Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một lần về Pác Bó

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi có dịp về thăm Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) một ngày hè vàng nắng. Người Tày, Nùng gọi nơi này là Pác Bó. Cái tên có từ xửa từ xưa. Pác Bó hiểu theo nghĩa rộng là đầu nguồn nước. Pác Bó, cội nguồn dòng nước và cũng là cội nguồn của cách mạng.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã về đây lãnh đạo nhân dân ta đánh Pháp đuổi Nhật.

Từ thị trấn Xuân Hòa, huyện lỵ của huyện Hà Quảng, tôi đến Đôn Chương, cửa ngõ về Pác Bó. “Lại một ngã tư bâng khuâng. Trong nhiều ngã tư đất nước”. Trong tôi chợt vang lên câu thơ của nhà thơ Xuân Hoàng viết về ngã tư này. Xưa kia tại đây có một bốt gác của Pháp. Thời kỳ ở Pác Bó, trong một lần đi công tác qua đây Bác đã cải trang thành một ông thầy cúng người Nùng, điềm tĩnh trước những đôi mắt soi mói của bọn lính dõng, thoát khỏi sự lục soát, xét hỏi gắt gao.

Ngã tư hôm nay bình yên với những ngôi nhà nhỏ, mấy quán hàng đơn sơ bên đường.

Bản Pác Bó

Lại nhớ chuyện mùa xuân năm 1961, Bác về thăm lại hang Pác Bó sau 20 năm xa cách. Hồi đó đường từ Đôn Chương đi Pác Bó chỉ là con đường đất nhỏ, ôtô đi không được. Bác đã xuống xe đi bộ. Đồng bào đi đón Bác thấy vậy tìm một con ngựa để Bác cưỡi cho khỏi mệt. Bác không cưỡi ngựa mà cùng mọi người đi bộ từ Đôn Chương về Pác Bó, vừa đi vừa trò chuyện, thăm hỏi bà con. Bác nói: “Tôi trở về nhà mà sao bà con lại đi đón tôi!”.  

Qua khỏi ngã tư Đôn Chương là đến bản Nà Mạ (xã Trường Hà), quê hương của người anh hùng liệt sĩ thiếu niên Kim Đồng. Tại đây vẫn còn lưu giữ các di tích: cầu Nà Mòn, nơi Kim Đồng bị giặc khám xét trong một lần đi liên lạc; hòn Thin Nghiểng – một gộp đá lớn bên đường – nơi Kim Đồng thường đứng canh gác cho cán bộ hội họp; vết tích nền nhà ông Lý Văn Kinh, nơi các cán bộ châu Hà Quảng họp bí mật đêm 14-2-1943 – đêm Kim Đồng đã đánh động khiến địch phải nổ súng, hi sinh anh dũng để bảo vệ cán bộ cách mạng.

Mộ Kim Đồng – Ảnh: P.Vũ

Chúng tôi dừng chân ở bản Nà Mạ, thăm mộ anh Kim Đồng. Ngôi mộ nằm trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng dưới chân dãy núi, ốp đá màu hồng nhạt. Tấm bia nổi bật dòng chữ “Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) 1929-1943”. Phía sau mộ là tượng đài Kim Đồng màu trắng với hình ảnh người thiếu niên trong bộ trang phục dân tộc Nùng, đang nâng trên tay con chim sáo nhỏ, hình ảnh đã trở nên rất thân thuộc với bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Tôi thắp nén nhang kính cẩn nghiêng mình trước mộ người anh hùng.

Kề bên khuôn viên của khu mộ, chếch về phía bên phải có một nấm đất nhỏ. Đó là nơi dân bản đã mai táng Kim Đồng sau khi anh hi sinh (sau này mộ mới được di dời về vị trí hiện tại). Trên nấm đất còn có tấm bia nhỏ ghi dòng chữ “Mộ Kim Đồng được an táng lần đầu năm 1943”. Ngay trên gộp đá, sát nấm đất, mấy cây gỗ nghiến vươn cao. Những người dân ở đây kể rằng sau khi chôn cất Kim Đồng không lâu, bên mộ bỗng mọc lên một cây gỗ nghiến…

Bao năm trôi qua cây gỗ nghiến năm xưa đã cao lớn xum xuê, và bên cạnh nó còn mọc thêm mấy cây nghiến con nữa. Gỗ nghiến là một loại gỗ quý của núi rừng Việt Bắc, được liệt vào hạng tứ thiết. Phải chăng đây là sự hóa thân linh thiêng, thể hiện khí phách bất khuất của người anh hùng nhỏ tuổi?

Con đường nhựa lên Pác Bó phẳng phiu, uốn lượn theo chân núi. Qua bản Hoong, bản Hoàng là đến bản Pác Bó.

“Ơi bản Pác Bó quê ta, nhớ rừng xưa ôm bóng Người"… Bản Pác Bó đó, hơn chục ngôi nhà sàn đơn sơ, lặng lẽ dưới chân núi. Đồng lúa trước bản đám xanh non, đám vàng mơ, đám vừa gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Những bóng áo chàm thấp thoáng trên đồng.

Nơi đã từng in dấu Người… – Ảnh: P.Vũ

Non xa xa, nước xa xa. Nào phải thênh thang mới gọi là. Đây suối Lênin, kia núi Mác. Hai tay xây dựng một sơn hà” – Ảnh: P.Vũ

Khu vực hang Pác Bó là một hẻm núi hẹp hình chữ U. Suối Lênin chảy giữa hai dãy núi cao vút. Núi Các Mác sừng sững, uy nghiêm. Hang Pác Bó nằm trên triền núi bên phải, cách bờ suối chừng trăm mét. Đường lên hang dốc ngược cây cối um tùm, nắng lốm đốm trên lối đi. Miệng hang lộ thiên, lòng hang là một vòm rộng ăn sâu vào lòng núi. Từ trên nhìn xuống chỉ thấy tối mờ mờ. Lối vào hang là một ngách đá hẹp phía bên phải.

Trong hang ẩm ướt, nền hang mấp mô những tảng đá. Chiếc giường của Bác được ghép bằng những thân cây rừng. Tượng Các Mác khắc trên nhũ đá ở vách hang vẫn còn rõ nét. Tất cả gợi nhớ một quãng đời hoạt động cách mạng gian nan mà hào hùng.

Chúng tôi đi dọc bờ suối, thăm lại những nơi từng in dấu của Người: nơi Bác ngồi câu cá sau những giờ làm việc, mặt nước phẳng lặng, rợp mát bóng cây; cây ổi Bác thường hái lá để đun nước uống thay trà; khóm trúc Bác trồng năm xưa nay đã thành một vườn trúc tươi tốt. Bác trồng khóm trúc này trong lần Người về thăm Pác Bó tháng 2-1961, thể theo ý nguyện của người dân ở đây bởi theo quan niệm của người Tày, Nùng, cây trúc tượng trưng cho sự trường thọ.

Bàn đá, nơi Bác thường ngồi làm việc, rêu bám xanh những gờ đá. Giữa nơi thâm sơn cùng cốc này tự nhiên lại có một tảng đá bề mặt khá phẳng phiu để Người dùng làm bàn viết. Ngẫm ra tạo hóa cũng thật khéo sắp đặt và hình như mọi thứ sinh ra trên đời này đều có nguyên do của nó.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng – Ảnh: P.Vũ

Tôi đứng rất lâu nơi đầu suối. Cây cối mọc lên từ vách núi, vòm lá đan cài, che rợp. Nước ào ào từ chân núi chảy ra, len lỏi trong những khe đá, tràn qua những bậc đá mấp mô, tỏa rộng như cánh cung ra đôi bờ. Đây chính là nơi khởi đầu của dòng suối lịch sử. Từ nơi đây ngọn lửa cách mạng đã lan tỏa, sáng soi khắp non sông…

Dù rất muốn nhưng vì quy chế biên phòng chúng tôi không thể lên đỉnh núi đầu suối để thăm cột mốc 108, nơi Bác đã xúc động hôn lên nắm đất của Tổ quốc ngày trở về sau 30 năm đi tìm đường cứu nước. Đành đứng dưới chân núi, bên tấm biển vành đai biên giới chụp tấm hình làm kỷ niệm.

Giống như bao người con từ mọi miền Tổ quốc hành hương về đây, tôi vốc nước suối uống ngụm nước đầu nguồn, uống vào lòng cả một niềm yêu thương, thành kính.

BA HƯNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)