Sản phẩm du lịch “Một góc Sài Gòn xanh” do quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè phối hợp cho ra mắt nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch đặc trưng, sẵn có trên địa bàn. Sản phẩm cũng hướng đến phát triển du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch công nghiệp góp phần xây dựng ngành du lịch nổi bật, thu hút, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử.
Khám phá nhiều địa điểm
Khởi đầu hành trình của “Một góc Sài Gòn xanh” du khách được đến tham quan địa điểm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử – Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM). Đến đây, du khách được giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, du khách đến với di tích cầu Mống – công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc cầu phương Tây cuối thế kỷ XIX còn sót lại ở TP.HCM. Hơn một thế kỷ trôi qua, cầu Mống trở thành “nhân chứng” của những thay đổi quan trọng trong hành trình phát triển của TP mang tên Bác.
Tiếp đến, du khách đến cơ sở sản xuất thủ công từ lục bình. Từ một loài cây bị “ghẻ lạnh”, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân, lục bình đã được “hóa kiếp” trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị, giúp cuộc sống bà con được sung túc, no đủ hơn. Sản phẩm này cũng được người dân và du khách yêu thích và mua sản phẩm về làm quà lưu niệm. Sản phẩm từ lục bình tại TP.HCM minh chứng cho sự nỗ lực của TP trong hành trình chuyển đổi xanh, quảng bá sản phẩm xanh đến với du khách trong và ngoài nước.
Sau khi chiêm ngưỡng và mua sắm sản phẩm thủ công từ lục bình, du khách đến chùa Pháp Võ, đến cầu Ánh Sao để tham quan, thư giãn. Điểm đặc biệt trong chuyến hành trình du khách được đến Khu dã ngoại leo núi trong nhà để trải nghiệm. Những vách núi nhân tạo làm bằng gỗ được thiết kế dựa trên đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên của núi. Trần nhà cao đón ánh sáng giúp người chơi có cảm giác như đang chinh phục những vách núi thực thụ ngoài trời.
Cuối hành trình, du khách đến Khu khai thác ngọc trai nước mặn để tìm hiểu quá trình lấy ngọc trai để tạo nên trang sức. Cách khai thác ngọc trai không chỉ phục vụ du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế.
Tạo dấu ấn khó quên
Ông Nguyễn Tuấn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, trong thời gian qua, UBND huyện cùng UBND quận 4 và quận 7 luôn quan tâm, nỗ lực, đồng hành cùng cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng trong các hoạt động phát triển ngành du lịch. Để hoàn thiện sản phẩm “Một góc Sài Gòn xanh” các đơn vị đã tổ chức khảo sát và xây dựng kế hoạch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh các điểm du lịch trên địa bàn quận, huyện đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành có nhiều lựa chọn để khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phong phú và đa dạng. Đồng thời vẫn duy trì và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. “Sản phẩm này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung trong thời gian tới để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách”, ông Tài chia sẻ.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, “Một góc Sài Gòn xanh” là một trong cụm sản phẩm liên kết đầu tiên của ngành du lịch TP.HCM theo chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM”. Ngành du lịch TP kỳ vọng, các sản phẩm mới khi đưa vào khai thác sẽ làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch, những đặc trưng của TP. Đồng thời, các sản phẩm cũng sẽ là tiền đề để ngành du lịch lựa chọn trong kế hoạch “Thiết kế chương trình du lịch chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế. |
Theo ông Nguyễn Trần Hữu Thắng (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty World Travel) với tiềm năng lớn từ hệ thống sông rạch phong phú, quận 7 định hướng trở thành điểm đến du lịch đường thủy hàng đầu, kết nối các quận lân cận và Nhà Bè, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và du lịch sáng tạo. “Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo như: Đón bình minh trên sông Soài Rạp, ngắm hoàng hôn từ các tuyến sông quận 7 đến quận 4 và phát triển khu neo đậu, lưu trú trên sông với các trải nghiệm đa dạng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, kết hợp các yếu tố văn hóa và công nghệ”, ông Thắng chia sẻ.
Với sự liên kết để phát triển du lịch, khu vực Hồ Bán Nguyệt, Rạch Đỉa, Rạch Cả Cấm sẽ được đầu tư trở thành điểm dừng chân hấp dẫn với các hoạt động. Du khách sẽ được du ngoạn bằng thuyền, thưởng thức ẩm thực trên sông, và tham quan công nghệ cao tại Khu chế xuất Tân Thuận. Trong năm 2025, các dự án lưu trú trên sông, kết hợp tham quan, sẽ được triển khai để tạo sự khác biệt, mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách.
“Du lịch đường thủy quận 7 không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị mà còn góp phần bảo tồn môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Với sự hợp tác chặt chẽ cùng các quận lân cận, chúng tôi tin rằng đây sẽ là cánh cửa mở ra giai đoạn phát triển mới cho du lịch sông nước TP.HCM”, ông Thắng cho hay.
Hồ Trinh
Bình luận (0)