Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHTN TP.HCM tại kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014 vừa qua. Ảnh: T.L
|
Phương án một kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT nhận được nhiều luồng ý kiến của dư luận. Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng giải đáp những thắc mắc…
Công dân hạng 1, công dân hạng 2
Theo phương án tổ chức một kỳ thi của Bộ GD-ĐT sẽ có hai cụm thi là các trường ĐH chủ trì và địa phương chủ trì. Hai hình thức cụm thi này đã khiến các chuyên gia hết sức băn khoăn. Liệu thí sinh (TS) thi ở cụm địa phương có được lấy kết quả xét vào các trường ĐH? Liệu có sự phân biệt theo kiểu công dân hạng 1, hạng 2 ở đây? Trả lời các câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết với các TS đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ tại các địa phương không có cụm thi do các trường ĐH chủ trì, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Bằng tốt nghiệp là điều kiện cần để TS được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được quy định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi. Do đó, theo ông Trinh, những TS thi tại cụm địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT nên có thể xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ. Do đó, ông Trinh khuyên các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình. Ông Trinh cũng cho hay, với các TS dự thi tại các cụm thi do địa phương chủ trì vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Bên cạnh đó, ông Trinh cho biết việc tổ chức tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ với 4 cụm thi ở các thành phố từ năm 2014 về trước vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho các TS có hoàn cảnh khó khăn dự thi, dẫn đến có những TS học lực tốt nhưng do hoàn cảnh khó khăn không thể về các trường ĐH, CĐ ở các thành phố để dự thi tuyển sinh. Năm 2015, việc mở rộng thành nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các TS có hoàn cảnh khó khăn dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các TS có thể lựa chọn cụm thi thuận lợi nhất cho mục đích của mình. Giải thích thêm về sự khác nhau của TS dự thi tại 2 loại cụm thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết các TS thi ở các cụm khác nhau sẽ có mã khác nhau, hoàn toàn có thể phân biệt được TS thi ở cụm thi nào. Ông Nghĩa cho biết thực tế trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 có khoảng 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường ĐH là do TS tự nguyện. Nhưng cũng có thể thấy, bản thân các lãnh đạo bộ cũng đã “mặc định” sự khác về chất lượng của hai loại cụm thi này. Bộ GD-ĐT cũng chưa thực sự “tin” vào chất lượng kết quả thi tổ chức tại địa phương và với việc phân biệt mục đích của hai loại cụm thi này cho thấy, bộ hoàn toàn bất lực trước tiêu cực trong thi cử. Việc chống tiêu cực trong thi cử đã được đẩy trách nhiệm cao nhất cho các trường ĐH. Bởi các trường sẽ là đơn vị chủ trì của các cụm thi trong kỳ thi năm 2015.
Có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ miễn thi tốt nghiệp
Một vấn đề khác mà TS rất quan tâm đó là chứng chỉ ngoại ngữ nào sẽ được miễn thi tốt nghiệp? Ông Trinh cho biết bộ sẽ cụ thể hóa quy định về miễn thi môn ngoại ngữ (trong đó có môn tiếng Anh) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng các chứng chỉ quốc tế thông dụng (và tương đương) do các tổ chức khảo thí uy tín cấp sẽ được sử dụng cho việc miễn thi ngoại ngữ. Các TS đoạt giải Olympic quốc tế về các môn ngoại ngữ (ví dụ tiếng Nga) cũng sẽ được miễn thi. Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành văn bản quy định cụ thể việc này. Tuy nhiên, việc miễn thi này chỉ áp dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sẽ do các trường quyết định. Do đó, TS cần tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh của các trường.
Còn với các trường không phải thi môn ngoại ngữ mà chọn môn thay thế, ông Trinh cho biết điều kiện dạy và học không đảm bảo thể hiện ở các khía cạnh như giáo viên dạy môn ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu, việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học… Những TS học ngoại ngữ trong những điều kiện như trên sẽ được chọn môn thi thay thế. Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Giám đốc sở GD-ĐT báo cáo Bộ GD-ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ đối với TS của các trường thuộc phạm vi quản lý. Với việc chọn thi môn thay thế, bộ sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi đưa ra được quy định cuối cùng.
Nghiêm Huê
Có nảy sinh lò luyện thi?
Với một kỳ thi quốc gia, các trường ĐH được phép xét tuyển dựa trên kết quả hoặc có phương án thi riêng của mình. Tuy nhiên, PGS. Văn Như Cương cho rằng nếu các trường có phương án thi riêng thì Bộ GD-ĐT phải yêu cầu các trường không được tổ chức thi lại 8 môn đã quy định thi của một kỳ thi quốc gia. Vì nếu tổ chức thi lại một trong những môn này, có thể sẽ lặp lại tình trạng trước 3 chung đó là sẽ có lò luyện dành cho TS thi vào trường mình. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng những trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì cần phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, đáp ứng các yêu cầu đã được quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Một trong những yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi. Ông Nghĩa cũng cho hay, cũng như kỳ thi 3 chung trước kia, đối với kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào, sau khi có kết quả thi, bộ sẽ đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào làm căn cứ để các trường xét tuyển.
Tuy nhiên, không ai dám chắc sẽ không có các lò luyện. Bởi thực tế đã chứng minh bằng việc thi tuyển vào lớp 6 của Trường chuyên Hà Nội Amsterdam hay vào lớp 1 các trường ngoài công lập của Hà Nội. Rõ ràng các đề thi của các trường không kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, nhưng các trung tâm luyện thi ăn theo đã mọc ra kịp thời để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh. Có thể các thầy cô khi còn đang giảng dạy thì không ra ngoài dạy thêm. Nhưng khi đã nghỉ hưu, ai sẽ cấm?
Như vậy, với một kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Thiên Lam
|
Bình luận (0)