Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một góc nhìn về việc dạy thêm, học thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo TP.HCM vừa yêu cầu ngành giáo dục phải chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm theo hướng chấm dứt việc dạy thêm, học thêm tại các trường từ năm học 2016-2017.

Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng dạy thêm, học thêm không phải lúc nào cũng tiêu cực (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Yêu cầu này nhằm bảo đảm việc dạy và học trong nhà trường được bình đẳng, khách quan, công tâm, tránh việc làm trẻ phải mất quá nhiều thời gian cho việc học thêm, tránh việc giáo viên phải “bên trọng bên khinh” giữa việc dạy chính khóa và dạy thêm, tránh cho phụ huynh phải tốn kém và tâm lý bất an… Chúng ta hiểu sâu xa rằng, giáo viên không dạy thêm ở trường thì cũng không dạy thêm ở nhà hay ở một điểm nào khác. Mặt khác, chúng ta cũng hiểu rằng, phải chấm dứt tình trạng đặt nặng yếu tố lợi ích trong việc dạy thêm, bởi nếu dạy thêm cho học sinh yếu học khá hơn, học sinh khá trở nên giỏi hơn mà miễn phí, hợp lý thì không nhất thiết hạn chế. Cũng như học thêm để một trẻ tiếp thu chậm có thể theo kịp bạn, một trẻ mau quên có thể nắm vững bài mà không lấy đi thời gian để trẻ vui chơi, giải trí, học kỹ năng sống… thì chắc cũng không nên cấm.

Người giáo viên thấy cần thiết cho trẻ có thêm cơ hội để trau dồi, để rèn luyện nhằm tiến bộ hơn mà không bắt ép hay nhồi nhét, cũng không gợi ý, đòi hỏi tiền công… thì khi đó trách nhiệm và lòng yêu nghề, yêu trẻ hẳn được nâng thêm một bậc. Điều này càng quý hơn!

Nhiều người thừa nhận rằng bản thân dạy thêm, học thêm không phải lúc nào cũng tiêu cực. Nhà giáo đi dạy thêm không chỉ để có thêm thu nhập mà còn rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của mình, trau dồi thêm kiến thức, nhất là khi dạy môn khác với môn đang dạy ở trường. Học sinh học thêm không chỉ cho theo kịp bài trên lớp (nhất là với học sinh không giỏi), học trước để dễ tiếp thu bài hơn mà còn để nắm vững kiến thức, rèn thêm kỹ năng làm bài. Không chỉ vậy, dạy thêm còn để tạo điều kiện cho các em học yếu tiến bộ, theo kịp bài vở, nhất là các lớp phụ đạo miễn phí; với học sinh, học thêm có khi còn là một hình thức học nhóm, nếu có phong phú hợp lý thường khá hiệu quả.

Tuy nhiên, dạy thêm cũng có nhiều mặt tiêu cực. Khi việc dạy thêm trở thành nguồn thu chính của một giáo viên thì việc quan tâm, đầu tư cho bài giảng trên lớp có thể không được bảo đảm. Điều này có một phần lý do từ việc Nhà nước chưa trả thù lao (lương và các khoản phụ cấp, bồi dưỡng) xứng đáng cho giáo viên nhưng cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm, nhiệt huyết, gắn bó của giáo viên đối với nghề nghiệp, với học sinh.

Đặc biệt, trong các trường hợp sau đây, có thể nói dạy thêm là tiêu cực. Đó là giáo viên dùng nhiều cách để gợi ý cho học sinh của lớp mình đang dạy trên lớp phải đi học thêm. Hiện tượng này không hiếm, dẫn đến phụ huynh dù không muốn cho con học thêm vì lý do kiến thức cũng bấm bụng chiều ý con để được lòng giáo viên. Đó là giáo viên gợi ý đề kiểm tra, cho những dạng bài tập mẫu trước mỗi lần kiểm tra đối với các học sinh đi học thêm. Điều này vốn cũng không phải cá biệt; trong nhiều trường hợp, giáo viên cho ôn nhiều lần loại câu hỏi, dạng bài tập nào đó thì học sinh học thêm mặc nhiên rằng dạng đó sẽ ra kiểm tra hoặc ra thi, tạo nên “ưu thế” với các em không đi học thêm. Có khi giáo viên “để bụng” việc một số học sinh không đi học thêm ở lớp mình dạy nên đánh giá khắt khe hơn, trái lại có phần ưu ái hơn đối với học sinh đi học thêm; điều này rõ ràng không phù hợp với tư cách của một nhà giáo.

Còn với việc học thêm, cũng có nhiều trường hợp không tích cực. Có một số phụ huynh không có thì giờ hoặc điều kiện chăm sóc việc học của con nên cho con đi học thêm, với ý vừa cho con rèn bài vở vừa giao cho giáo viên “trông” con mình trong một khoảng thời gian nào đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn không tốt về mặt tâm lý, tình cảm của trẻ. Một số phụ huynh khác cho con học thêm, thậm chí học nhiều môn, thực ra là rất quan tâm con, thương con, muốn con học giỏi hơn. Điều này ít nhiều làm giảm thói quen chủ động trong việc học, từ đó giảm khả năng tự lập của trẻ, đồng thời gây áp lực tâm lý cho trẻ, khiến trẻ phải học liên tục trong tâm thế căng thẳng, nặng nề mà ít có vốn sống thực tế.

Xét cho cùng, nếu học thêm, dạy thêm lấy quá nhiều thời gian và sức lực của trẻ thì với mục đích nào cũng không tốt. Việc học tập cũng có thể xem là một việc nạp “đầu vào”, phải chừng mực, hợp lý, hài hòa, phù hợp với thời điểm và lứa tuổi. Thí dụ, một trẻ đang học tiểu học, cần quan sát, giao tiếp, mở rộng thực tiễn xung quanh nhưng lại học thêm nào toán, nào chính tả, nào Anh văn… thì trở nên “bội thực” và sẽ phản tác dụng. Trẻ dù là thần đồng cũng không thể lĩnh hội ngần ấy loại kiến thức, trong khi có rất nhiều kiến thức cần thiết cho cuộc sống hơn thì lại không được học như học bơi, học gấp quần áo…

Trúc Giang

Đừng để chuyện nghỉ hè là “cổ tích”!

Chuyện nghỉ hè là bình thường nhưng giờ đây đối với các em học sinh trở thành “sự kiện trọng đại”, là “chuyện cổ tích giữa đời thường”! Nghe nói được nghỉ hè trọn vẹn ba tháng; không phải học thêm, học trước khiến nhiều phụ huynh và học sinh rơi nước mắt. Bởi chuyện học bây giờ trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh thì còn tinh thần bao nhiêu để các em học ở lớp, mặc dù có khẩu hiệu trước cổng trường “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui!”.

Vì sao ra nông nỗi này? Vì chủ quan lẫn khách quan. Bởi chương trình các cấp học còn nặng về tính hàn lâm, lý thuyết, xa rời thực tiễn. Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh muốn con mình phải “hơn người”, phải “thông minh” nên cho học nhồi học nhét trên quan điểm “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”! Từ đó, các em cả ngày chỉ lo học vì bài vở quá nhiều nên thời gian thư giãn, giải trí hầu như không có. Dấu hiệu bị tâm thần, trầm cảm có chiều hướng tăng ở lớp trẻ. Các em trở nên ù lỳ, chậm chạp vì ít có cơ hội tiếp xúc với nhau…

Vấn đề còn lại là chuyện học hè có bị biến tướng không? Gửi nhờ cô giáo coi giùm con và sẵn đó cho học luôn thì sao? Hoặc dạy theo nhóm nhỏ vài ba học trò thì vi phạm không? Các bậc phụ huynh, nhiều người là cán bộ, công chức đi làm, ngày hè gửi con ở đâu? Tưởng chừng đơn giản ra một mệnh lệnh hành chính là “cấm dạy thêm” là mọi việc sẽ đi vào nền nếp! Cần phải có biện pháp căn cơ, lâu dài; nhất là chăm sóc tốt đời sống giáo viên thì chuyện dạy thêm sẽ giảm từ từ chứ không thể chấm dứt ngay được! Dạy thêm, học thêm có quy luật cung – cầu của nó. Điều cần bàn là nhu cầu đó có thật hay do ép buộc từ giáo viên, từ phụ huynh?

Chuyện nghỉ hè là chuyện bình thường; nghỉ hè là quyền lợi của các em học sinh, của thầy cô; sao ta lại tự tước đoạt quyền lợi đó của bản thân, của các em?

Hãy để cho các em sống bình thường, vui chơi thoải mái, phát triển tự nhiên để trở thành những công dân bình thường!

Lê Lam Hồng

 

Bình luận (0)