Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Một giáo viên chủ nhiệm… 2 lớp!

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Có một chuyện vui rằng trường mầm non xây từ lúc các cháu mới bắt đầu vào học nhưng đến lúc các cháu đi lấy chồng, trường cũng chưa xây xong”. Sốt ruột với tiến độ xây dựng trường lớp 2 tháng qua chưa thấy khởi động, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã mở đầu cuộc họp về tình hình triển khai năm học mới và công tác phổ cập giáo dục THPT vào chiều 9-9 bằng một câu chuyện hài hước đầy trăn trở. Bà Hà nhấn mạnh: “Qua nắm sơ bộ ở 11/24 quận, huyện, tôi được biết còn thiếu 235 giáo viên (GV). Tôi muốn nghe thực tế khó khăn ở các đơn vị…”.

HS tăng – hệ quả “thiếu” dây chuyền

Tăng dân số cơ học chóng mặt đã làm nhiều quận “đau đầu” trong sắp xếp chỗ học cho HS. Theo bà Lê Thị Tại, Trưởng phòng GD quận Gò Vấp, số học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 9 năm nay tăng 1.583 em nhưng quận không có để đưa vào sử dụng phòng học mới nào. Huyện Bình Chánh cũng gặp tình trạng tương tự, số HS tăng gấp 2 lần, dù đã dự đoán tình hình nhưng “không ngờ tăng quá”. Năm nào cũng khánh thành 3 – 4 trường mới nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu chỗ học với điểm “nóng” ở Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Các trường phải chấp nhận giải pháp “hy sinh” lớp học 2 buổi để chia ca cho các lớp sáng – chiều.

Như một ảnh hưởng dây chuyền, từ chuyện tăng HS, thiếu phòng học đã kéo thêm chuyện không có đủ GV đứng lớp. Ở Gò Vấp, chưa tính đến số HS tăng thì quận đã thiếu GV ở cả 3 cấp. Nếu “tính đúng, tính đủ” như một lớp mầm non có 45 HS phải có 3 cô giáo thì tình hình thiếu GV càng nan giải hơn. Do vậy, quận phải thỉnh giảng và tuyển bảo mẫu. Trường Tiểu học An Hội có quy mô khổng lồ với gần 100 lớp và sĩ số bình quân hơn 50 HS/lớp, có lớp quá tải đến 55 HS (gần gấp đôi so với chuẩn quy định) nên GV làm việc rất vất vả.

Huyện Bình Chánh cũng đang trong tình trạng thiếu GV ở các cấp học. Nếu ở bậc mầm non vào cuối năm nay, huyện sẽ có 63 GV lớp CĐ mầm non (liên kết với ĐH Sài Gòn) ra trường, giải quyết được tình trạng thiếu GV thì ở bậc tiểu học (cần 90 GV nhưng chỉ có 19 người nhận nhiệm sở) chưa biết tìm đâu ra, khi mà tình trạng thiếu GV đang trở thành “vấn đề chung”. Nhiều trường hiện giờ 1 GV chủ nhiệm… 2 lớp, GV phải dạy choàng gánh cho nhau, dạy 11 giờ 30 xong lại chuẩn bị dạy tiếp lúc 1 giờ, ban giám hiệu các trường cũng phải vào cuộc đứng lớp.

Tình trạng tăng HS, thiếu trường lớp, thiếu GV cũng được các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 8… báo cáo. Theo Sở GD-ĐT, số lượng phòng học mới đưa vào sử dụng năm học này là 566 phòng, thấp nhất so với 10 năm qua mỗi năm có trên 1.000 phòng học mới. Tiến độ xây dựng trường lớp chậm, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và hiện đại hóa nhà trường. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cảnh báo: “Nếu không đẩy nhanh tiến độ xây trường, TPHCM sẽ lâm vào tình trạng ca 3, ca 4; chất lượng giảm sút, công tác tuyển sinh vô cùng khó khăn”.

Không quy định các mức thu thuộc lĩnh vực dịch vụ

Đó là đề nghị của Sở GD-ĐT TPHCM. Hiện nay, TP quy định cụ thể nhiều mức thu, trong đó có những khoản thu có tính chất dịch vụ như tiền ăn, tiền phục vụ bán trú, tiền vệ sinh… Bà Trần Thị Trí, Trưởng phòng GD quận 2 than có những mức thu lạc hậu, như tiền bán trú 30.000 đồng/HS/tháng; vệ sinh phí: 3.000 đồng (ngoại thành), 5.000 đồng/HS/tháng (nội thành). Giá cả thị trường tăng ào ạt nhưng mức thu vẫn giữ nguyên từ nhiều năm qua dẫn đến thu nhập thấp, đời sống người thầy, đặc biệt là đội ngũ bảo mẫu vô cùng khó khăn. “Với mức lương 500.000 – 600.000 đồng/tháng, khó mà yên tâm chăm sóc tốt HS”, bà Trí nói. Trong báo cáo của ngành, Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến chế độ chính sách không phù hợp đã làm GV nghỉ việc, đồng thời đề xuất chế độ phụ trội thêm giờ cho GV trường khuyết tật, GV mầm non, tiểu học, GV trường chuyên, lớp chuyên.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã chỉ đạo các quận, huyện phải chủ động đeo bám, giải quyết chỗ học cho HS; thúc đẩy các dự án xây trường, quy hoạch mạng lưới trường lớp. “Lẽ ra số phòng học mỗi năm phải đầu tư nhiều hơn. Xây trường nhanh hay chậm, trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương”, bà Hà nhấn mạnh. Mỗi tháng một lần, UBND TP sẽ chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong xây trường, mời cả những đơn vị gây khó khăn trong thủ tục. Sở GD-ĐT, Sở Tài chính sớm nghiên cứu tăng tiền trợ cấp cho GV mầm non, tiểu học, bảo mẫu… như Sở GD-ĐT đề nghị, đặc biệt GV ở vùng sâu, vùng xa. Mức trợ cấp đề xuất là bao nhiêu để bù đắp công lao động, khi có nhiều người 6 giờ sáng đi làm mà 6 giờ tối chưa về đến nhà.

Tình trạng tăng HS, thiếu trường lớp, thiếu GV cũng được các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 8… báo cáo. Theo Sở GD-ĐT, số lượng phòng học mới đưa vào sử dụng năm học này là 566 phòng, thấp nhất so với 10 năm qua mỗi năm có trên 1.000 phòng học mới. Tiến độ xây dựng trường lớp chậm, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và hiện đại hóa nhà trường. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cảnh báo: “Nếu không đẩy nhanh tiến độ xây trường, TPHCM sẽ lâm vào tình trạng ca 3, ca 4; chất lượng giảm sút, công tác tuyển sinh vô cùng khó khăn”.

Ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục quận 3

Đề nghị thống nhất học phí bậc THCS

Tôi đề nghị mức học phí ở bậc THCS của trường công lập (15.000 đồng/HS/tháng) và công lập tự chủ tài chính (90.000 đồng/HS/tháng) nên thống nhất là 15.000 đồng/HS/tháng. Chúng ta chủ trương xét tuyển lớp 6 để thực hiện phổ cập giáo dục, do vậy việc áp dụng một mức học phí chung cho hai hệ mới công bằng nhất và tạo điều kiện cho con em người lao động nghèo không bỏ học.

 

Hồng Liên (SGGP)

Bình luận (0)