Học sinh tỉnh Hòa Bình được xã hội quan tâm giúp đỡ về cơ sở vật chất để an tâm nâng cao chất lượng học tập. Ảnh: I.T |
Đúng một năm sau nghị quyết 29 của Trung ương ra đời, ngành giáo dục đã có những chuyển biến nhất định cả về chất và lượng. Từ vùng khó đến vùng thuận lợi, giáo dục đã chuyển mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn, trăn trở.
Tiếng nói từ thực tiễn
Thầy Đoàn Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết, nghị quyết 29 giống như một chiếc “gậy” cho trường và học sinh thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều đổi mới đầu tiên của trường là chú trọng phát triển năng lực học sinh, dạy theo cách tinh giản. Cũng nói về đổi mới giáo dục, thầy Bùi Văn Đường, Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết giáo viên đã chú trọng việc dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích học sinh tự học, tự trang bị cho học sinh kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh. Mỗi giờ dạy, giáo viên đều tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh như kỹ năng lao động, kỹ năng tự bảo vệ. Mục đích cuối cùng giúp học sinh không chỉ biết về lý thuyết mà biết nhiều về thực hành. Đồng thời, trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, mời các chuyên gia trao đổi về các kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn hóa văn nghệ TDTT cho học sinh nhằm nâng cao thể chất, thể lực góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Đến từ vùng thuận lợi nhất cả nước, cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục theo tinh thần nghị quyết 29 nhà trường đã thực hiện sáng tạo trong việc dạy và học, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin kết hợp với bản đồ tư duy trong dạy học. Bản đồ tư duy có thể sử dụng trong môn toán, từ đó cho học sinh tiếp cận hoặc đưa vào các tiết dạy chuyên đề, tuyên truyền các tệ nạn xã hội. Trong năm học 2014, trường đã bắt đầu triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”, đồng thời thực hiện các sáng tạo, linh hoạt trong các tiết học truyền thống. Trường THCS Tô Hoàng đang tăng cường trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, tránh việc học sinh mơ hồ với những kiến thức học được trong nhà trường.
Nghị quyết 29 đã trả lời được chúng ta cần làm gì
Mặc dù vậy, khi đi vào thực tế, nghị quyết 29 vẫn còn những trăn trở, băn khoăn. GS. Nguyễn Minh Đường cho biết mô hình trường học mới (VNEN) là mô hình mới, hiện đại. Nhưng liệu có áp dụng được những gì cho việc đổi mới giáo dục? Nếu chúng ta sử dụng chương trình của mình để dạy học theo chương trình của VNEN liệu có thành công? Hoặc dùng chương trình của VNEN để đổi mới dạy học thì liệu có giữ được chuẩn đầu ra hay không? “Mô hình VNEN là rất tốt, nhưng vấn đề thực hiện như thế nào, muốn thực hiện được căn bản phải thay đổi chương trình, chứ không thể dạy chương trình hiện tại. Và phải thay đổi môi trường dạy học, thời gian dạy học”, GS. Đường cho biết. Khi thực hiện nghị quyết 29, theo GS. Nguyễn Minh Đường cần tập trung vào hai vấn đề cơ bản là dạy học theo năng lực, hãy biến những kiến thức trong sách vở như toán, lý, hóa thành những năng lực của mỗi con người, để có thể làm được cái gì đó. Làm được vấn đề này không dễ, cần thay đổi chương trình, thay đổi cách dạy cách học. Thứ hai là dạy tích hợp, sắp tới không dạy lý, hóa, sinh mà dạy khoa học tự nhiên, không dạy sử, địa mà dạy khoa học xã hội. Giáo viên sẽ không còn toán, lý, hóa hay văn, sử, địa mà chỉ còn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, và cái khó nhất làm thế nào để giáo viên có năng lực dạy tích hợp ba môn lại với nhau? Cũng theo GS. Nguyễn Minh Đường, không thể bắt giáo viên làm khác với chức năng của họ, bắt giáo viên soạn chương trình, bắt giáo viên soạn bài học tích hợp, tất cả đó không phải là nhiệm vụ của giáo viên, mà là Bộ GD-ĐT phải làm, bộ phải xây dựng chương trình tích hợp, chương trình phát triển năng lực và bộ phải có sách giáo khoa để tập huấn cho giáo viên. Còn theo GS. Trần Hồng Quân, sau khi giải phóng (đã gần 40 năm) nhưng giáo dục chưa làm được gì. GS. Quân thừa nhận, đó là cái tội, là cái nợ của chúng ta đối với đất nước. “Lần này là dịp để chúng ta nỗ lực. Với nghị quyết 29 lâu nay chúng ta đã trả lời được chúng ta cần làm gì, nhưng vấn đề làm như thế nào thì chúng ta vẫn dừng lại. Trước hết là trách nhiệm ở tầm vĩ mô, nhưng ở cơ sở đã có những sự sáng tạo, đó là tâm huyết của các nhà giáo. Còn một câu hỏi, đời sống của giáo viên như thế nào? Đó là câu hỏi không thể không giải quyết trong quá trình đổi mới” GS. Quân nói. Còn việc đi đến dạy tích hợp như thế nào, GS. Trần Hồng Quân cho rằng, việc dạy tích hợp không chỉ tích hợp về kiến thức mà cần tích hợp về kỹ năng. Chia sẻ thêm, GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, giáo dục toàn diện với học sinh, trong đó phải tạo cho các em sự tự tin trước xã hội. Nhận định về công tác triển khai nghị quyết 29 tại các cơ sở, GS. Bành Tiến Long vui mừng cho rằng, ở các cơ sở đang có một sự chuyển động thực sự chứ chưa nói tới kết quả. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có những cái khó, khó nhất làm sao thay đổi được tư duy giáo viên để đổi mới, đã thay đổi rồi thì hành động như thế nào? Ông Trần Đình Châu – Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết: Hội đồng Quốc gia giáo dục rất chú trọng, khích lệ các cơ sở giáo dục để góp phần đưa nghị quyết 29 vào cuộc sống. Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có rất nhiều lĩnh vực, trước hết là về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và huy động các lực lượng tổng hợp từ gia đình, xã hội. Hội đồng Quốc gia đổi mới giáo dục quan tâm đến tất cả các yếu tố để cho nền giáo dục Việt Nam phát triển.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)