Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một hành vi nhỏ, một giá trị lớn!

Tạp Chí Giáo Dục

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay diễn ra trong không khí tưng bừng của đất nước và thế giới đang nỗ lực thi đua sản xuất, hoàn thành kế hoạch của năm, xây dựng chất lượng cuộc sống tốt hơn và đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Điều ấn tượng nhất của tôi lúc này là Nghị quyết “Chống rác thải nhựa” của Hiệp hội các nước châu Âu, một lục địa được mệnh danh là văn minh nhất và lời kêu gọi “Thành phố không rác” của Thành ủy TP.HCM! Trong bối cảnh ấy, vai trò của nhà giáo chúng ta sẽ thể hiện như thế nào trước sự quan tâm chung ấy của nhân loại tiến bộ và địa phương yêu dấu của mình!

Xả rác là một việc quá nhỏ nhưng tác hại của nó lại quá to lớn trong cộng đồng, làm hủy hoại trực tiếp đến môi trường sống và làm tổn hại phẩm chất văn minh của con người. Chúng ta nhức nhối như thế nào trước cảnh dòng nước kênh xanh của thành phố trở nên đen ngòm, tỏa mùi hôi thối cho dân cư; chúng ta nhức nhối thế nào trước cảnh ngập nước mỗi lần mưa, dù Nhà nước đã rất cố gắng cải thiện bằng nhiều cách và chúng ta chia sẻ như thế nào với những anh chị công nhân không ngừng lam lũ bất kể ngày đêm, làm thông thoáng dòng nước… Chúng ta suy nghĩ như thế nào trước hiện trạng một thực khách y phục tươm tất lại tùy tiện vứt rác ra đường, một chủ nhân đang đi trên chiếc xe sang trọng nghiễm nhiên vứt rác, một chủ hộ sang trọng tìm cách vứt rác ra đường hay sang nhà bên cạnh để dần tích lũy thành những đống rác “vô chủ” mặc sức làm xấu môi trường sống và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân…

Nhức nhối, ưu tư thì ai cũng có, nhưng giải quyết như thế nào thì hình như chưa có những biện pháp căn cơ và hiệu quả. Khoảng không gian để người dân hưởng thụ, hít thở không khí trong lành hầu như đã hẹp dần, con người đã thấy khó thở hơn nhất là ở những khu dân cư đông đúc!

Không được xả rác, vứt rác tùy tiện, bừa bãi là một việc làm quá nhỏ của mỗi người, nhưng lại đem lại một ý nghĩa, một giá trị to lớn trong cuộc sống, tại sao chúng ta không làm được? Theo tôi, đó là vấn đề nhận thức và thói quen!

Về nhận thức, những người xả rác bừa bãi thường nghĩ đó là chuyện nhỏ, chưa thấy được tác hại to lớn, nhãn tiền trước mắt đối với cuộc sống chúng ta! Những người xả rác bừa bãi chưa thấy được sự gắn bó mật thiết hữu cơ giữa bản thân, gia đình với cộng đồng, họ cho sự sạch sẽ của bản thân và gia đình với môi trường dơ bẩn của cộng đồng không có mối liên hệ! Đôi khi còn có những suy nghĩ thiếu trách nhiệm và thiếu chia sẻ, họ cho rằng xả rác là việc của mình, còn việc dọn dẹp là của người làm vệ sinh; hoặc xả rác là chuyện của xã hội, một mình “Con én đâu làm nổi mùa xuân”!

Nâng cao nhận thức là sở trường của nhà giáo, là thế mạnh của chúng ta! Lực lượng sư phạm có sức mạnh to lớn trong công cuộc làm sạch môi trường sống, nâng cao dân trí, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Vì một trong những yếu tố hình thành thành phố thông minh là môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an toàn, một yếu tố khó khăn và nặng nề nhất bên cạnh các điều kiện kết nối về công nghệ thông tin và các mối quan hệ xã hội.

Khi đề cập đến vấn đề giáo dục vệ sinh này trong nhà trường, không khỏi sẽ có ý kiến cho rằng đây là vấn đề của xã hội, trong nhà trường có nơi nào bảo học sinh xả rác đâu! Đúng là chúng ta không bảo học sinh xả rác nhưng cách tổ chức hoạt động và phương pháp dạy dỗ của chúng ta đã thiếu hiệu quả, thiếu tập trung, thậm chí phản tác dụng, khuyến khích học sinh xả rác ngay trong nhà trường. Cứ xem quang cảnh nhà trường hay một nơi công cộng mỗi khi học sinh tụ tập, sinh hoạt sẽ thấy ngay sự xả rác của trẻ!

Nhà trường chúng ta cần phải coi việc giáo dục học sinh gìn giữ môi trường, không xả rác bừa bãi là một vấn đề lớn của nhân cách, của dân trí, không thể xem thường coi là chuyện nhỏ như trong thời gian qua, khi mà Thành ủy đã phát động và hệ thống thông tin truyền thông của xã hội vào cuộc.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời đã nói “Nhà trường là trung tâm văn hóa của địa phương”. Không xả rác bừa bãi là một hành vi rất nhỏ nhưng nó sẽ đem lại cho con người sự cảm thông, biết quan tâm đến môi trường sống, đến mọi người xung quanh và luôn có ý thức đối với mỗi hoạt động của mình một cách trí tuệ và nhân văn, khi lớn lên các em sẽ không tùy tiện thải ra cho xã hội nhiều loại rác khác như thực phẩm độc hại, nhập rác thải về đất nước mình hoặc những văn hóa phẩm kém giá trị…

Ngày nay, nhiều trường học trên thế giới đã tổ chức được cho học sinh không những giữ gìn vệ sinh thật tốt mà còn biết phân loại rác hàng ngày ở trường cũng như ở nhà. Chúng ta phải phối hợp với phụ huynh về việc tổ chức cho học sinh làm sạch đẹp nhà trường, một hoạt động văn hóa cần có cho mỗi người trong một xã hội văn minh, không chỉ là việc làm vệ sinh thay cho người lao công dọn dẹp!

Vì là “Trung tâm văn hóa địa phương” nhà trường có thể chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng thêm sức mạnh, phát triển tốt hoạt động có ý nghĩa to lớn này trong xã hội.

Tôi rất vui về một cử chỉ rất nhỏ của một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM khi đưa chai nước uống ra mời, anh đã nhẹ nhàng bóc lấy vỏ nhựa bọc nắp chai bỏ vào túi mình vì bên cạnh không có thùng rác. Ở quận 1, có một trường phổ thông mang tên Lương Thế Vinh đã một thời nêu gương điển hình về: “Nhà trường không xả rác”. Nếu ai cũng như anh chuyên viên ấy thì xã hội sẽ rất tuyệt vời! Và, trường học nào cũng như trường Lương Thế Vinh, chúng ta sẽ đào tạo cho xã hội những thế hệ văn minh cho thế kỷ mới, sống lành mạnh, biết trân trọng và bảo vệ môi trường.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, một lần nữa chúng ta tự hào và nâng cao nhận thức về thiên chức của ngành nghề, chúng ta thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình trước những vấn đề quan tâm của xã hội. Gìn giữ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng thành phố thông minh chính là những vấn đề đặt ra hôm nay. Ở đó vai trò của nhà trường và nhà giáo là rất quan trọng!

TS. Huỳnh Công Minh

 

 

Bình luận (0)