Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một góc nhìn về thực nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, nhiều người hay gắn thực học với thực nghiệp nhằm khẳng định một điều là có thực học thì mới thực nghiệp được, tức là có học hành nghiêm túc thì mới có đủ kiến thức mà làm nghề, hành nghề, từ đó mới có thể kiếm sống được… Nhưng nhìn tổng quát, thực nghiệp còn mang ý nghĩa rộng hơn thế nữa.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: Y.Hoa

1. Có thể đó đây, ta thấy có những người đang làm việc ở cơ quan nào đó, nghề nghiệp thường được hiểu là “cán bộ công chức” hoặc “viên chức” nhưng nghề thực sự của họ là gì, có khi không phải dễ trả lời. Có thể họ là nhân viên đánh máy, người tiếp dân, cán bộ đo đạc…, nhưng đấy đều khó gọi là một nghề thực sự. Thậm chí có người gắn bó lâu dài với một cơ quan nào đó nhưng không ai rõ họ có nghề gì, và đôi khi ai đó cắc cớ đặt ra tình huống là bỏ họ ra khỏi cơ quan thì không biết họ có thể làm được gì nữa…

Cái nếp cũ của một số cơ quan Nhà nước đã khiến một số người gần như không có nghề gì vẫn tồn tại được. Dù trên thực tế không phải họ không làm gì, mà chỉ là họ làm những công việc không thuộc nghề nào hoặc các công việc có khi không cần được đào tạo gì nhiều vẫn có thể làm được. Nói cách nào đó, điều này tạo ra sự thiệt thòi cho bản thân họ, cho cơ quan và cho xã hội, bởi chính sự ít cạnh tranh đã làm cho một số người trở nên “ì” hơn, thụ động hơn, ảnh hưởng đến sự năng động và phát triển của cơ quan và xã hội.

Nhưng ở những đơn vị khác, nhất là các doanh nghiệp, yêu cầu về nghề lại rõ hơn, nghề phải ra nghề và phải thực sự nghề, nếu không sẽ bị đào thải.

2. Từ điển tiếng Việt giải thích: Nghề: 1. Công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội (nghề dạy học, nghề nông…); 2. Giỏi, thành thạo (trong một việc làm nào đó). Như vậy, nghề có mấy yếu tố cấu thành: làm chuyên, làm lâu bền, thành thạo; muốn đạt được các yếu tố đó thì phải được đào tạo (được học), phải gắn bó lâu dài và phải nỗ lực rèn luyện để có những kỹ năng nhất định.

Khi đặt vấn đề thực học để thực nghiệp thì gần như nhiều người mặc định rằng người học phải chủ động học tập chăm chỉ, có chất lượng để có đủ kiến thức, kỹ năng ra nghề. Nhưng đó chỉ là một vế, vấn đề cơ sở đào tạo thế nào cũng hết sức quan trọng. Chẳng hạn, một số cơ sở giáo dục ĐH đào tạo ra cử nhân, kỹ sư, vậy là họ được dạy để trở thành “thầy” hay thành “thợ”? Nếu họ là “thầy” thì họ có thể làm “thợ” được không? Nếu học là “thợ” thì họ có thể vững vàng về mặt kiến thức như “thầy” không? Đặt ra câu hỏi này, bởi thực tế lâu nay vẫn tồn tại hiện tượng “thầy nhiều hơn thợ” hoặc “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, có người đã được đào tạo thành “thầy” nhưng vẫn phải “ép mình” đi làm “thợ” vì công việc cho người làm “thầy” ít quá. Thí dụ, một kỹ sư cơ khí có thể được nhận vào quản lý một dây chuyền, một bộ phận, nhưng vì không tìm được việc như vậy, đành phải trở thành một người thợ trong dây chuyền đó, phải trực tiếp đứng máy làm các công việc tiện, phay, bào, hàn, cắt… Nhưng nếu kỹ sư đó làm được việc thì là rất quý. Chỉ e là khi đứng theo dõi, chỉ huy thì được nhưng khi trực tiếp đứng máy thì lại lóng ngóng, vụng về. Bởi thực tế có không ít doanh nghiệp sau khi tuyển dụng được những người có trình độ cử nhân đã phải tổ chức đào tạo lại thì mới có thể thích nghi với công việc.

Không chỉ vậy, một số cơ sở dạy nghề hiện nay có phương pháp dạy lạc hậu, máy móc thiết bị cũ kỹ, trình độ giáo viên hạn chế…, thì những người học nghề dẫu mang tiếng là “thợ” nhưng cũng chưa thành thợ. Thực tế đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải tự cải tiến, đổi mới một cách quyết liệt mới mong có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

3. Về phía người học, dù học ở một cơ sở giáo dục chưa tốt thì vẫn phải chủ động học cho thật tốt để có thể có được nghề nghiệp tốt nhất. Bởi hơn ai hết, bản thân người học phải ý thức được rằng học là để cho mình; trường lớp có thể còn khiếm khuyết nhưng nhất định nó cũng cung cấp được những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, ý tưởng nào đó để bản thân người học có thể thành nghề. Có mấy vấn đề mà người học không thể bỏ qua nếu muốn trở thành người có thể làm được nghề đó.

Thứ nhất, phải xác định rõ mình có hợp với nghề này không. Tức là về điều kiện, năng lực, sở thích, bản thân thấy có thể đáp ứng được việc học nghề này không, việc làm nghề này không. Một người có sức khỏe kém hẳn khó học ngành cơ khí; một người có khiếm khuyết về dáng đi, giọng nói thì học ngành sư phạm và làm giáo viên sẽ rất khó khăn; một người thiên về các môn khoa học xã hội mà bị buộc học kỹ thuật thì không những không hiệu quả mà còn là một cực hình… Nếu sớm thấy không hợp thì nên thay đổi, tìm học và làm nghề khác. Thứ hai, đã xác định học thì phải học nghiêm túc. Cả lý thuyết, thực hành, kỹ năng hay gợi mở những hướng phát triển mới nghề nghiệp cần được quan tâm đầy đủ. Nên tâm lý học cho hết môn, qua kỳ thi, xong khóa… là rất tai hại, bởi khi đó chỉ chú ý đến tấm bằng mà không chú trọng kiến thức, tay nghề và khả năng không đáp ứng được công việc thực tế là rất lớn. Thứ ba, chú trọng khả năng phát triển từ nghề nghiệp này. Đó là có thể từ công việc này chuyển sang công việc khác trong cùng nghề nghiệp đó, hoặc từ nghề nghiệp này chuyển sang nghề nghiệp khác có liên quan, trên tinh thần là có vị trí cao hơn, có thu nhập tốt hơn, có khả năng thăng tiến lớn hơn. Muốn vậy, bản thân phải học không ngừng, học trường lớp, tự học, học trong ngay công việc…

Thực nghiệp mang ý nghĩa xã hội rõ nét

Trong một cộng đồng, mọi người đều thực nghiệp thì năng suất lao động tăng lên, chất lượng sống được cải thiện, tạo ra nền tảng lớn lao để thúc đẩy xã hội phát triển, không chỉ ở thế hệ hiện tại mà còn thế hệ tương lai. Và dĩ nhiên, không thể tách rời thực nghiệp ra khỏi thực học, cũng như không thể thực học mà không để thực nghiệp, vì hai phạm trù này có quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Một nền giáo dục tiến bộ gần như chỉ có thể dựa trên yếu tố thực học và thực nghiệp!

Rõ ràng, không ai sống giùm mình nên cũng không ai học giùm mình; sự tích lũy kiến thức là một quá trình mà mỗi người phải nỗ lực từng chút một, nếu muốn tồn tại và phát triển.

4. Làm một nghề nào đó, hẳn nhiên là để kiếm sống, nhưng không thể không đặt ra vấn đề thể hiện năng lực cá nhân và đóng góp cho xã hội. Trong tháp nhu cầu Maslow do nhà tâm lý học người Anh Abraham Maslow đưa ra năm 1943, từ tầng thứ ba (nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging), tức là muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy) trở đi đã bắt đầu thoát ra khỏi nhu cầu thể lý bình thường rồi. Trên thực tế, người ta chỉ tin cậy ai đó khi người này phải thể hiện được mình, trong sinh hoạt, trong công việc, trong cuộc sống…, thông qua các hoạt động cụ thể, tức là phải có một vai trò gì đó. Nếu bản thân không giữ được vị trí nào đáng kể thì sẽ chẳng được ai tin cậy. Mà một đòi hỏi lớn lao là người đó phải có đóng góp, tức là phải làm được việc.

Không chỉ vậy, chúng ta còn có nhu cầu được quý trọng (tức là cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, tin tưởng), nhu cầu tự thể hiện bản thân (muốn sáng tạo, thể hiện khả năng…). Chắc chắn chúng ta sẽ không có được điều này nếu chúng ta không nỗ lực khẳng định mình, đặc biệt là qua công việc.

Như vậy, thực nghiệp xét cho cùng là nhu cầu của bản thân mỗi người, vì từ đó, người ta có thể làm được một (hoặc một số) công việc nào đó, có thể kiếm sống tự nuôi bản thân và người thân, từ đó được tín nhiệm, được yêu quý, được đề cao… Gần như không ai có được những điều đó mà chỉ qua lời nói suông chứ không phải hành động cụ thể; hoặc nếu nhờ vào sự khéo tự giới thiệu bản thân hay dựa vào gia thế mà không xuất phát từ năng lực thực tế thì dẫu có được sự tôn trọng cũng không bền vững.

Trịnh Minh Giang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)