Trong danh mục nghề nghiệp của Việt Nam có hơn 800 nghề. Điều này không có nghĩa là học một ngành ra trường chỉ làm một công việc mà có nhiều đầu công việc khác nhau để chúng ta lựa chọn.
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi
Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Sự khác nhau giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành marketing
Trong chương trình tư vấn, một học sinh lớp 12 thắc mắc: “Em muốn học ngành khoa học máy tính nhưng không biết ngành này có nhiều cơ hội việc làm không, có những đầu công việc nào?”. Giải đáp thắc mắc này, bà Trần Bạch Khả Tú (đại diện Phòng Tuyển sinh, Trường Swinburne Việt Nam) cho biết, hiện nay khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, vì vậy ngành khoa học máy tính sẽ là ngành “hot” trong tương lai với nhiều cơ hội việc làm dành cho người học. Cụ thể, với ngành này, người học ra trường có thể làm việc trong nước hoặc sang nước ngoài làm việc với các công việc như kỹ sư công nghệ, cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm, chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng… “Hiện nay các em học một ngành nhưng có nhiều đầu công việc khác nhau nên cơ hội việc làm luôn rộng mở. Nếu các em cố gắng học tập, phấn đấu sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”, bà Trần Bạch Khả Tú chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chia sẻ khó khăn trong việc chọn nghề
Giải đáp về sự khác nhau giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành marketing, ThS. Nguyễn Bá Anh (Phó Giám đốc Trường ĐH Gloucestershire Việt Nam) cho hay, đây là hai ngành học phổ biến được nhiều học sinh lựa chọn hiện nay. Trong đó, ngành quản trị kinh doanh được đào tạo những kiến thức liên quan đến kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing… Để thành công đối với ngành này, người học phải có tố chất năng động, nhạy bén, biết nắm bắt tâm lý, có khả năng thuyết phục người khác. Trong khi đó, ngành marketing đào tạo về nền tảng chuyên môn của hành vi tiêu dùng, phát triển sản phẩm, tổ chức hệ thống phân phối bán hàng, thực thi các chiến dịch truyền thông, quan hệ công chúng và những giải pháp marketing kỹ thuật số. Khi tốt nghiệp ra trường, người học hoàn toàn có đủ kiến thức và hiểu biết để làm hầu hết những công việc ở bộ phận marketing của các ngành công nghiệp và có thể làm việc tại các công ty dịch vụ marketing và truyền thông. “So về mặt kiến thức, ngành quản trị kinh doanh và ngành marketing có những điểm tương đồng. Vì vậy, dù học ngành quản trị kinh doanh hay học ngành marketing, khi ra trường người học vẫn có thể làm những công việc liên quan đến hai ngành này”, ThS. Nguyễn Bá Anh cho biết.
Tỷ lệ cạnh tranh càng ít, cơ hội càng cao
Bên cạnh những ngành học đón đầu xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều học sinh lo lắng khi chọn học khối ngành xã hội nhân văn. Cụ thể, một học sinh nam bày tỏ: “Em muốn học ngành tâm lý học; tuy nhiên, em lại sợ ngành này không có cơ hội để phát triển, ra trường không có việc làm?”. ThS. Nguyễn Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, tâm lý học là ngành học liên quan đến con người. Xã hội phát triển và những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc ngày càng dễ bắt gặp. Vì thế, các chuyên gia tâm lý nói riêng cũng như ngành tâm lý học nói chung được tạo ra để giúp chúng ta kiềm chế và cân bằng cảm xúc. Không chỉ trong xã hội, ở các trường học cũng cần những chuyên gia tâm lý để hỗ trợ học sinh giải đáp những vấn đề, vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Nhiều học sinh thường nghĩ học ngành này sẽ không có việc làm nhưng thật ra ngành tâm lý hiện nay rất cần nguồn nhân lực. “Sinh viên học ngành tâm lý học ra trường có thể làm những công việc như: Chuyên viên tham vấn tâm lý ở các trường học, làm công tác giảng dạy, làm việc ở các bệnh viện… Ngoài ra, người học cũng có thể mở công ty, phòng khám để hỗ trợ tâm lý cho những người có nhu cầu”, ThS. Nguyễn Quốc Huy cho biết.
Học sinh nên chọn ngành theo năng lực Tại chương trình tư vấn, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A lưu ý, khi lựa chọn ngành học, học sinh nên chọn ngành theo năng lực. Khi có năng lực sẽ có đam mê, từ đó giúp bản thân phát huy được khả năng và gắn bó với công việc lâu dài. Nếu chưa biết bản thân yêu thích, đam mê ngành gì, các em nên làm bài kiểm tra trắc nghiệm năng lực, hoặc tham khảo ý kiến cha mẹ, bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn ở bản thân học sinh. |
Tương tự, thông tin về cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ Trung Quốc, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, trong nhóm ngành ngôn ngữ, tiếng Trung có ít sinh viên theo học. Việc này cũng đồng nghĩa là người học ngôn ngữ Trung Quốc ít, trong khi đó nhu cầu về ngoại ngữ này cao. Như vậy, thay vì học ngôn ngữ Anh với tỷ lệ cạnh tranh cao thì người học ngôn ngữ Trung Quốc có tỷ lệ cạnh tranh ít hơn nên cơ hội việc làm và thăng tiến trong công việc cao hơn những người học ngôn ngữ khác. Khi học ngôn ngữ Trung Quốc, ngoài việc rèn luyện về ngoại ngữ, người học còn được cập nhật những kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế… của quốc gia này. Ra trường, người học có thể làm nhiều công việc như biên phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch, giảng dạy…
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)