Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Một gia đình vượt khó cho hai con đi du học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những năm gần đây, các gia đình có kinh tế sẵn sàng cung cấp khoản chi phí từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng cho con em đi du học ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình rất bình thường thậm chí là khó khăn nhưng con em họ vẫn nắm trong tay những suất học bổng danh giá để học tập tại nước ngoài.
Hai anh em Hưng – Hằng ở quê nhà.
 

Cần cù + phương pháp học tập khoa học = thành công
Theo chân bác Phạm Văn Hoán, một cán bộ của Công ty Phát hành sách ngoại văn về nhà. Vợ bác là cán bộ của Bưu điện thành phố Hà Nội. Ngôi nhà đúng nghĩa là của gia đình công chức, gọn gàng và đơn giản nhưng có chút buồn, buồn vì cả hai con của bác đều đang đi du học ở nước ngoài.
Bác chia sẻ rằng với người con trai lớn, gia đình bác không hề có ý định cho con đi du học. Thấy con cũng thông minh và chăm chỉ nhưng điều kiện kinh tế gia đình thì không cho phép để bác có thể cho con đi học nước ngoài, cũng chỉ mong sao con học lấy tấm bằng đại học trong nước rồi ổn định công việc là tốt rồi. Con trai lớn Phạm Việt Hưng của bác ngay từ khi học THCS đã bộc lộ tố chất thông minh và thi vào lớp chuyên Toán Trường Hà Nội Amsterdam. Cấp 3 Hưng thi đỗ vào cả Trường Hà Nội Amsterdam, khối chuyên Lý Đại học Khoa học tự nhiên, khối chuyên Đại học Sư phạm, Hưng đã chọn môi trường học tập tại Đại học Khoa học tự nhiên.
Ý định ban đầu là để sau này thuận lợi cho việc học đại học trong nước. Bởi lẽ đã học cấp THPT tại khối chuyên của trường thì tất yếu sẽ có một suất thi lên bậc đại học một cách dễ dàng. Trong những năm đi học, anh bạn này không chỉ thể hiện mình học giỏi các môn tự nhiên mà còn rất có năng khiếu ở cả những môn xã hội bao gồm cả Anh văn. Tôi thật sự ấn tượng bởi tủ sách khổng lồ của Hưng khi được bác Hoán dẫn đi tham quan nơi các con bác học tập. Rất nhiều sách, toàn là sách Toán, Lý, Hóa thời còn đi học. Có cả sách Toán, Lý nhưng học bằng tiếng Anh. Tôi hỏi, bác Hoán cười trả lời: “Thì học sinh trường này với mấy trường chuyên hay đi thi các giải cấp nhà nước và quốc tế nên đương nhiên phải học thêm các môn bằng tiếng Anh”.
Một bước ngoặt lớn đã đến với Hưng vào năm cuối cấp 3, khi Trường Đại học Công nghệ Nanyang, một trong ba trường đại học công lập hàng đầu của Singapore sang tuyển sinh viên để trao học bổng học tập tại nước này. Hưng là người có năng khiếu học tiếng Anh, chính vì thế mà Hưng học tiếng Anh rất nhanh. Nhờ thành tích học tập xuất sắc ở cả các môn chuyên và môn tiếng Anh mà Hưng đã vượt qua các vòng sơ tuyển, thi Toán, Lý bằng ngoại ngữ và vòng phỏng vấn cuối cùng để có được học bổng toàn phần.
Học bổng là toàn phần nên Hưng không mất tiền học phí, không mất tiền ăn, mỗi tháng lại có thêm tiền tiêu vặt. Hưng kể khi chuẩn bị tốt nghiệp, có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đến các trường đại học hàng đầu để xin các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc. Và Hưng là một trong số những sinh viên đó. Hiện tại Hưng đang làm việc tại SingTel Mobile và anh chàng tiếp tục học thạc sỹ chứ chưa dừng con đường học tập ở đây. Được hỏi về kế hoạch lâu dài trong tương lai Hưng trả lời cứ tiếp tục vừa học, vừa làm, để có ít vốn sau đó sẽ về nước tính chuyện làm ăn. Đúng là trai tuổi hổ, có vẻ như anh bạn này đang đi ngày một xa hơn con đường mà gia đình vạch ra.
Ý chí của anh được truyền  sang cho em
Tấm gương anh trai dường như có một sức ảnh hưởng rất lớn với cô con gái út của gia đình bác Hoán. Ngay từ khi còn học cấp 2, Thu Hằng đã được tạo điều kiện học tiếng Anh và ý định đi du học được vạch ra trong đầu Hằng từ thời điểm đó. Hằng học tiếng Anh bất cứ lúc nào, Hằng nói: “Làm sao để được nói càng nhiều, giao tiếp bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt”. Có hôm anh trai gọi điện về nhà, hai anh em nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ. Mà điều đặc biệt, giúp vốn tiếng Anh của Hằng ngày một tiến bộ là họ nói bằng tiếng Anh. Khi thi lên cấp 3 Hằng đã đỗ cùng một lúc cả chuyên Anh Trường Hà Nội Amsterdam và Trường Chuyên ngữ, Đại học Quốc gia.
Quyết định học Trường Amsterdam là một áp lực và gánh nặng với Hằng. Bạn cho biết, bản thân mình đã nuôi ý định đi du học từ lâu nhưng khi học ở môi trường này thì quả là hoảng hốt. Vào đầu năm học có 35 học sinh/lớp. Đầu năm đã có 5, 6 bạn chưa học ngày nào mà đi du học luôn. Đến hết học kì một lớp chỉ còn 20 bạn. Trường phải dồn học sinh ở lớp Anh 2 vào lớp Anh 1, bây giờ không đi thì có lẽ đến cuối năm chẳng còn bạn mà học cùng. Cô bạn rất chịu khó tìm hiểu về các trường đại học nước ngoài, các hội thảo du học, các suất học bổng. Khác với anh trai, lần này Hằng có sự đầu tư kĩ càng hơn, bạn học thêm tiếng Anh không chỉ của các thầy, cô mà đã tham gia vài khóa luyện thi tại Language Link, khóa luyện thi bao gồm tất cả các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Mỗi khóa luyện thi lại tích thêm cho Hằng những kĩ năng, bí quyết làm bài thi.
Hết năm học lớp 10 Hằng đã vượt qua hơn 150 bạn học sinh để có được học bổng. Đi du học vào thời điểm của Hằng lúc ấy cũng không phải thuận lợi bởi khi đó Hằng phải học lại chương trình THPT rồi sau đó học dự bị đại học và mới thi lên đại học, sẽ chậm hơn bạn bè trang lứa một vài năm nhưng Hằng vẫn quyết tâm đi để thay đổi không khí, thay đổi nhận thức. Chỉ có một thuận lợi là bạn học ở đất nước mà anh trai mình đang sống và làm việc. Hằng sinh hoạt tại kí túc xá của trường. Vì là trường nữ sinh nên việc gặp anh trai cũng rất khó khăn. Mỗi tuần Hằng chỉ được gặp anh một lần vào cuối tuần, đi chơi, xem phim và ăn uống. Nhưng điều thuận lợi mà Hằng nhắm đến là thời gian học THPT tại Singapore tạo cho Hằng một vốn ngoại ngữ rất tốt. Và học tập tại đây sẽ trở thành bàn đạp cho mục tiêu học đại học tại một quốc gia châu Âu.

Hằng và tập thể lớp tại Singapore.
Với Hằng dù phong cách học tập có khác, môi trường học tập có tốt hơn, ngoài những kiến thức cần thiết học sinh được trang bị đầy đủ những kĩ năng mềm nhưng vẫn là kiểu học ở châu Á, vẫn áp lực học hành, thi cử, bài vở vẫn nhiều. Đặt cho mình mục tiêu ấy nên cô bạn vẫn luôn tìm kiếm những suất học bổng của các trường đại học châu Âu.
Du học bản thân nó là điều rất tốt, đang được khuyến khích. Nó thúc đẩy sự giao lưu về tri thức, văn hóa giữa các nước, giữa các khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, có cả những cơ hội và thách thức đặt ra. Có nhiều con đường để đi đến thành công, mỗi gia đình cần sáng suốt để định hướng và lựa chọn cho con em mình con đường phù hợp nhất
Theo CAND

Bình luận (0)