Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một gợi ý về cách học làm văn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cun “Săn sóc s hc ca con em”, xut bn ln đu vào năm 1954, hc gi Nguyn Hiến Lê đã dành ra hn mt chương đ nói v 2 môn quan trng nht là làm văn và toán. Nhng điu ông đt ra đã hơn 70 năm đến nay vn còn nguyên giá tr và có th giúp cha m, giáo viên nghiên cu, vn dng trong vic dy hc cho tr, nht là vi hai môn này.


Giáo viên phi quan tâm un nn các li v din đt, kiến thc, nht là chính t, ng pháp, cách dùng t… ca hc sinh (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Về làm văn mà trong sách ông gọi là “Tác văn”, Nguyễn Hiến Lê cho rằng, không có môn nào dạy đã khó mà lại ít kết quả bằng môn tác văn. “Viết là ghi cảm tưởng của mình lên giấy. Không biết nhìn, không biết nghe, không biết suy nghĩ thì làm sao viết được. Mà học đường hồi trước và hồi này cũng vậy, không dạy trẻ nhận xét lấy suy nghĩ lấy chỉ bắt trẻ nhớ và nhớ. (…) Học địa lý, sử ký (môn lịch sử hiện nay) phải nhớ, học toán cũng phải nhớ, học luân lý (môn đạo đức hoặc giáo dục công dân hiện nay) cũng phải nhớ, rồi học đến môn tác văn đến cách nghị luận cũng vẫn lại phải nhớ nữa, chỉ những nhớ là nhớ. (…) Từ lớp Nhì (tương đương lớp 4 hiện nay), khi ra đầu đề tác văn, ông giáo chỉ ngay cách làm, lại đặt sẵn câu cho, học sinh chỉ việc nhớ rồi về nhà chép lại. Có khi chẳng cần nhớ nữa cứ chép ngay “bài làm miệng của thầy” rồi về nhà chép lại cho sạch sẽ để nộp trả thầy”.

Việc đó xưa cũng như nay, gần như không khác nhau nhiều. Vì vậy, đó không phải là chỉ mà là làm sẵn cho trẻ, trẻ nào may mắn nhớ được một ít thì coi như đã khá, còn lại “chữ thầy trả thầy” nên học xong nhiều trẻ không viết nổi một bức thư, một bài văn ngắn… Đến cấp III, người ta cũng dùng cách dạy ấy. Bởi trong một thời gian ngắn mà phải học nhiều tác giả nên trẻ không có thì giờ đọc các tác phẩm của các tác giả đó; đồng thời còn phải học nhiều môn khác nữa. Thành thử học sinh chỉ có cách học những cuốn mang tính “văn học sử” cùng những đoạn tóm tắt một số tác phẩm chính rồi khi làm bài nhớ đâu chép lại đó. Nên học “Ông già và biển cả” thì chỉ xem bản tóm tắt nhưng nào biết ông Hemingway đã viết những gì; học “Truyện Kiều” thì chỉ qua các đoạn trích chứ mấy ai đã đọc đủ 3.254 câu. Học giả Nguyễn Hiến Lê chua chát nhận xét: “Môn bình luận văn chương để luyện óc suy xét đã biến thành một môn luyện ký tính”, tức là chỉ luyện khả năng ghi nhớ chứ không phải phân tích, suy luận!

Từ đó, học giả Nguyễn Hiến Lê gợi ý, muốn cho trẻ tập suy nghĩ có lẽ ta phải theo phương pháp của Célestin Freinet (1896-1966). Freinet là một nhà cách mạng trong giáo dục, sau Thế chiến I, cùng với vợ và các bạn thân đề xướng ở Pháp một lối dạy rất mới. Ông cho rằng, nhất thiết không dùng sách giáo khoa; muốn dạy trẻ về một vật gì thì cho chúng coi vật đó, hướng dẫn nhận xét rồi để chúng tự ghi nhận xét vào vở. Về lớp, trẻ viết thành bài đọc lên cho bạn nghe và nhận xét. Ông điều hành cuộc nhận xét ấy và giúp trẻ lựa chọn một bài đầy đủ nhất, sửa cho những lỗi viết văn rồi trẻ dùng ngay bài đó làm bài học. Chúng tự sắp chữ, in bài, vẽ hình, cuối năm đóng lại thành sách. Dạy về một cái gì mà ông không thể cho coi tận mắt được thì ông thu thập đủ tài liệu về cái đó cho trẻ tự ý tham khảo tra cứu rồi soạn bài. Tóm lại, ông không đem những điều hiểu biết của người lớn nhồi vào óc trẻ mà hướng dẫn chúng tự tìm lấy chân lý.

Điều này bây giờ có vẻ phải nghiêm túc nhìn nhận để tránh mọi thứ ngày càng trở nên nặng nề hơn. Trong chương trình học ở bậc tiểu học chẳng hạn, trẻ học thuộc lòng các bài văn mẫu, có nắm một số “từ khóa” để thay nội dung khác vào cho phù hợp, từ đó dẫn đến câu chuyện cười ra nước mắt của những bài tập làm văn kiểu “Nhà em có nuôi một ông nội…”. Học toán thì chỉ cần thuộc lòng bảng nhân, bảng chia và cả bảng cộng, bảng trừ nữa, cứ thế mà áp vào chứ không cần biết vì sao nó như thế. Cách dạy này đi ngược với quan điểm giáo dục tiến bộ ở nhiều nước, khi lấy sự hiểu biết, nhận thức (tức là có thể lý giải nguyên nhân, tự chứng minh) làm căn bản chứ không phải ghi nhớ một cách máy móc. Từ đó, chúng ta hiểu rằng, muốn trẻ tả một cây bàng thì phải giúp trẻ biết cây bàng nó như thế nào, thân, cành, lá, hoa, trái… ra sao; vào mùa nào thì cây thay lá, quá trình đó diễn ra như thế nào… Có nắm bắt được hiện thực đó, trẻ mới có ý kiến, nhận xét hay tình cảm ra sao. Tương tự, đừng bắt trẻ làm bài giống nhau là tả về ông nội của mình, bởi có một số trẻ không có ông nội (ông đã mất hoặc không có điều kiện gặp) hoặc bản thân trẻ không có tình cảm, ấn tượng gì về ông nội thì làm sao tả hay biểu đạt tình cảm? Khi đó, chỉ cần yêu cầu trẻ tả về một người thân bất kỳ, với cái “sườn” phải có, như đặc điểm về người thân đó (hình dạng, tuổi tác, tính tình, công việc…), những kỷ niệm sâu sắc, đáng ghi nhớ, tình cảm của em với người thân đó…

Học giả Nguyễn Hiến Lê đúc kết, có lẽ sử dụng phương pháp ấy thì mới diệt được lối nhồi sọ bây giờ. Theo cách của Freinet, ta phải ra một đầu đề làm văn nửa tháng hoặc một tháng trước để trẻ có thì giờ nhận xét và kiếm tài liệu. Trong những dịp nghỉ có thể ra thêm bài làm văn cho trẻ thì nên thí nghiệm lối ấy. Còn khi giảng đầu đề làm văn nhà trường ra thì nên thế này: Trước khi làm bài trẻ nên lại tận chỗ để coi (nếu phải tả một bến xe, một cái chợ chẳng hạn) hoặc đọc những bài viết này (nếu phải làm một bài nghị luận), rồi suy nghĩ kỹ tìm một bố cục phù hợp… Nếu giáo viên đã giảng cho trẻ rồi thì trẻ có thể mượn ý đó mà không nhất định phải theo; trẻ làm xong bố cục, người lớn (cha mẹ hoặc thầy cô) góp ý để trẻ tự sửa rồi viết bài.

Khi đọc đến đây, tôi nhớ hồi tiểu học gần 40 năm trước, cô giáo ra đề tả một cô mậu dịch viên (hồi đó trước đổi mới nên có các cửa hàng mậu dịch) mà bản thân tôi sống ở ruộng đồng, không mấy khi ra đến chợ nên chỉ có thể… tưởng tượng một người nào đó. Một kiểu tập làm văn (và kể cả làm văn) như vậy thì chỉ có thể “viết dối” hoặc chép lại bài mẫu, không thể giúp trẻ có sáng tạo, không có ích gì trong việc rèn luyện năng lực viết cho trẻ. Đương nhiên, ta cũng không thể máy móc áp dụng phương pháp của Freinet trong bối cảnh hiện nay mà cần vận dụng cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là tránh chép lại, tránh thuộc lòng, tránh học và áp dụng như “cái máy”. Học và viết các bài tập của môn làm văn thì phải có sáng tạo, có biểu thị cái riêng của từng trẻ (mà sau này nếu trẻ lớn lên và viết nhiều sẽ hình thành phong cách), có tình cảm, đương nhiên không thể thiếu tính chân thật. Do vậy, nên dạy cho trẻ và yêu cầu trẻ thực hành những điều gì có thật trong đời sống, kể cả khi miêu tả, phân tích, bình luận…; còn đối với bình giảng các tác phẩm, chú ý sự cảm nhận riêng của trẻ đối với từng nhân vật, chi tiết, tránh gò ép trẻ theo một lối nghĩ nào đã được mặc định. Và, người lớn nên luôn quan tâm uốn nắn các lỗi về diễn đạt, kiến thức và nhất là chính tả, ngữ pháp, cách dùng từ… của trẻ.

Điều cuối cùng là phải gợi ý cho trẻ hiểu rằng, muốn viết văn hay, sinh động và có thể đem vốn liếng về viết lách đó phục vụ cho hoạt động thực tiễn, trẻ phải chịu khó đọc; đọc càng nhiều và có chọn lọc thì kỹ năng viết sẽ được nâng cao!

Nguyn Minh Hi

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)