Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Một kỳ thi quốc gia: Không đơn giản chỉ là “hai trong một”

Tạp Chí Giáo Dục

Cụm từ “một kỳ thi quốc gia” đã được nhắc đến với tần suất và mật độ ngày càng lớn trên các phương tiện thông tin
đại chúng cũng như trong các cuộc hội thảo, hội nghị của Bộ GD-ĐT. Theo lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN, đến năm 2009, nếu được Thủ tướng thông qua, thì sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Đã có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng điều mà phía các nhà tuyển sinh lo lắng nhất chính là kỳ thi được tổ chức tại địa phương liệu có đáng tin cậy?

Điều kiện đảm bảo kỳ thi chưa chắc chắn

Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD-ĐT, một trong những lý do cơ bản để tổ chức một kỳ thi quốc gia là thời gian của hai kỳ thi hiện nay (tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ) diễn ra gần nhau (chỉ cách nhau khoảng một tháng) với cùng một đối tượng trên cùng một hệ thống kiến thức. Điểm khác nhau cơ bản chính là mục đích của hai kỳ thi. Để dung hòa hai mục tiêu này, đề thi của mỗi môn sẽ có hệ số 40% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để xét tốt nghiệp và khoảng 60% số điểm để xét ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trong mỗi đề thi, ông Ninh cho biết sẽ không có sự phân hóa rạch ròi giữa hai phần này.

Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề được đặt ra như áp dụng một kỳ thi quốc gia như thế nào khi mà ở phổ thông tồn tại hai hệ: bổ túc THPT và THPT. Đồng thời, liệu có công bằng không khi kỳ thi này được tổ chức tại địa phương. Nếu tổ chức tại địa phương, ngoài khâu đảm bảo kỷ cương phòng thi còn có vấn đề đó là cơ sở vật chất. Không cần phải lên tận miền núi hẻo lánh hay hải đảo xa xôi, trong kỳ thi tốt nghiệp lần 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã chứng kiến “cận cảnh” học sinh của hội đồng thi bổ túc huyện Kim Động, Hưng Yên ngồi thi trong những phòng thi chật hẹp, bàn ghế không đủ độ cao, phòng không đủ ánh sáng. Còn tại các tỉnh miền núi như Tuyên Quang, không cần nhiều người, chỉ cần một nhóm là có thể phá rào, vào cướp đề dễ như chơi do xung quanh, nhìn đâu cũng không thấy tường!

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho rằng: tất cả sẽ được xử lý ở khâu ra đề thi để đảm bảo học sinh học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Những năm trước mắt, tuy đề thi của hai hệ bổ túc và THPT khác nhau nhưng vẫn đảm bảo độ tương đương. Để tiến tới một kỳ thi “thật”, kết quả “thật”, bên cạnh việc chuyển sang thi theo hình thức trắc nghiệm và tăng thêm số phiên bản đề thi trong một phòng là tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền tại các hội đồng thi với một tỷ lệ đủ để có thể giám sát khâu coi thi. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ có lực lượng thanh tra đột xuất đến nắm tình hình tại các điểm thi. Cũng theo Thứ trưởng Long, hiện đề án tổ chức một kỳ thi quốc gia đang được hoàn chỉnh. Sau khi báo cáo Chính phủ, nếu được thông qua thì sẽ triển khai. Tất nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là quy trình, kỹ thuật để triển khai…

Các trường ĐH băn khoăn

Về phía các trường ĐH, CĐ, TCCN, những đơn vị sẽ trực tiếp xét tuyển từ kết quả của kỳ thi quốc gia, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng dự báo: Làm thế nào để có một kỳ thi “hai trong một” trọn vẹn khi mà đào tạo ĐH là đào tạo tinh hoa? Gộp hai kỳ thi là tiết kiệm nhưng bản chất cần có lộ trình và phải dày công. Bộ cần nghiên cứu chiến lược và lộ trình thích hợp. Xu thế hiện nay, các trường ĐH đều có chiến lược marketing, học sinh phải tự tìm hiểu nhưng độ tin cậy đến đâu là cả vấn đề. Chúng tôi thực sự cảm thấy trước những khó khăn của học sinh, của các trường và xã hội – ông Nghị chia sẻ. Còn ông Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì thẳng thắn: các trường phải thực hiện theo chỉ đạo của Bộ nhưng nếu nói về mong muốn thì ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn muốn duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH. Bởi nếu chỉ còn một kỳ thi sẽ rất hạn chế yêu cầu tuyển sinh. Nếu theo đúng lộ trình vào năm 2009 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia thì rất nhiều khâu chưa được chuẩn bị kỹ. Vấn đề là phải giải quyết được việc phân luồng từ phổ thông. Cụ thể hơn, TS. Mai Hồng Quỳ, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM đề nghị, Bộ GD-ĐT phải tích cực đưa ra tiêu chí tuyển sinh cho mùa thi năm sau. Đó là Bộ và Cục Công nghệ thông tin cần đưa lên những thông số cụ thể, mỗi năm có bao nhiêu học sinh đạt học lực khá ở THPT, và có hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Đó là tiêu chí đầu tiên để thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào trường. TS. Quỳ cho biết thêm: chúng tôi thực sự lúng túng với những vấn đề liên quan đến tiêu chí.

nghiêm huêtc "nghieâm hueâ"

Bình luận (0)