Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Một kỳ thi và việc tuyển sinh của các trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – tư vấn hướng nghiệp cho học sinh TP.HCM trong chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.Bình
Theo quyết định 3538/QĐ-BGDĐT ngày 9-9-2014 phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đặt ra vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nhưng không rõ các trường TCCN, TC nghề sẽ tuyển sinh ra sao.
Đây là một vấn đề cần được quan tâm, bởi với phương án tuyển sinh mới, học sinh (HS) có thể chưa định hướng, chưa lường được cách thức và khả năng để được chọn vào các trường ĐH, CĐ – khi đó có thể phần đông HS sẽ tập trung nộp hồ sơ vào các trường này, khiến một số trường sẽ quá tải. Thay vì chủ động nộp hồ sơ thi hoặc xét tuyển vào các trường nghề ngay từ đầu, bây giờ với tình huống này, sau khi không được tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì các em lại ồ ạt nộp đơn vào các trường nghề, gây khó khăn cho các trường này; trong khi lại chưa có phương án tuyển sinh riêng của khối các trường này từ năm 2015 để tương ứng với phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Trên thực tế, trong xu hướng nhu cầu lao động hiện nay, ngành giáo dục cần thiết có định hướng, khuyến khích một bộ phận HS chọn học nghề thay vì nộp đơn để được xét tuyển (thay đăng ký thi) vào các trường ĐH, CĐ. Trước hết, đó là sự định hướng từ chính sách, thông qua việc xác định phương thức tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh của bản thân các trường nghề cũng như phương thức tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Theo đó, cần thiết siết chặt việc tuyển sinh ở các trường ĐH, CĐ để chất lượng đầu vào của các trường này đảm bảo, đồng thời tạo điều kiện để những HS chưa trúng tuyển vào các trường nghề có thể chọn lựa phương án học tập này vừa phù hợp với khả năng, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động – vốn thường xuyên rơi vào cảnh “thừa thầy thiếu thợ”, và các đơn vị sử dụng lao động phải đào tạo lại một bộ phận người tốt nghiệp ĐH, CĐ mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc…
Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp để khắc phục tình trạng này trong kỳ tuyển sinh năm 2015 và các năm sau đó.
Thứ nhất, kịp thời bổ sung phương án tuyển sinh ở các trường nghề, trên cơ sở của phương án một kỳ thi quốc gia từ năm 2015. Theo đó, cần thiết có ít nhất 2 đối tượng tuyển sinh: Đã tốt nghiệp THPT (thời gian học như hiện nay) và chưa tốt nghiệp THPT (thời gian học dài hơn, sau khi tốt nghiệp sẽ có đồng thời bằng THPT và bằng TC nghề). Tuy nhiên, cần thiết cho phép các trường xem xét điểm ngưỡng 4 môn thi tốt nghiệp (dĩ nhiên thấp hơn ngưỡng của các trường ĐH, CĐ) bên cạnh điểm học cả năm lớp 12 (hoặc 3 năm THPT) để chọn vào một số ngành phù hợp.
Thứ hai, có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng của các trường nghề. Ở đầu vào, bên cạnh “điểm ngưỡng”, có thể cho phép các trường ưu tiên chọn điểm thi 4 môn (dưới điểm ngưỡng, kể cả không đủ điểm tốt nghiệp – sẽ có phương án học như đã nêu ở trên) trong kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào một số ngành. Tức là không phải bất cứ HS nào không đủ điều kiện vào các trường ĐH, CĐ cũng có thể học TC, mà vẫn có sự cạnh tranh nhất định. Ở quá trình học và đầu ra, cần thiết tăng thực hành nhiều hơn, gồm cả thực hành tại trường và tại các doanh nghiệp theo sự liên kết của trường. Ở một số trường, cho phép trường tổ chức thi bậc nghề (hoặc kết hợp với thi tốt nghiệp) theo hướng chặt chẽ, chất lượng và xem chứng chỉ bậc nghề đó có giá trị trong việc tính bậc lương ở các doanh nghiệp khi tuyển dụng.
Trong xu hướng nhu cầu lao động hiện nay, ngành giáo dục cần thiết có định hướng, khuyến khích một bộ phận HS chọn học nghề thay vì nộp đơn để được xét tuyển (thay đăng ký thi) vào các trường ĐH, CĐ.
Thứ ba, hoàn thiện, bổ sung nhiều chính sách khuyến khích HS đăng ký vào các trường nghề. Đó là chính sách ưu tiên điểm theo khu vực, theo diện chính sách…; ưu tiên tạm hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự; chính sách học bổng; chính sách hỗ trợ tìm việc làm; được tạo điều kiện tham gia các hội thi HS nghề giỏi cấp tỉnh/thành, quốc gia, khu vực…; tạo điều kiện học liên thông lên CĐ, ĐH đối với một số trường nhất định. Những chính sách đã có cần rà soát lại xem việc thực hiện trên thực tế có hiệu quả không, có được triển khai đầy đủ không…; với những chính sách còn thiếu cần thiết có sự nghiên cứu thấu đáo và kịp thời bổ sung, đặc biệt là với những trường nghề trọng điểm.
Tóm lại, chủ trương tổ chức một kỳ quốc gia có tác động rõ rệt đến việc tốt nghiệp THPT của HS cũng như các trường ĐH, CĐ và TCCN. Do đó, cần thiết có sự điều chỉnh đến việc tuyển sinh của cả các trường TC theo hướng thu hút ngày càng nhiều hơn HS vào học ở khối trường này; đồng thời từng bước nâng chất lượng của các trường nghề để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Trường nghề không nằm trong đối tượng cần phải điều chỉnh?
Bộ tài liệu hỏi đáp về kỳ thi THPT quốc gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc thi tốt nghiệp và việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ nhưng không nhắc gì đến các trường nghề. Như vậy, dư luận có thể hiểu rằng, với chính sách một kỳ thi quốc gia, các trường nghề không nằm trong đối tượng cần phải điều chỉnh, phải thực hiện. Nhưng rõ ràng với việc thực hiện phương án mới này, chắc chắn các trường nghề sẽ chịu ảnh hưởng không ít, từ hình thức xét tuyển, đối tượng xét tuyển đến chất lượng của đầu vào… Dĩ nhiên từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo và chất lượng đầu ra. Vì vậy, đây cũng là lý do để nhóm các trường này cần thiết có được sự hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
 
 

Bình luận (0)