Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một miền sâu thẳm ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

So với những thành phố cảng Istanbul hay Izmir náo nhiệt và hiện đại, những vùng ở sâu hơn trong đất nước Thổ Nhĩ Kỳ còn muôn ngàn bí ẩn. Huyền hoặc đời sống tâm linh và rực rỡ những tấm thảm Ba Tư, nền văn hóa đất nước này mang lại cho du khách thật nhiều ngạc nhiên và lòng khâm phục người xưa.

Lâu đài bông bên đồi 

Lâu đài bông ở Pamukkale

Từ Izmir, thành phố lớn nằm bên bờ biển Aege, chúng tôi đi xe buýt khoảng ba giờ để đến Denizli, đi thêm 20km nữa là đến Pamukkale – thị trấn du lịch rất nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Pamukkale có nguồn nước ngầm rất giàu khoáng chất, tạo nên những dòng suối nước nóng nhỏ chảy bên sườn một ngọn đồi lớn.

Nhìn từ xa thấy phía sườn đồi này trắng phau, lấp lóa trong nắng như được tuyết phủ. Thật ra đó là hợp chất calcium bocarbonate trong nước suối tích tụ qua nhiều ngàn năm tạo thành những mảng đá vôi trắng tinh, xếp lớp như vỏ sò. Đó là lý do khiến Pamukkale còn được biết đến với cái tên “lâu đài bông”. Nước suối đọng giữa những lớp đá vôi tạo nên các hồ nước nhỏ xanh ngắt.

Mực nước chỉ hơn nửa mét, lại phảng phất mùi lưu huỳnh, nhưng khung cảnh thiên nhiên quá đặc sắc làm chúng tôi có cảm giác như mình đang vọc nước giữa những lớp mây trắng, xung quanh là rất nhiều nữ du khách diện bikini đủ màu đang ngâm mình và phơi nắng.

Pamukkale được biết đến một phần vì đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nhưng quan trọng hơn là từ hàng ngàn năm trước, thị trấn này đã có khách sạn để phục vụ du khách tham quan, chữa bệnh bằng nguồn suối nước nóng giàu khoáng chất. Để bảo vệ môi trường, du khách phải để giày, dép ở ngoài khu vực lâu đài bông mà không sợ phải đi về chân không.

Trên đỉnh ngọn đồi, hơn hai ngàn năm trước là thành phố Hierapolis (thành phố Thần thánh) phồn hoa với rất nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ cùng những nhà hát, nhà tắm kiểu La Mã hoành tráng với những hàng cột sừng sững. Dù đã đổ nát nhiều vì động đất song nơi này vẫn cho phép du khách hình dung ra đời sống hồi mấy thiên niên kỷ trước của loài người. Những đôi mắt không tròng trên gương mặt hoàn hảo của những bức tượng La Mã trông vừa lạnh lùng vừa u uẩn. Không hiểu người xưa đã nghĩ gì và muốn che giấu điều gì?

Phế tích nhà hát của thành phố Thần thánh

Buổi tối chúng tôi vào một quán ăn trong thị trấn và được mời nếm thử raki – một loại rượu nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ với cà chua, dưa leo. Đây là loại rượu mạnh được chưng cất từ các loại trái cây nho, vả, mận, có mùi thơm lạ. Raki trong suốt như nước lọc và phải uống lạnh. Điều đặc biệt là khi pha nước lạnh hay bỏ nước đá vào thì rượu sẽ chuyển sang màu trắng đục nhưng không bị mất đi mùi vị.

Bữa ăn tối càng rôm rả hơn khi ông chủ quán vui tính giới thiệu rượu xong còn kể thêm nhiều câu chuyện về phong tục, tập quán nơi đây. Thú vị nhất là chuyện cưới xin tại một số làng quê. Chẳng hạn một làng gần đấy có tục lệ là gia đình nào có con gái đến tuổi lập gia đình thì đặt một cái chai trên nóc nhà. Nhà nào có con trai đang muốn lấy vợ, thấy dấu hiệu ấy thì cứ dẫn con trai của mình đến xem mắt cô gái. Nếu cô gái ưng ý chàng trai thì sẽ mời anh một ly cà phê có pha đường, nếu không thì cà phê không đường.

Chủ quán còn vui vẻ kể thêm rằng vào thế kỷ XIX, nước Thổ muốn mở rộng giao lưu với bên ngoài, đã gửi dê sang Úc, gửi gà tây sang Mỹ để mời chào và tự giới thiệu. Lúc bấy giờ, chính phủ Mỹ chưa biết gọi Thổ Nhĩ Kỳ là gì nên gọi luôn những người mang gà tây đến là Turkey và cái tên này từ đó mới có.

Điệu múa thiêng nước Thổ

Sau bốn giờ xe, chúng tôi đến với Konya – thành phố lớn thứ tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Đã qua hàng ngàn năm tuổi nên Konya cũng có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, bên cạnh đó là nhiều cao ốc ba, bốn mươi tầng sáng choang, hiện đại. Con đường dẫn vào trung tâm thành phố tấp nập xe và người. Hai bên đường cũng có những sạp bán rau củ, trái cây, nhưng người bán hầu hết là… nam giới.

Khác với không khí náo nhiệt và đời sống nhiều màu sắc ở Istanbul, Konya trang nghiêm hơn, giản dị hơn. Tôn giáo vẫn chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân thành phố. Lang thang quanh khu vực trung tâm, chúng tôi gặp rất nhiều tu sĩ, hầu hết ăn mặc theo kiểu truyền thống với những bộ đồ dài rộng kín mít.

Đa số phụ nữ lặng lẽ đi lại trên các con phố chính đều đeo mạng che mặt. Tiếng xe ngựa gõ đều nhịp trên đường hòa với tiếng đọc kinh trầm trầm từ các thánh đường Hồi giáo. Tất cả những điều này chứng tỏ thành phố còn giữ được khá nguyên vẹn truyền thống văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Khác với gam màu nghiêm, lạnh thường gặp trên phố, khu chợ cổ lại rất nhiều màu sắc với thảm, vải vóc, đồ da thuộc… Chúng tôi định mua một bình gốm nhỏ xinh xắn nhưng được rao giá đến 650 ngàn lia, tương đương với chín triệu đồng Việt Nam! Nói thách như thế thì thật quá mức. Trước vẻ sửng sốt của chúng tôi, người bán hàng vội vã nói “Five dollars”. Thì ra Thổ Nhĩ Kỳ mới đổi tiền, đơn vị tiền tệ phải bỏ bớt đi hai số không, nhưng nhiều người bán hàng vẫn quen dùng đơn vị tiền tệ cũ nên gây hoang mang cho du khách.

Đầu giờ chiều, chúng tôi viếng thăm bảo tàng Mevlana Tekkesi – ngôi đền với mái hình nón màu xanh lá, là biểu tượng của Konya. Đây là nơi chôn cất và tưởng niệm nhà tư tưởng vĩ đại Mevlana Celaleddin của Thổ Nhĩ Kỳ từ hồi thế kỷ thứ XIII. Trong bảo tàng, người ta trình diễn cho du khách thưởng thức điệu múa tâm linh Derwische do Mevlana sáng tác.

Vũ điệu nghi lễ thiêng liêng của nước Thổ như đã hút hồn du khách. Nghệ sĩ múa là những nam giáo sĩ trong chiếc khăn trắng trùm kín đầu, mặc một chiếc áo choàng trắng rộng, dài chấm đất, người xoay tròn như đèn cù trong tiếng nhạc trầm đi vào nội tâm người nghe. Chiếc mũ tượng trưng cho bia mộ chôn giữ cái tôi – bản ngã của con người.

Người giáo sĩ được cho là sẽ rơi vào trạng thái xuất thần, rời bỏ được cái tôi khi thực hiện những điệu múa nghi lễ này. Hành động xoay tròn trong khi lòng bàn tay phải ngửa ra để đón nhận tình yêu của Thượng đế, lòng bàn tay trái úp xuống để phân phát lại tình yêu cho vạn vật trên Trái đất thể hiện triết lý và niềm tin của Mevlana Celaleddin. Đó là sự tồn tại của vũ trụ và con người là những vòng tròn khép kín, chẳng hạn như vòng tuần hoàn của máu, Trái đất xoay quanh Mặt trời, electron chuyển động xung quanh nguyên tử… Người múa có thể xoay cả giờ đồng hồ mà không ngã vì được tập luyện từ lúc còn nhỏ.

Thành phố ngầm Cappadocia

Quang cảnh vùng Cappadocia

Điểm cuối trong hành trình của chúng tôi là thành phố ngầm Cappadocia. Trên đường đi, có những đoạn hai bên đường toàn cát trắng, xa xa là những dãy núi đá vôi đủ mọi hình thù rất thơ mộng.

Chuyện kể rằng, cách đây đã lâu, vùng Cappadocia là những đồng cỏ chăn thả dê, cừu, nhưng không hiểu vì sao thỉnh thoảng một chú dê hay cừu con lại biến mất. Các mục đồng khi đi tìm thường nghe văng vẳng tiếng các con vật kêu la mà không cách nào tìm ra chúng được. Sau nhiều lần cố gắng tìm kiếm, người ta phát hiện ra có một thành phố trong lòng đất và cừu, dê biến mất là do bị lọt vào các lỗ thông hơi của thành phố ngầm.

Giả thuyết được đặt ra là những người theo đạo Thiên Chúa xưa đã nhận thấy địa hình nơi đây chủ yếu là đá mềm nên đã đào chỗ trú ẩn tránh dã thú, tránh cái lạnh mùa đông. Sau đó, hệ thống thành phố ngầm được mở rộng để đủ chỗ cho toàn bộ giáo dân tránh sự truy đuổi của quân La Mã. Sau này, khi Thiên Chúa giáo được chấp nhận, người dân trở lại mặt đất sinh sống và thành phố ngầm dần dần bị quên lãng.

Lối vào một thành phố ngầm

Hướng dẫn viên cho biết có đến cả… trăm thành phố dưới đất trong khu vực này! Do không có nhiều thời gian, chúng tôi chỉ đến Urgup – một thành phố ngầm tiêu biểu dùng cho du khách tham quan. Nhiều người không khỏi xuýt xoa thán phục khi ngắm sơ đồ hệ thống thành phố ngầm.

Từ gần hai ngàn năm trước, chỉ bằng những vật dụng thô sơ mà con người đã xây được đến bảy, tám tầng dưới mặt đất, ăn thông từ phố này sang phố khác, đã vậy mỗi thành phố có sức chứa đến năm ngàn người, chưa kể chuồng súc vật, kho thực phẩm, bếp, giếng, bể chứa nước, nơi cầu nguyện… đủ để người dân có cuộc sống bình thường mỗi khi phải chui xuống tránh họa trong một khoảng thời gian.

Theo các nhà khoa học thì còn nhiều thành phố nữa mà người ta chưa khám phá ra. Thế mới biết bản năng sinh tồn có thể giúp con người làm được những việc thật phi thường! Buổi tối, chúng tôi tiếp tục được dẫn đến tham quan một thị trấn trong lòng núi cũng hoành tráng chẳng kém gì các thị trấn dưới lòng đất.

Ở vùng Cappadocia này, núi đa phần được cấu tạo từ đá vôi mềm nên người xưa dễ dàng đục khoét, tạo nơi trú ngụ trong lòng núi. Khi màn đêm xuống, đèn bừng sáng trong các ô cửa vòm, trông vừa lung linh vừa huyền bí, như những lâu đài thần tiên trong truyện Ngàn lẻ một đêm.

Chúng tôi vẫn nhớ lời chào tạm biệt của anh hướng dẫn viên địa phương kèm theo sự tự hào không hề che giấu rằng: Những gì chúng tôi vừa chiêm ngưỡng chỉ là một phần nhỏ của nền văn minh Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ vì thế nên chuyến đi chưa kết thúc mà nhiều người đã mơ đến những cuộc khám phá tiếp theo.

Hành lang trong một thành phố ngầm

Một thị trấn trong lòng núi lung linh về đêm

Theo NAM THANH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bình luận (0)