Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một lần lên cao nguyên đá

Tạp Chí Giáo Dục

‘‘Chưa lên cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc thì như chưa đến Hà Giang’’ – câu nói của mấy người bạn tại bảo tàng Hà Giang đã thúc giục chúng tôi lên đường đến Đồng Văn.
Đường đến Đồng Văn…
 Từ Hà Nội chúng tôi vượt hơn 300km tới thị xã Hà Giang và dành một buổi tối để dạo quanh thị xã nhỏ xinh, nơi có dòng Lô chia đôi phố núi. Cảm giác thật khó quên khi ngồi trong quán nhỏ giữa tiết trời se lạnh, sương núi giăng giăng, xuýt xoa bên tô cháo ấu tẩu nóng hổi, nhấm nháp thêm chút rượu ngô thơm lừng…
Trên suốt cung đường dài 150km từ Hà Giang – Đồng Văn, một bên toàn là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, những con dốc quanh co, những khúc cua tay áo liên tiếp… Chúng  tôi qua dốc Bắc Sum, qua cổng trời Quản Bạ, đèo Cán Tỷ, Yên Minh, Mậu Duệ…, dừng chân ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (vua Mèo) – một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, trước khi đến Đồng Văn.
Hiểm trở đường lên Đồng Văn
Thật thích thú khi lần đầu tiên được tham gia phiên chợ vùng cao cùng đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn. Chợ Đồng Văn mỗi tuần họp một phiên duy nhất vào ngày chủ nhật. Người Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng… với những bộ trang phục truyền thống đủ màu sắc đổ từ các ngả núi xuống chợ, người dắt lợn, dắt chó, người gùi củi, gùi rau… Có người phải đi từ 3 giờ sáng xuống núi cho kịp phiên chợ. Họ xuống chợ không chỉ để trao đổi mua bán hàng hoá mà còn để giao lưu, gặp gỡ, để uống rượu, thổi khèn và ăn thắng cố.
Xuống chợ
Độc đáo phố cổ Đồng Văn
Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang, khu vực Đồng Văn được giao cho các thổ ty người địa phương cai quản, thời điểm đó cũng là lúc phố cổ Đồng Văn ra đời.
Phố cổ Đồng Văn là một quần thể các công trình kiến trúc cổ tổng hợp giữa phong cách Việt Nam – Trung Quốc với hơn 40 nếp nhà của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Hoa, Mông, Dao sinh sống từ lâu đời tại đây. Trung tâm khu phố cổ là một khu chợ hình chữ U thuộc thôn Đồng Tâm. Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang, chợ đã có từ trước khi người Pháp đến Đồng Văn. Vào năm 1923, một trận hoả hoạn đã thiêu cháy toàn bộ chợ và những ngôi nhà gần đó. Sau đợt hoả hoạn, người dân Đồng Văn sang Trung Quốc thuê những người thợ ở Tứ Xuyên về dựng nhà. Vì vậy, kiến trúc đặc trưng của phố cổ Đồng Văn mang phong cách Trung Hoa kết hợp với kiến trúc của các dân tộc thiểu số trong vùng.
Nhà cổ – Ảnh: website Sở Ngoại vụ Hà Giang
Các ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng. Cột và sàn nhà bằng gỗ nghiến và gỗ lim, tường đất dày 40-50cm đảm bảo đông ấm hè mát, mái gồm hai phần (trước, sau) lợp ngói âm dương. Khuôn viên nhà được bố cục hài hoà, chặt chẽ, từ cổng ra vào, nhà chính, bếp ăn, nhà kho, công trình phụ… đều tuân thủ theo phong thuỷ truyền thống.
Người dân sống trong khu phố cổ chủ yếu làm nghề buôn bán và một số nghề phụ như nấu rượu ngô, làm bánh, làm ruộng… Những ngôi nhà cổ nhất là nhà ông Lương Huy Ngò, nhà bà Hoàng Thị Tân, nhà ông Phạm Văn Dục và khu Uỷ ban nhân dân xã thuộc thôn Đồng Tâm có niên đại trên 200 năm, các ngôi nhà khác cũng có niên đại trên 100 năm. Tuy nhiên hiện nay toàn bộ những ngôi nhà cổ này đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Một vài hộ dân ở đây đã đập nhà cổ đi để xây những toà nhà theo lối kiến trúc tân thời lạc lõng.
Ruộng bậc thang – phong cảnh quen thuộc ở Hà Giang
Khi chúng tôi hỏi chủ nhân những ngôi nhà cổ này thì được biết tất cả đều muốn giữ lại ngôi nhà cổ của mình và thích ở nhà cổ hơn. Tuy nhiên một vài ngôi nhà đã quá dột nát mà chính quyền và các ngành liên quan chưa có hành động thiết thực để bảo vệ nên nhân dân đành phải phá nhà cổ đi để xây mới.
Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị khu phố cổ Đồng Văn, năm 2008, Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học, pháp lý trình Bộ Văn hoá, Thể thao& Du lịch xếp hạng phố cổ Đồng Văn là di tích kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, Uỷ ban Nhân dân huyện Đồng Văn cũng đã có nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh về cao nguyên đá và phố cổ Đồng Văn như tổ chức Hội chọi chim vào những ngày chợ phiên hay Đêm phố cổ vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Vào Đêm phố cổ, các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ. Một số hoạt động như trưng bày sản phẩm thổ cẩm, bán các món ăn truyền thống của các dân tộc, giao lưu văn nghệ… cũng được tổ chức nhằm  thu hút khách du lịch.
Theo Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)