Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một kỳ thi sao cho khoa học?: Gộp cụm thi chung, chia đều trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Theo tôi, lựa chọn phương án thi quốc gia của Bộ GD-ĐT là hợp lý; tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần sớm làm rõ để nhà trường có kế hoạch kịp thời ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh nhằm đem lại kết quả cao, tránh thiệt thòi cho các em.
Đơn cử như năm học trước, sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp dù đem lại những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cho cả học sinh lẫn giáo viên trong việc ôn luyện kiến thức, chuẩn bị kỳ thi. Thậm chí đã sát ngày thi mà vẫn còn lúng túng vì sự đổi mới quá gấp gáp.
Ở đây, với vai trò là người quản lý, tôi có mấy băn khoăn sau khi đọc về phương án kỳ thi quốc gia “2 trong 1” như sau. Đó là cách chia cụm thi như vậy, có thể sẽ xảy ra tình trạng ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì chỉ còn những học sinh của trung tâm GDTX – hướng nghiệp. Như vậy trách nhiệm xét tuyển tốt nghiệp THPT sẽ thuộc về ai? Việc tham gia của bậc THPT đối với kỳ thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ như thế nào? Khi có kết quả của kỳ thi rồi thì học sinh tự in kết quả và nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường cũng sẽ dẫn tới lượng thí sinh ảo rất lớn. Bởi tâm lý học sinh thà nộp thừa hồ sơ xét tuyển để được trúng tuyển còn hơn chọn một ngành để rồi không có gì chắc chắn trúng tuyển. Bên cạnh đó, liệu khi tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì, trong khi mỗi trường phục vụ với mỗi mục đích riêng, khác nhau thì liệu có độ nghiêm túc đồng đều để đảm bảo khách quan cho học sinh dự thi hay không?
Những ngày này, dù chưa có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể phương thức, cách thức thi nên tâm trạng chung của học sinh, ngoại trừ các em thi khối D, thì tỏ ra hoang mang, lo lắng. Phần khác, theo quy định mỗi môn thi kéo dài 180 phút, đối với thí sinh nào dự thi nhiều môn tự luận thì có thể sẽ là một kỳ thi quá sức.
Để mang lại thuận lợi cho học sinh, cũng như đảm bảo một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, tránh lãng phí, theo tôi nên tổ chức giống như kỳ thi tốt nghiệp tại địa phương. Trong đó, số giáo viên coi thi, phục vụ thi sẽ chia đều cho cả ĐH lẫn THPT. Sau đó, lấy kết quả này để làm cơ sở và xét tuyển 3 chung trên toàn quốc.
Lê Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng)

Bình luận (0)