Đi thăm hỏi, động viên bà con dân tộc các tỉnh phía Bắc vừa trải qua cơn lũ khủng khiếp do bão số 4 gây ra, NChủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương phải đảm bảo đủ điều kiện để học sinh kịp thời tới trường trong mùa khai giảng. Mùa khai giảng – mà hiện nay được mở rộng ra là mùa tựu trường luôn trùng với thời gian đất nước phải dầm mình trong mưa bão. Sự lo toan, chuẩn bị đầy công phu để có được một cơ sở vật chất tối thiểu nhằm đón HS tới trường luôn bị thiên tai đe dọa. Những trang SGK, những món đồ TBDH, trải qua các bước đấu thầu, sản xuất, cung ứng, tập huấn sử dụng… vừa đến với thầy trò lại bị dầm trong ngập lụt. Các khoản kinh phí nhỏ nhoi dành để dặm lại mái ngói, đóng lại bàn ghế, quét lại bức tường… lại bị tan biến do mưa bão hoành hành. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Việc cho phép điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học mà Bộ GD&ĐT đưa ra, đã được nhiều địa phương hưởng ứng. TP.HCM sẽ tựu trường vào 21/8, Hà Nội là 25/8… Đây không chỉ là điều chỉnh để mở rộng quãng thời gian nhằm điều chỉnh chương trình, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình – SGK phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Hà Nội, TP.HCM là một trong số ít các địa phương ít bị ảnh hưởng của thiên tai. Còn đa số địa phương khác: các tỉnh vùng duyên hải từ bắc chí nam; các tỉnh miền núi đông bắc, tây bắc, Tây nguyên; các tỉnh đồng bằng Nam bộ…. đều là các trọng điểm hứng chịu thiên tai. Chính vì vậy mà việc nới rộng biên độ thời gian học tập, không chốt đầu chốt cuối năm học, linh hoạt thực hiện theo đặc điểm KT-XH – tự nhiên của vùng, miền, địa phương… sẽ còn có một tác dụng rất lớn là góp phần tránh, phòng và khắc phục có hiệu quả thiên tai. Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta – câu nói cửa miệng khi phải khắc phục các khó khăn trong cuộc sống thật đúng với hoàn cảnh tựu trường trong mùa mưa bão. Với một sự điều chỉnh hợp lý, có kế hoạch và đồng bộ thì chúng ta có đủ khả năng chuẩn bị một CSVC tươm tất, đủ chất lượng và phù hợp với khả năng chi ngân sách, tránh được sự cập rập dẫn tới các bế tắc trong mua sắm – trang bị – sử dụng sách và thiết bị và sẽ tạo ra một chương trình xây dựng trường lớp hợp lý, có trọng điểm và không dàn trải – từ đó hiệu quả tất nhiên sẽ tăng lên rất nhiều. Học sinh sẽ không phải duy ý chí vượt lũ quét đến trường, thầy cô sẽ có nhiều thời gian phù hợp để bồi dưỡng nâng cao kiến thức, những tin buồn về thiệt hại người và của sẽ giảm đi. Các hoạt động quyên góp, cứu trợ sẽ giảm đi. Đến trường – với học sinh sẽ thực sự là những ngày vui, và nhà trường sẽ mở rộng cánh cửa thân thiện.
Nỗi lo canh cánh của những người làm công tác quản lý giáo dục trước mùa mưa bão hẳn sẽ giảm đi khi các địa phương chủ động tự lập ra cho mình một kế hoạch năm học phù hợp, một kế hoạch để đạt nhiều mục tiêu.
Bích Ngọc(theo gdpt.edu.vn)
Bình luận (0)