Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Một kiểu giáo dục mới tại Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Các buổi học của Trường Shibuya – Ảnh: Trends in Japan

Chưa đầy ba năm thành lập nhưng đã có 12.000 học viên đến học và 293 người – Nhật Bản và nước ngoài – được mời giảng dạy tại Trường Shibuya.

Trong bối cảnh nhiều trung tâm đào tạo tư nhân quảng cáo rầm rộ vì lợi nhuận thì sự thành công mới đây của trường học miễn phí Shibuya University Network ở Tokyo đã lan ra khỏi Nhật Bản và được rất nhiều thành phố của 15 nước châu Á và châu Âu chú ý. Trường Shibuya không thu học phí, không thi tuyển đầu vào, không cấp bằng tốt nghiệp và cũng không cần giảng đường cố định. Đó là dạng học tập gắn kết với cộng đồng và môi trường địa phương, hoạt động theo mục đích thiện nguyện.

Chia sẻ kiến thức và đam mê

Với phương châm học phải vui và gắn liền thực tế, nhà trường mời gọi những người am hiểu sâu sắc về chuyên đề nào đó đến chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình với học viên. Giảng đường của nhà trường là cả thành phố, trong đó, học viên có thể tập họp tại sân thể thao, trường học, thậm chí cửa hàng hoặc quán ăn. Các môn học và thời khóa biểu được thông báo trên mạng internet, thường vào ngày nghỉ cuối tuần. Mới đây, một nhóm hơn 30 người đã theo một khóa học về ban nhạc The Beatles tại quán cà phê Penny Lane – lấy tên một bài hát của ban nhạc này. Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Masataka Miyanaga đã diễn giải một cách say mê pha lẫn sự khôi hài với phần phụ họa là những băng video hiếm về 4 chàng trai huyền thoại của thành phố Liverpool. Trong chuyên đề sử dụng và bảo trì xe đạp, một trong những giảng viên cho biết chỉ có 50 chỗ học nhưng có đến 140 người đăng ký.

Báo Le Monde (Pháp) cho biết từ khi thành lập hồi tháng 9-2006 đến nay, nhà trường đã tiếp nhận 12.000 học viên, phần lớn trong độ tuổi từ 20 đến 40  và điều khích lệ cho những người quản lý Trường Shibuya là 80% học viên là phụ nữ. Tổng cộng đã có đến 293 giảng viên được mời đứng lớp, kể cả người Nhật Bản và người nước ngoài. Yuuka Nishida – một cô gái ngoài 20 tuổi, nhân viên của trang web Seesaa, đã theo học trường này từ năm 2007 – rất thích Trường Shibuya, nơi mà theo cô người ta dễ kết bạn với nhau. Cô nói: “Bắt đầu bằng một khóa học về chính trị, sau đó tôi đến với trường này mỗi hai hoặc ba tháng. Không khí ở đây rất thân thiện. Bộ phận quản lý cũng trẻ tuổi như tôi”.

Đơn giản nhưng hiệu quả

Ý tưởng thành lập trường học này bắt đầu hồi năm 2005 trong cuộc tiếp xúc giữa nghị viên Hội đồng quận Shibuya Ken Hasebe và Yasuaki Sakyo, 29 tuổi – nay là hiệu trưởng của trường. Yasuaki Sakyo tâm sự: “Lúc đó tôi đang làm việc cho công ty thương mại Sumitomo. Tôi tự hỏi mình có làm được chút gì để đóng góp cho cộng đồng Nhật Bản như hai nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình Wangari Maathai và Muhammad Yunus đã làm hay không”. Và ý tưởng này khiến Yasuaki Sakyo từ bỏ công việc, tham khảo với nhóm sáng lập và sau đó trực tiếp điều hành Trường Shibuya. Đến nay, ngoài số lượng học viên ngày càng đông, cơ sở của ông đã cân đối được tài chính dù không thu học phí. Mỗi năm, tòa thị chính Tokyo cấp 10 triệu yen (hơn 1,8 tỉ đồng) cộng với khoản tiền của các doanh nghiệp tài trợ thêm khoảng 20 triệu yen nữa. Bộ phận quản lý thường trực của trường chỉ có ông và người phụ tá, khoảng hơn 20 người khác làm việc bán thời gian.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ CNN, Yasuaki Sakyo nói rằng việc học là việc cả đời và mở ra cho mọi người nên Shibuya dành cho tất cả những ai muốn học. Thông qua kiến thức và học tập, chúng ta có thể tự thay đổi bản thân mình  theo hướng ngày càng phong phú hơn.

Theo Trúc Lâm / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)