Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Một kỳ thi quốc gia: Cần độ tin cậy về chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải sang) lắng nghe ý kiến trao đổi của các đại biểu bên lề hội nghị
Đa số các trường ĐH-CĐ tán thành phương án tổ chức chung một kỳ thi quốc gia nhưng không khỏi lo lắng về độ tin cậy của kết quả, nhất là khi giao việc tổ chức thi về địa phương.
Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ 2014 được Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến với 6 điểm cầu ngày 15-8, nhiều ý kiến cho rằng, nếu một kỳ thi chung thiếu độ tin cậy về mặt chất lượng thì các trường ĐH-CĐ sẽ lại mất công tổ chức thêm một kỳ thi riêng nữa gây phức tạp, tốn kém.
Đề thi chung phải phân hóa tốt
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, những năm trước mắt, học sinh vẫn tiếp tục học chương trình phổ thông bình thường đến khi áp dụng chương trình và SGK mới. Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH-CĐ. Những thay đổi tiếp theo có ảnh hưởng đến cách học của học sinh sẽ được thực hiện sau khi có chương trình và SGK mới, ví dụ như bài thi tích hợp.
Tuy nhiên, đối với một kỳ thi quốc gia, trong khi đa số các sở GD-ĐT, các trường THPT đều đồng ý với phương án 1 thì số đông các trường ĐH-CĐ lại đồng ý với phương án 2. Ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng đổi mới tuyển sinh hoàn toàn hợp lý nhưng cần một quá trình chuyển đổi. Phương án 2 phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi quan trọng, phải có một phần để xét tốt nghiệp và phần đảm bảo phân hóa học sinh để các trường ĐH-CĐ có thể chọn được thí sinh. Phương án tuyển sinh của các trường phải công bố trước khi thi tốt nghiệp.
Hầu hết ý kiến của các trường tại đầu cầu Hà Nội cũng nhất trí cao phương án 2, cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Tuy nhiên, nhiều lo lắng trong đó cũng xoay quanh vấn đề thiếu độ tin cậy nếu kỳ thi được tổ chức tại địa phương.
Ông Hoàng Minh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết, hầu như 26 trường tham gia hội nghị tại đầu cầu Nghệ An đều chốt phương án 2. Dù vậy, các ý kiến cũng nhìn nhận, thực hiện một kỳ thi chung bên cạnh việc đảm bảo đề thi có tính phân hóa tốt vừa phục vụ xét tuyển ĐH-CĐ vừa xét tốt nghiệp THPT thì công tác coi và chấm thi cần được thực hiện nghiêm túc như thi ĐH để xã hội thực sự yên tâm. Ông Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cũng cho rằng kỳ thi phổ thông chung nhất thiết có sự giám sát của các trường ĐH-CĐ, vì có liên quan đến xét tuyển đầu vào của chính các trường.
Các trường khối Y xin một kỳ thi riêng
Bên cạnh các ý kiến đồng tình với đổi mới công tác thi và tuyển sinh trong năm 2015 thì nhiều trường cũng bày tỏ băn khoăn về công tác tổ chức một kỳ thi quốc gia. Theo dự thảo đề án, Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi sẽ được tổ chức hội đồng thi theo các cụm thi ở từng tỉnh; công tác chấm thi được tổ chức thành các cụm liên tỉnh cho từng vùng; cán bộ coi thi, chấm thi gồm giảng viên ĐH-CĐ và giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh cho rằng nên giao tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho các tỉnh. Vì từ trước tới nay, kỳ thi này địa phương vẫn chủ trì. Còn nên giữ kỳ thi ĐH như hiện nay. Trường nào nếu thấy không cần thiết phải thi thì thôi. Sở dĩ Đại tá Khoát đưa ra ý kiến này vì ông cho rằng quan trọng nhất của kỳ thi chính là khâu coi thi. Ông lấy ví dụ, đối với kỳ thi học sinh giỏi phổ thông, bộ giao cho các tỉnh tổ chức coi thi, sau đó, bài thi mang về bộ chấm. Trong số các học sinh đoạt giải quốc gia, có học sinh dự thi vào Học viện An ninh, 3 môn thi được 9 điểm!
Chưa tin tưởng vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như một kỳ thi sắp tới, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng tổ chức thi như thế nào để có thể có kết quả dùng được là điều cần phải suy nghĩ. Đối với trường y nói chung từ trước tới nay tuyển sinh đều rất nóng. Thí sinh vào trường y phải là những thí sinh tốt nhất. Chính vì thế trong năm tới, khi chỉ có một kỳ thi, khối trường y sẽ đề xuất có thêm kỳ thi bổ sung để đảm bảo đầu vào. Ông Tú khẳng định ngay trong Trường ĐH Y Hà Nội, các ngành có mức điểm chuẩn khác nhau thì chất lượng cũng khác nhau.
Song song với đề xuất có một kỳ tuyển sinh riêng cho khối trường y, ông Tú cũng đề xuất bộ cho phép trường có cơ chế tuyển thẳng riêng. Năm nay, trường có tới 127 suất tuyển thẳng, chiếm tới 23,1% chỉ tiêu của ngành bác sĩ đa khoa. Hầu như những học sinh đạt giải quốc gia môn sinh đều nộp hồ sơ vào ĐH Y Hà Nội. Nhưng bằng chứng cho thấy không phải thí sinh đạt giải nào cũng học tốt. Do đó, trường mong muốn có cơ chế tuyển thẳng riêng. Lăn tăn về độ chính xác kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS. Nguyễn Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ kỳ thi ĐH.
Nghiêm Huê – Mê Tâm
Thi môn gì chưa quan trọng bằng đảm bảo trung thực…
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cả dân và người đầu tư đều biết, đầu tư vào giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục ĐH-CĐ, dạy nghề ở nước ta rất lớn nhưng luôn thiếu. Trong khi đó, nhu cầu học của xã hội cũng rất lớn. Bằng chứng là có nhiều người chịu học phí rất đắt để đi học ở nước ngoài. Khi mà nhu cầu người học đáng kể, trong điều kiện đầu tư lại rất thiếu, làm sao để những nhà đầu tư tiềm năng về giáo dục yên tâm là vấn đề được Phó thủ tướng chú trọng.
Đối với kỳ thi quốc gia, Phó thủ tướng quan điểm, đây là căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH-CĐ trên tinh thần tự chủ. Ở kỳ thi này, thi môn gì chưa quan trọng bằng đảm bảo trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất. Dựa vào kỳ thi này, có trường thi hoặc phỏng vấn thêm, có trường không cần. Đó là quyền của các trường hoặc nhóm các trường nhưng nếu kỳ thi được tổ chức tốt thì nhiều trường sẽ căn cứ kết quả này là chính, không phải khổ sở làm thêm công tác tuyển sinh riêng.
Cũng theo Phó thủ tướng, phải tính để kỳ thi ổn định trong quá trình tiến tới cải cách, đổi mới cả chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy. Trước mắt cần nhìn nhận thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta rất cao. Do đó, phải thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Nhưng về lâu dài khi thi vào ĐH tốt lên rồi, các trường tự chủ lên và chúng ta siết chất lượng đầu ra thì như nhiều nước trên thế giới, đa phần người tốt nghiệp THPT có quyền ghi danh vào ĐH. Lúc đó vai trò của kỳ thi là tốt nghiệp THPT sẽ là chính. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)