Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một kỷ niệm sâu sắc

Tạp Chí Giáo Dục

 

Một buổi nọ, vì bận việc trường nên gần 7 giờ tối, tôi mới về đến nhà. Vừa buông giỏ xách xuống thì chuông điện thoại reo vang. Tôi nghe bên kia đầu dây giọng cô Phó Hiệu trưởng đầy hốt hoảng: “Chị ơi, phụ huynh em Nh. vừa báo tin chiều nay tan trường, em không về nhà. Ba mẹ em đã tìm khắp nơi nhưng không có tin tức gì; họ gọi điện cầu cứu mình đó chị!”. Sau khi nghe báo tin, tôi liền nói: “Nhờ cô tìm hiểu xem chiều nay lớp 9.4 có xảy ra việc gì liên quan đến em Nh. không?”. “Dạ không chị à! Nhưng ba em Nh. có nói hôm qua ông đã mắng em một trận, chắc vì thế nên em giận dỗi bỏ nhà ra đi”, cô Phó Hiệu trưởng cho biết.

Nghe cô Phó Hiệu trưởng nói thế, tôi thở phào nhẹ nhõm. Như vậy, không phải nguyên do từ phía nhà trường mà là trách nhiệm của gia đình. Nghĩ vậy, tôi yên tâm xuống bếp chuẩn bị bữa ăn tối. Chuông điện thoại lại reo vang lần nữa. Lần này là giọng nói đầy hốt hoảng của ba em Nh.: “Cô Hiệu trưởng ơi, con gái tôi đã bỏ nhà đi rồi! Đêm hôm khuya khoắc, giữa thành phố đầy cạm bẫy này, con tôi sẽ ra sao? Nó có bề gì chắc tôi chết mất!”. Dù biết việc này không phải trách nhiệm của nhà trường, nhưng tôi vẫn chịu khó lắng nghe: “Sao anh mắng cháu làm gì để xảy ra nông nỗi! Anh có biết Nh. thường chơi thân với bạn nào trong lớp không?”. “Tôi không biết nữa cô ơi! Lỗi tất cả là do tôi, vì nóng quá nên tôi chửi mắng thậm tệ, làm tổn thương con. Nhờ cô giúp tôi tìm cháu!”, ba em Nh. nhờ vả. Nghe giọng nói nghẹn ngào của ông, tôi cảm thấy nao lòng! Dĩ nhiên, tôi không thể bình tĩnh ngồi ăn cơm được nữa rồi. Trong đầu tôi hiện ra rất nhanh phương án tìm kiếm học sinh. Tôi tức tốc gọi điện cho từng thành viên trong Hội đồng liên tịch, huy động các lực lượng để tìm em Nh., đồng thời gọi điện cho Công an phường báo có một học sinh tan học không về nhà.

Chừng 10 phút sau, tôi nhận được cú điện thoại của cô Phó Hiệu trưởng báo có em học sinh biết Nh. hiện đang ở đâu. Thế là tôi và cô tức tốc chạy đến một quán nước, nơi học sinh báo. Em Nh. đang ngồi co ro trong quán với ánh mắt buồn rười rượi và gương mặt bơ phờ vì đói bụng. Khi thấy tôi và cô Phó Hiệu trưởng bước vào, em lúng túng đứng lên, định bỏ chạy. Tôi chặn lại và nhẹ nhàng dẫn em trở vào quán. Tôi không dám nói nhiều vì sợ em đang bấn loạn sẽ không nghe. Trong thời gian chờ đợi, tôi gọi cho em món ăn để lót dạ và tìm cách khuyên nhủ để em không giận ba nữa! Em không trả lời gì cả và nước mắt cứ tuôn trào.

Nhà em ở tận Thủ Thiêm. Lúc bấy giờ, muốn về nhà em phải qua phà. Mà đến 8 giờ tối thì phà ngưng hoạt động. Nhìn đồng hồ lúc ấy đã hơn 7 giờ tối, tôi nghĩ thầm chắc tối nay phải đem em về nhà tôi ngủ thôi. Đang lo lắng thì ba mẹ em xuất hiện. Với gương mặt đau khổ, ông chạy lại ôm chầm lấy con gái mình và khóc nức nở, tiếng khóc của sự hối hận xen lẫn mừng vui khi tìm thấy con. Mẹ em cũng khóc theo. Cả hai ôm chặt con, hôn lấy, hôn để như thể đã xa con từ lâu lắm! Em Nh. cũng khóc òa trong tình cảm thiêng liêng ruột thịt ấy! Chắc em cũng thấy hối hận vì không ngờ đã làm cho ba mẹ lo lắng nhiều đến thế. Hơn cả nghìn câu nói, chính tình thương của ba mẹ đã giúp em xóa tan nhanh chóng bao hờn giận, uất ức trước đó. Tôi và cô Phó Hiệu trưởng cũng không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh tượng này! Cả hai cùng ra tận bến Bạch Đằng để tiễn Nh. và ba mẹ lên phà về nhà. Với chúng tôi, đó là một buổi tối vô cùng hạnh phúc và ý nghĩa! Vậy mà trước đó, vì mệt mỏi, thoáng chốc tôi đã có ý định quay lưng và không nhận trách nhiệm về mình.

Tôi thầm nghĩ: “Nếu nghe tin học sinh đi học mà không về nhà, Ban Giám hiệu và thầy cô không sốt sắng hỗ trợ phụ huynh tìm kiếm, nếu chuyện xấu xảy đến với các em, liệu lương tâm mình có được yên ổn hay không? ”.

Kể từ đó, rút kinh nghiệm sâu sắc, tôi không dám thờ ơ khi nghe những cú điện thoại tương tự của phụ huynh như thế nữa!

An Nhiên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)