chương vàng.
Năm 1891, bà vượt biên tới Paris và được nhận vào học toán, lý, hóa ở Trường Đại học Khoa học. Năm 1893, bà đậu thủ khoa cử nhân vật lý và năm 1894, bà đậu thứ nhì cử nhân toán, và được nhận làm nghiên cứu sinh ở phòng thí nghiệm của Gabriel Lippmann (1845-1921), Nobel 1908.
Ở đó, năm 1894, bà gặp Pierre Curie và hai người kết hôn ở Sceause (ngoại ô Nam Paris) năm 1895.
Năm 1896, Marie Curie đậu thủ khoa thạc sĩ vật lý dành cho nữ giới (hồi đó nam giới và nữ giới thi thạc sĩ riêng) rồi hai vợ chồng cùng nghiên cứu hiện tượng phóng xạ mà Henri Becquerel (1852-1908), Nobel 1903, vừa phát minh năm 1896.
Năm 1898, hai người loan báo phát minh hai nguyên tố mới: ngày 18-7, nguyên tố Polonium (tên nước Ba Lan ở tiếng Pháp là Pologne) và ngày 26 tháng Chạp, nguyên tố Radium , cả hai chất đều phóng xạ.
Năm 1900, Marie Curie được phong giáo sư ở Trường Đại học Sư phạm nữ giới ở Sèvres (ngoại ô Tây Nam Paris) rồi năm 1903, bà bảo vệ luận án tiến sĩ về phóng xạ.
Năm 1903, Pierre và Marie Curie, cùng với Henri Becquerel, lãnh giải Nobel vật lý vì các cống hiến to lớn cho ngành vật lý hạt nhân trong thời kỳ “khai sơn phá thạch”. Năm 1904, Pierre Curie được phong giáo sư ở Viện Đại học Paris; năm 1905, ông được bầu vào Hàn lâm Viện Khoa học.
Năm 1906, sau khi Pierre Curie qua đời, Marie Curie được phong giáo sư ở Viện Đại học Paris để thay thế. Năm 1911, Marie Curie lãnh giải Nobel hóa học vì đã phát minh nguyên tố phóng xạ Radium.
Cũng năm 1911, Viện Radium được xây cất ở đường Ulm, quận V, Paris, để nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư bằng xạ trị. Marie Curie điều khiển phòng thí nghiệm lý hóa của viện.
Bà tham gia kháng chiến chống Đức xâm lăng trong Đệ nhất Thế chiến (1914-1918) bằng việc thiết lập những đơn vị phẫu thuật lưu động, những xe xạ trị (radiologie) và công tác huấn luyện chuyên viên về xạ trị ở Viện Radium.
Bà qua đời năm 1934 vì bị ung thư máu do nhiễm phóng xạ. Năm 1995, hài cốt của Pierre và Marie Curie được đưa vào Điện Panthéon.
Hai người được hai con gái: Irène Curie (1897-1956) và Eve Curie (1904…).
Irène làm phụ tá cho mẹ ở Viện Radium, theo mẹ ra mặt trận trong Đệ nhất Thế chiến, theo mẹ sang Hoa Kỳ năm 1921 và 1929 để quyên tiền mua được… 2 gram Radium dùng trong xạ trị!
Năm 1924, Paul Langevin (1872-1946), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vậy lý và Hóa học công nghiệp Paris, dẫn Frédéric Joliot (1900-1958), tốt nghiệp thủ khoa trường nêu trên, tới Viện Radium, giới thiệu với bà Marie Curie đang lẫy lừng danh tiếng. Frédéric Joliot được nhận làm phụ tá và nghiên cứu sinh. Ở đó, ông gặp Irène Curie cũng đang làm nghiên cứu sinh. Hai người kết hôn và được một con gái tên là Hélène Joliot. Năm 1930, cả hai bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của bà Marie Curie.
Năm 1934, Frédéric và Irène Joliot – Curie phóng tia Alpha (nhân Helium ) từ Polonium vào nhôm Al và biến đổi nó thành Phosphor () phóng xạ. Phóng xạ nhân tạo ra đời! Hai người lãnh giải Nobel hóa 1935. Trong Đệ nhị Thế chiến (1939-1945), Joliot tham gia “Đoàn quân trong bóng tối” (l’armée des ombres) chống phát xít Hitler.
Eve Curie kết hôn năm 1954 với Henry R.Labouisse (11-2-1904 đến 25-3-1987), Tổng giám đốc UNICEF (United Nations International Children Emergency Foundation), cơ quan của Liên Hiệp Quốc trông nom trẻ em gặp khó, từ 1965 tới 1979. Năm 1965, Labouisse nhận giải Nobel hòa bình với tư cách đó.
Frédéric Joliot và Irène Curie được một người con gái là Hélène Joliot, kết hôn với cháu nội Paul Langevin là Jean Langevin. Bà Hélène Langevin – Joliot, năm 1998, nhân kỷ niệm 100 năm phát minh Radium (1898), có tới TP.HCM với tư cách một nhà vật lý hạt nhân, ca tụng Bác Hồ chống thực dân cũng như bố mẹ bà chống phát xít Đức.
GS.TS. Nguyễn Chung Tú
Bình luận (0)