Sự việc tiêu cực ở Sở GD-ĐT Hà Giang, mà ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) gọi là “vô cùng xấu xí, không thể chấp nhận được” như hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” đã gây mất lòng tin xã hội về giáo dục, về thi cử.
Thí sinh xem lại tài liệu sau buổi thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ảnh: Y.Hoa |
Theo đó, trực diện là tác động xấu đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một kỳ thi vốn đã “dày công vun đắp” và đang đi ở chặng cuối của một hành trình dài với nhiều tích cực hơn so với năm trước. Cùng với vô số bất cập khác, những người “nặng nợ” với giáo dục vẫn luôn trăn trở về một kỳ thi thành công.
Một kỳ thi thành công…
Nếu nhìn tổng diện trên trục thời gian ngót hơn 5 năm trở lại đây, thì đây là kỳ thi ít có sự thay đổi và biến động so với năm cận kề liền trước. Có được sự ổn định này trước nhất phải kể đến vai trò của Bộ GD-ĐT, đến những “thuyền trưởng” có vai trò chủ đạo trong việc “điều khiển con tàu giáo dục” cặp được bến bờ thành công trên hành trình vốn luôn luôn gặp không ít khó khăn trắc trở. Phải kể đến tác động tích cực của dư luận, của báo chí. Nhất là những ý kiến phản biện đầy thiện ý và trách nhiệm. Mà dẫn chứng dễ thấy cho những chuyển biến tích cực này là, chỉ cần so sánh với những năm vừa qua, đã bớt đi rất nhiều những bất cập về quy chế, tổ chức; bớt đi nhiều những “sốt, nóng” từ phàn nàn của xã hội. Nếu nhìn rộng hơn, tín hiệu tích cực nhất là tiết kiệm rất lớn nguồn lực cho nhân dân, tài chính cho đất nước.
Dễ thấy nhất trong những ngày này là sự chung sức, chung lòng của cả xã hội cho việc học hành, thi cử. Nét lo âu của phụ huynh hiện rõ trên khuôn mặt khi con em không làm tốt bài thi. Bác xe ôm hạ giá tiền xe và ân cần hơn mọi ngày cho sĩ tử. Những sinh viên tình nguyện đã sẵn lòng “ứng chiến” từ 5 giờ sáng mặc cho đang giữa mùa World Cup sôi động. Giảng viên các trường ĐH “chiếu chăn” lên đường về các điểm thi ở địa phương như một cuộc hành hương. Những thầy cô giáo được điều động tích cực làm công tác coi thi; những cô phục vụ, lao công cũng vui vẻ hơn với công việc… Đó là những tín hiệu tích cực đáng mừng.
Và chờ đến bao giờ?
Song bấy nhiêu mặt được vẫn chưa xua tan hết được những lo lắng, băn khoăn về ý nghĩa thật sự của kỳ thi, khi mà lòng tin vào chất lượng của nó giảm sút khiến các trường ĐH phải tự xây dựng cách tuyển sinh riêng. Lo lắng vì thí sinh vẫn còn nhiều áp lực về gánh nặng kiến thức, khi đề thi thêm chương trình lớp 11 và năm sau thêm cả lớp 10. Băn khoăn về sự thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ khi các điểm thi giao về cho địa phương.
Năm nào cũng thế, cứ sau mỗi kỳ thi là phát sinh những trục trặc, bất cập. Nếu các năm trước là bất ổn về cách xét tuyển, bất thường về hiện tượng “mưa điểm 10”, là bất hợp lý về cách làm tròn điểm, cách tính điểm ưu tiên…, thì năm nay lại bất an về việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định điểm sàn, về việc đề thi dài và quá khó tạo ra áp lực căng thẳng cho thí sinh. Về tiêu cực trong việc chấm thi ở các địa phương… Những trục trặc, bất cập ấy đã làm giảm sút lòng tin của xã hội vào thi cử – một khía cạnh thuộc lĩnh vực giáo dục đáng lẽ phải có tính ổn định tương tối và vững chắc.
Bộ GD-ĐT đừng để năm học nào, địa phương, người dạy và người học cũng phải mang một tâm lý lo âu, căng thẳng, phấp phỏng đợi chờ: chờ thay đổi quy chế thi cử, xét tuyển; chờ giới hạn nội dung ôn thi, chờ đề thi minh họa… Và cả việc chờ không biết có sự thay đổi gì ở Bộ GD-ĐT tiếp theo nữa hay không! |
Vừa sau kết thúc kỳ thi năm nay, dư luận lại dấy lên việc đặt ra vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi 2 chung. Lại có ý kiến cho rằng nên giao việc chấm thi về cho các trường ĐH để hạn chế tiêu cực. Nếu đề xuất này thành hiện thực, thì quả thật đây là biểu hiện nực cười của kiểu tư duy “con kiến mà leo cành đào…”, của cách làm chắp vá “đẽo cày giữa đường”. Và rõ ràng đó là minh chứng cho một lộ trình thay đổi đã vạch ra nhưng thiếu bền vững và tầm nhìn, không có lòng tin vào sự thành công, không có cả sự quyết đoán bản lĩnh.
Nói gì thì nói, chúng ta không nên xem nhẹ hoặc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi thấy chí lý với ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết như thế về điều này trước đây. Vì đó là một cách làm giáo dục “nuông chiều con trẻ”. Hiện tại, các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS đã bỏ từ lâu. Nếu bỏ luôn kỳ thi THPT thì hậu quả sẽ khó lường như thế nào?
Chúng tôi cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT hiện nay đang đúng hướng. Điều quan trọng bây giờ là sự điều chỉnh những bất cập cho thật hợp lý hơn. Nhưng quan trọng hơn nữa mà Bộ GD-ĐT cần có đó là sự nhạy bén, kịp thời phản hồi trước những ý kiến “nóng” của dư luận xã hội. Bộ GD-ĐT đừng để năm học nào, địa phương, người dạy và người học cũng phải mang một tâm lý lo âu, căng thẳng, phấp phỏng đợi chờ: chờ thay đổi quy chế thi cử, xét tuyển; chờ giới hạn nội dung ôn thi, chờ đề thi minh họa… Và cả việc chờ không biết có sự thay đổi gì ở Bộ GD-ĐT tiếp theo nữa hay không!
Rõ ràng bên cạnh những mặt được, chúng ta còn quá nhiều bất ổn, khiếm khuyết. Một kỳ thi thật sự thành công, phải chờ đến bao giờ?
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)