Mấy năm trở lại đây thí sinh trường làng chọn thi vào các trường đại học nhóm trên không còn là chuyện hiếm nữa. Nhưng ở một xã nghèo mà có năm cô cậu vừa tốt nghiệp THPT cùng ĐH NGoại Thương hẳn là chuyện hiếm.
Đó là chuyện về năm học sinh ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đào Hồng Diệu thi khối A được 29 điểm (toán 9,5; lý 10; hóa 9,5) không làm người ta bất ngờ vì cô bí thư chi đoàn có cá tính này là học sinh giỏi, nhiều năm đoạt giải thi học sinh giỏi toán tỉnh (năm lớp 9 giải KK quốc gia về giải toán trên máy tính Casio).
Phạm Văn Phúc xuýt xoa mãi, môn thi đầu thiếu kinh nghiệm để tuột mất 1,25 điểm (toán 8,75; lý 10; hóa 10). Còn lớp trưởng lớp A1 trường THPT Thái Phúc Đinh Ngọc Tuấn thi Ngoại thương được 28,5 điểm (toán 9,25; lý 9,75, hóa 9,5). Tuấn tiếp tục khẳng định mình khi thi Đại học Y Thái Bình đạt 27 điểm.
Bạn gái Đinh Thùy Linh đỗ mà không cần đến điểm ưu tiên khu vực (toán 8, lý 9,5, hóa 8,5). Cậu học trò Đặng Quốc Khánh biết mình không thật xuất sắc như mấy bạn kia nên phải cố gắng hết sức. Sự chăm chỉ và quyết tâm cao của Khánh đã được đền đáp xứng đáng, với 24 điểm thi và 1 điểm ưu tiên khu vực, cậu sẽ cùng các bạn của mình ghi tên vào danh sách sinh viên trường Đại học Ngoại thương trong năm học tới.
Một điều đáng nói ở đây là cả năm học sinh kia ra đời cùng một năm (1991), học cùng một lớp, bố mẹ đều làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, học xong THPT rồi ôn luyện tại trường THPT Thái Phúc.
Em Phạm Hồng Phúc bố mất từ năm năm trước; mẹ làm nông nghiệp, nuôi chị gái đang học đại học năm thứ ba. Em không thi trường thứ hai để đỡ tốn kém cho mẹ.
Đinh Ngọc Tuấn sát ngày thi để đầu óc thảnh thơi đã đi phu hồ cho bố làm thợ xây bù lại thu nhập trong những ngày đưa em đi thi. Đào Hồng Diệu thì “độc lập tác chiến” vì bố đi làm xa, mẹ còn phải đi chợ.
Điều gì đã đem lại thành công cho năm học sinh ở một xã nghèo như vậy? Phải chăng đây là kết quả của phong trào “học thật thi thật” giúp cho các em có thái độ nghiêm túc ngay từ khi còn học tiểu học, THCS.
Hồng Tâm (tienphong)
Bình luận (0)