Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Một lòng theo Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Đinh Trí

“Bác Hồ, Bác Hồ…”, cậu học sinh (HS) người đồng bào H’re Đinh Trí reo vang khi được gặp Bác. Và kể từ đó cho đến bây giờ, nhà giáo Đinh Trí (nay là Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Hà, Quảng Ngãi) luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Âm vang lời Bác
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, biết bao đồng bào, đồng chí đã lặng lẽ hy sinh vì tổ quốc. Người cha thân yêu của anh Đinh Trí cũng vĩnh biệt gia đình ra đi cùng đồng đội.
Năm 1955, chiến tranh trên miền quê Quảng Ngãi ngày càng ác liệt. Khi đó anh Trí mới lên 3, quá bé dại để hiểu thế nào là chiến tranh và mất mát. Trên chuyến tàu cuối cùng, anh được mẹ đưa ra Bắc tập kết. Năm 4 tuổi, anh tiếp tục gánh chịu sự mất mát lớn khi mẹ qua đời.
Anh bùi ngùi nhớ lại: “Lúc đó tôi được 4 tuổi, đủ lớn để cảm nhận được sự mất mát. Tôi thấy thật trống vắng khi phải sống như vậy nhưng cũng đành chấp nhận sự thật bởi căn bệnh quái ác đã cướp mẹ khỏi đời tôi. May thay, ông ngoại cũng ở ngoài Bắc nên tôi chuyển về sống với ông. Lên 5, tôi về Trường Mồ côi Hải Phòng”.
“Năm 1963, khi học lớp 5, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm trường tôi, đó là Trường Dân tộc Trung ương Hà Nội. Nghe mọi người hô vang: “Bác Hồ, Bác Hồ…”, chúng tôi chạy ùa ra sân để được gặp Bác. Sau một vòng tham quan trường, Bác căn dặn: “Về học tại trường gồm nhiều dân tộc khác nhau, các cháu phải biết đoàn kết mọi lúc mọi nơi dù gặp khó khăn, gian khổ bởi các cháu là dân tộc Việt Nam; là người chủ tương lai của đất nước”. Sau đó Bác bắt nhịp cho toàn trường hát vang những bài ca về tình đoàn kết. Từ đó, hình ảnh Bác Hồ là hành trang vĩ đại trên con đường xây dựng quê hương trong tôi”, nhà giáo Đinh Trí chia sẻ.
Tình thương yêu của Bác đã tiếp thêm sức mạnh để anh học trò năm xưa vững bước vào đời. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về xây dựng quê hương. “Từ ngày về quê hương Quảng Ngãi, lòng tôi vui sướng khôn nguôi. Những khó nhọc sau ngày thống nhất đất nước không thể làm tôi lùi bước. Tôi đứng lớp được 3 năm thì chuyển sang làm cán bộ quản lý và đến nay là Hiệu trưởng Trường THCS DTNT Sơn Hà”, anh tâm sự.
 “Ba” tiên phong
Không chỉ là người đầu tiên khai hoang trồng rừng, nhà giáo Đinh Trí còn đi tiên phong trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện miền núi Sơn Hà.
Sau giờ lên lớp, anh thường đi lang thang trong rừng và tự hỏi “tại sao chúng ta không biến những vùng đất bị bỏ hoang thành những cánh rừng bát ngát đem lại lợi ích kinh tế?”. Câu hỏi đó cứ ám ảnh anh mãi. Đến năm 1995, anh bị nhiều người cho là “ngu” khi đưa ra ý định trồng rừng. Hơn 2 năm sau, chính quyền giao cho 100 ha đất hoang và anh đã vay 200 triệu đồng đầu tư trồng cây bạch đàn. Nhưng kết quả là “thất bại”. Sau đó, anh tiếp tục vay mượn khắp nơi để có vốn trồng thử nghiệm 10 ha rừng keo lai. Cuối cùng, anh thu về hơn 350 triệu đồng và trả hết nợ nần. Rừng keo lai ngày ấy theo anh cho đến nay. Anh bảo: “Tinh thần, nghị lực của Bác Hồ đã tiếp ý chí cho tôi vượt qua khó khăn này”.
Nhà giáo Đinh Trí trở thành tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, chia sẻ và cống hiến để các thế hệ HS noi theo. Anh đã không ngần ngại hiến 75 ha đất cho người dân quê anh. Không chỉ hiến đất, anh còn sẵn sàng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây keo lai đem lại năng suất cao.
Mỗi năm, Trường THCS DTNT Sơn Hà có hơn 98% HS đậu tốt nghiệp THCS, trong đó hơn 20% đạt loại khá, giỏi. Nhà giáo Đinh Trí sẻ chia kinh nghiệm: “Khi tuyển sinh đầu cấp, nhà trường tiến hành kiểm tra đầu vào và đánh giá, phân loại từng HS. Biết được sức học của mỗi HS, chúng tôi tăng cường phụ đạo để các em hệ thống lại kiến thức bị hổng. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường ngày một nâng cao”.
Khai hoang trồng rừng, đổi mới phương pháp giáo dục, hiến đất – là “ba” tiên phong của người con H’re Đinh Trí. Trong suốt quá trình công tác, nhà giáo Đinh Trí đã được tặng thưởng nhiều bằng và giấy khen các cấp.
Bài, ảnh: Hồng Vương

Bình luận (0)